Năm 2017 không phải “cuộc dạo chơi lãng mạn”
- Thứ ba - 17/01/2017 13:53
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lãi suất, tỷ giá có xu hướng tăng
Báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV/2016 được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố chiều 16/1 cho hay, cơ chế tỷ giá trung tâm đã giúp tỷ giá có một năm tương đối ổn định, hạn chế ảnh hưởng của các cú sốc lớn bên ngoài. Theo đó, tỷ giá tham chiếu cuối năm chỉ tăng 1,18% so với đầu năm 2016, ở ngưỡng 22.154 đồng/USD.
Thị trường bất động sản là một trong những thị trường nhạy cảm có thể chịu rủi ro từ việc tăng mặt bằng lãi suất - Ảnh: Tạ Tôn
Biến động tỷ giá chủ yếu diễn ra trong quý IV/2016 sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cùng với quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) khiến đồng USD mạnh lên gây sức ép trên thị trường tỷ giá của Việt Nam. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết, bên cạnh yếu tố tâm lý của người dân, tin đồn về việc đổi tiền đã làm cho người dân lo ngại, có khuynh hướng mua tích trữ USD và vàng khiến thị trường phi chính thức có những xáo động bất lợi. VEPR tính toán, riêng trong quý IV/2016, tỷ giá tham chiếu và tỷ giá bán ra tại Vietcombank đã tăng lần lượt 0,98% và 2,10% so với cuối quý III.
"Việc các nước xuất khẩu dầu đồng thuận cắt giảm sản lượng khai thác kể từ tháng 1/2017 có thể đẩy giá dầu tăng trở lại. Mặc dù điều này có lợi cho cán cân ngân sách, nhưng việc giá dầu thô và các mặt hàng năng lượng tăng trở lại có thể tạo ra sức ép lên lạm phát trong nước, vốn đã bị đẩy lên trong thời gian gần đây do việc điều chỉnh giá các nhóm dịch vụ công." TS. Nguyễn Đức Thành |
Sang năm 2017, ông Thành cho rằng, tỷ giá sẽ chịu tác động từ việc FED để ngỏ khả năng sẽ có 3 đợt tăng lãi suất. Đồng Việt Nam hiện vẫn đang được neo giữ với USD, song sẽ có xu hướng tăng giá thực so với các đồng tiền còn lại. Điều này có thể gây ra những tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu và làm trầm trọng hơn tình trạng thâm hụt cán cân thương mại trong năm 2017. Tuy nhiên, trước những bất ổn của thị trường thế giới, ông Thành cũng khuyến nghị tỷ giá nên có sự thay đổi 3-5% hàng năm để ổn định lâu dài và giữ sức mua của người dân.
Ông Thành nhận định, việc đồng USD tăng giá cũng dẫn tới hệ quả là Việt Nam có thể phải tăng lãi suất tiền gửi để giúp giữ giá trị đồng Việt Nam và giữ tiền trong hệ thống ngân hàng . Điều này có thể khiến mặt bằng lãi suất tăng, từ đó dẫn tới phản ứng dây chuyền trên thị trường bất động sản, làm giá có thể giảm hoặc tăng chậm hơn dự kiến và điều này có thể gây ra những rủi ro cho các dự án bất động sản vốn đã đang trong tình trạng nhạy cảm, dễ tổn thương, và do đó lan sang hệ thống ngân hàng. Mặc dù điều này hiện chưa xảy ra rõ ràng nhưng theo Viện trưởng VEPR, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các doanh nghiệp cần lưu ý.
GDP năm 2017 dự kiến đạt 6,4%
Nhận định này của ông Thành về tăng trưởng GDP năm 2017 thấp hơn mức mức tăng trưởng 6,7% mà Quốc hội giao. “Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm tránh tâm lý nôn nóng đạt mục tiêu tăng trưởng cao dẫn tới buông lỏng ổn định vĩ mô. Nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát đang trở lại và giữ được lạm phát trong năm 2017 như mục tiêu 4% đặt ra là không dễ dàng”, TS. Nguyễn Đức Thành nói. Ông Thành cho rằng, nếu lạm phát năm 2017 vượt 5%, lãi suất danh nghĩa sẽ phải tăng theo mức tương ứng và gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và thị trường tài chính , tác động bất lợi đến tăng trưởng kinh tế. Ông Thành nhấn mạnh, lạm phát 2017 phụ thuộc nhiều vào mức độ điều chỉnh giá y tế, giáo dục... nên cần tính toán mức độ điều chỉnh và thời gian điều chỉnh, tránh gây tác động mạnh lên lạm phát.
“Nợ xấu lớn làm không gian chính sách hẹp lại, lạm phát năm 2017 cao hơn năm 2016 khiến lãi suất tăng lên và sức ép hạ giá VND sẽ lớn ép lên tỷ giá, lãi suất và chi phí vốn của doanh nghiệp”, chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển lưu ý. Theo ông Tuyển, những tổ chức tài chính “sừng sỏ” như WB, IMF luôn hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới... là điểm đáng lưu ý.
Nhận định về năm 2017, TS. Lê Đăng Doanh cho hay, chưa bao giờ thế giới đứng trước sự thay đổi đầy bất định như bây giờ. Chính vì thế, Việt Nam phải chuẩn ngay hai phương án: Tích cực, bình thường và phương án có nhiều thay đổi biến động. “Năm 2017 là năm không dễ dàng và chúng ta không có “cuộc dạo chơi lãng mạn” trong thế giới biến động này. Để ứng phó, nội lực của ta phải mạnh lên, đồng thời phải nhanh nhạy trước biến động thế giới, tranh thủ nắm bắt mọi cơ hội”, TS. Lê Đăng Doanh khuyến nghị.