Ma trận phí ngân hàng “móc túi” chủ tài khoản
- Thứ tư - 07/03/2018 13:03
- In ra
- Đóng cửa sổ này
“Nuôi” thẻ ngân hàng nào tốn nhất?
Một nhân viên quầy của Techcombank tiết lộ, trong mấy ngày qua bận tối mắt tối mũi vì đông khách hàng tới mở thẻ, do ngân hàng này đang miễn phí các giao dịch chuyển tiền trong và ngoài hệ thống, miễn phí đăng ký, miễn phí duy trì dịch vụ hàng tháng, trong bối cảnh thông tin một số ngân hàng khác vừa điều chỉnh phí.
Các ngân hàng có xu hướng tăng thu từ dịch vụ thay vì trông đợi cả vào tín dụng (Trong ảnh: Khách rút tiền tại máy ATM Vietcombank) - Ảnh: K.Linh
"Việc tăng, giảm phí nằm trong quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và trong thỏa thuận sử dụng dịch vụ khách hàng ký với ngân hàng. Có điều, khi ngân hàng giảm phí thì rất lớn tiếng, nhưng khi tăng thì âm thầm, không nhắn tin hay thông báo trước để khách hàng biết, dễ gây bức xúc cho khách hàng. Do đó, các ngân hàng cũng nên sòng phẳng, ít nhất khi điều chỉnh phí dịch vụ nào phải thông báo cho khách hàng biết, để khách hàng lựa chọn có tiếp tục sử dụng dịch vụ nữa hay không”. Luật sư Trương Thanh Đức Chủ tịch Công ty Luật Basico |
Theo thống kê, một chủ thẻ mở thẻ và đăng ký đầy đủ các dịch vụ ngân hàng đang phải trả những khoản phí: SMS banking gồm phí đăng ký dịch vụ, phí duy trì dịch vụ hàng tháng (thấp nhất là 2.000 đồng/tháng), phí chấm dứt dịch vụ, phí dịch vụ ATM gồm rút tiền trong và ngoài hệ thống (1.100 - 3.300 đồng/lần), chuyển tiền trong và ngoài hệ thống, phí in sao kê, Internet banking (phí chuyển khoản trong và ngoài hệ thống (2.200 - 11.000 đồng/lần), Mobile banking (chuyển tiền trong và ngoài hệ thống), phí truy soát giao dịch (3.300 đồng/lần)... Số tiền mà các chủ thẻ phải trả hàng năm sẽ gồm số phí cố định mà ngân hàng thu khi tới kỳ cộng với số tiền phí trả cho từng giao dịch, càng giao dịch nhiều thì càng mất nhiều tiền phí…
Đối với các khoản cứng mà ngân hàng thu khi tới kỳ (hàng tháng) có phí dịch vụ, SMS banking đang là khoản “chát” nhất. Đơn vị có mức thu cao nhất hệ thống là Maritime Bank là 16.500 đồng/tháng (đã tính thuế VAT), tương đương 198 nghìn đồng/năm. Sau đó đến một số ngân hàng VPBank, VIB, OCB... thu 11 nghìn đồng/tháng (đã bao gồm VAT), tương đương 132 nghìn đồng/năm. Một số ngân hàng có mức thấp hơn nữa 8.800 đồng/tháng, tương đương 105.600 đồng/năm.
Tăng phí - con dao hai lưỡi
Trong câu chuyện điều chỉnh phí vừa qua của Vietcombank - ngân hàng có lượng khách sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử lớn nhất, mặc dù có loại phí tăng, có loại giảm nhưng dư luận dường như chỉ chú ý tới cụm từ “tăng phí”. Dù đại diện ngân hàng này đã khẳng định 70% giao dịch của khách hàng cá nhân có giá trị dưới 10 triệu đồng nên không ảnh hưởng nhiều tới khách hàng bởi với những giao dịch dưới 10 triệu đồng (ngoài hệ thống) và 50 triệu đồng (trong hệ thống) Vietcombank giảm phí từ 3.300 đồng/giao dịch xuống 2.200 đồng/giao dịch.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết, ngân hàng tăng phí là cần thiết để đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin. “Sức người chỉ đóng góp một phần, còn có nhiều dịch vụ qua internet, ngân hàng cần đầu tư và việc này rất tốn chi phí. Nên việc tăng phí cũng là đầu tư dài hạn”, ông Hiếu phân tích.
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng lưu ý, đây là con dao hai lưỡi bởi nếu mức phí không hợp lý, công tác truyền thông không tốt, sẽ hạn chế khuyến khích người dân thanh toán qua ngân hàng, có thể làm trì trệ nền kinh tế .
Để xử lý vấn đề, theo ông Hiếu, ngân hàng phải xem lại biểu phí nào phải tăng, biểu phí nào giảm được và hỗ trợ tối đa cho khách hàng. “Trên thế giới, các ngân hàng xác định, người dân gửi tiền vào ngân hàng là cho họ vay với lãi suất thấp, đặc biệt là tiền gửi không kỳ hạn, có khi chỉ dưới 1% mà ngân hàng sử dụng số tiền này với nhiều mục đích khác cũng đã tạo ra lợi nhuận. Do đó, ngân hàng phải có trách nhiệm giảm phí”, ông Hiếu nói.
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, doanh thu thuần từ hoạt động dịch vụ của các ngân hàng năm 2017 tăng đến 34,7% so với năm 2016. Cơ quan này cũng dự đoán, thu từ dịch vụ của ngân hàng sẽ còn tăng trong các năm tiếp theo. Theo khảo sát của Báo Giao thông, năm 2017, một số ngân hàng có doanh thu từ dịch vụ cao như: BIDV 5.633 tỷ đồng; Vietcombank 5.381 tỷ đồng, Techcombank 4.520 tỷ đồng... Những ngân hàng có mức thu từ dịch vụ tăng vọt so với năm trước đó, bao gồm SHB tăng tới 247%, đạt 1.012 tỷ đồng; MBBank tăng 148%, đạt 1.925 tỷ đồng; TPBank tăng 92%, đạt 1.345 tỷ đồng... |