Ngân hàng nhỏ lại tăng lãi suất huy động
- Thứ tư - 14/09/2016 12:29
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Kể từ cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2016 một số ngân hàng thương mại quy mô trung bình đã tăng lãi suất huy động, như NH TMCP Bản Việt lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng từ 7%/năm lên 7,1%/năm, kỳ 13 tháng từ 7,5%/năm lên 7,8%/năm.
Từ ngày 1/9, VPBank tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng từ 4,8%/năm lên 5%/năm, kỳ hạn 2 tháng từ 5%/năm lên 5,2%/năm, kỳ hạn 3 tháng từ 5,2%/năm lên 5,3%/năm. Ngoài ra, nhà băng này cũng điều chỉnh tăng lãi suất 0,1% lần lượt đối với các kỳ hạn 13 và 15 tháng lên 7%/năm.
Tại Eximbank, khách hàng gửi tiết kiệm theo chương trình quà tặng 2016, lãi suất kỳ hạn 1 và 2 tháng đều ở mức 5%/năm, kỳ hạn 3 tháng 5,5%/năm, kỳ hạn 6 tháng 6,1%/năm.
Lãi suất cho vay bình quân đang ở mức 9,28%/năm, giảm 0,46% so với đầu năm. Ảnh minh họa:Anh Tuấn
|
Đáng chú ý là một số ngân hàng chỉ tăng lãi suất tiền gửi nhưng lãi suất cho vay vẫn không tăng, chậm chí giảm.
Theo khảo sát của Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC), lãi suất huy động bình quân tháng 8 ở mức 6,11%, tăng 0,22% so với đầu năm. Tuy nhiên, lãi suất cho vay bình quân tháng 8/2016 chỉ ở mức 9,28%/năm, giảm 0,46% so với đầu năm.
Vì sao các ngân hàng lại tăng lãi suất huy động trong thời điểm này là câu hỏi của nhiều chuyên gia. Lãi suất liên ngân hàng đang ở mức đáy của nhiều năm, trong khi hệ thống dư thừa thanh khoản. Người vay lớn nhất trên thị trường là Kho bạc Nhà nước cũng đã hoàn thành đến 99% kế hoạch huy động trái phiếu Chính phủ, với khối lượng 259.000 tỷ đồng thì rất khó lý giải động thái tăng lãi suất này.
Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết việc tăng lãi suất huy động vừa qua chỉ mang tính cục bộ, mức tăng nhỏ, diễn ra ở một vài ngân hàng có quy mô trung bình. Đây không phải là tình trạng phổ biến trên thị trường.
Theo ông Hiếu, nguyên nhân tăng lãi suất thứ nhất đến từ động thái nhằm cân đối nguồn vốn ngắn hạn và trung hạn, để chuẩn bị đáp ứng quy định của cơ quan quản lý. Theo quy định tại Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, bắt đầu từ năm 2017, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tại các nhà băng sẽ giảm xuống 50% thay vì 60% như trước đây.
Thứ hai là do vấn đề nợ xấu. Một số ngân hàng có những khoản lãi dự thu lớn, đó là lãi ảo. Điều này ảnh hưởng đến vòng quay vốn của một số ngân hàng. Thậm chí một số ngân hàng phải dùng những khoản huy động mới để trả cho những khoản tiền gửi đến hạn.
Ngoài ra, việc một số ngân hàng tăng lãi suất huy động có thể nhằm hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh trong quý III/2016 sẽ kết thúc vào ngày 30/9 tới đây, và đáp ứng nguồn vốn thường có xu hướng tăng vào các tháng cuối năm.
Tại buổi họp báo công bố thông tin về tình hình hoạt động tháng 8/2016, Ngân hàng Nhà nước cho biết lãi suất cho vay phổ biến 6%-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9%-11%/năm đối với trung và dài hạn. Như vậy, so với nhiều tháng trước, lãi suất cho vay vẫn ổn định.
Ngoài ra, tính đến ngày 23/8/2016, tín dụng nền kinh tế tăng 9,09% so với cuối năm 2015, mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 16% - 18% hoàn toàn có thể đạt được. Tăng trưởng tín dụng từ đầu năm cũng được rải đều qua các tháng thay vì tăng trưởng thấp hoặc âm đầu năm rồi dồn mạnh vào cuối năm.