Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Lương tăng mạnh, nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP

Lương tăng mạnh, nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP
Tiền lương thực tế của nước ta tăng bình quân 8%/năm nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế và tiền lương tối thiểu vùng tăng bình quân 12,2%/năm nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động là một nghịch lý…

Chia sẻ tại buổi Tọa đàm “Tiền lương tối thiểu và an sinh xã hội” TS. Đặng Đức Đạm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, 2 năm qua chúng ta đã tăng lương tối thiểu vùng liên tục và mức tăng đều trên 12% nhưng thực chất mức lương tối thiểu hiện nay vẫn chưa đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu.

“Tiền lương tối thiểu có quan hệ với mức sống tối thiểu, năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và xử lý vấn đề này là không dễ đối với tất cả các quốc gia. Tiền lương thực tế của nước ta tăng bình quân 8%/năm nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế và tiền lương tối thiểu vùng tăng bình quân 12,2%/năm nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động (khoảng 4,2%/năm) là một nghịch lý”, ông Đạm nói.

Theo chuyên gia, tiền lương thực tế của nước ta tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế và tiền lương tối thiểu vùng tăng nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động là một nghịch lý.

Giải thích cho nguyên nhân tại sao tiền lương cho khối hành chính sự nghiệp lại bị “hụt hơi”, TS. Đặng Đức Đạm chỉ ra 2 nguyên nhân chính là do ngân sách nhà nước eo hẹp và bộ máy công chức cồng kềnh, kém hiệu quả.

“Trong tất cả các cuộc cải cách tiền lương trước đây đều có một điểm chung là mức lương tối thiểu xây dựng căn cứ trên mức sống tối thiểu cao hơn rất nhiều khả năng chi trả của Ngân sách Nhà nước. Kết quả là mức lương tối thiểu thực tế được chấp nhận đưa vào áp dụng thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu xây dựng dựa trên mức sống tối thiểu, theo kiểu “gọt chân cho vừa giày. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Phó thủ tướng phụ trách công tác cải cách hành chính đã nêu con số có tới 30% công chức thuộc dạng “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, không làm được việc, còn người dân mỗi khi phải đến "cửa quan" đều ngại ngần, bức xức về sự phiền hà, nhũng nhiễu”, ông Đạm cho biết.

Theo ông, trong cuộc “chạy đua” tăng lương tối thiểu hiện nay, khu vực doanh nghiệp vượt lên quá xa, trong khi hai khu vực còn lại thì ngày càng “hụt hơi” (khu vực hành chính do hạn chế ngân sách, khu vực sự nghiệp do sức gánh chịu của người dân) không biết bao giờ mới có được tiếng nói chung. Nếu không đựơc xem xét lại một cách cơ bản thì tiền lương tối thiểu vùng mãi mãi chỉ có thể là tiền lương tối thiểu dành riêng cho khu vực doanh nghiệp.

Vậy, người lao động trong khu vực hành chính và khu vực sự nghiệp có được bảo vệ bằng thiết chế tiền lương tối thiểu như Bộ Luật Lao động chế định không?, TS. Đặng Đức Đạm đặt câu hỏi.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, việc điều chỉnh lương tối thiểu thậm chí có thể sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt việc giảm, trốn đóng bảo hiểm xã hội có thể sẽ tăng cao.

“Theo dự báo của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), nếu tiền lương tối thiểu thực tế lên 3%, sẽ có khoảng 10.000 lao động bị giảm đóng/trốn đóng BHXH trong ngắn hạn và khoảng 30.000 lao động khác bị giảm đóng trong dài hạn. Các lao động này sẽ phải chuyển sang lao động phi chính thức, không tham gia bảo hiểm xã hội. Nếu tăng lương tối thiểu thực tế lên 5%, sẽ có khoảng 17.000 lao động bị giảm/trốn đóng bảo hiểm xã hội trong ngắn hạn và khoảng 51.000 lao động khác bị giảm đóng trong dài hạn” bà Hương nói.

Bà Hương cho rằng khi điều chỉnh tiền lương tối thiểu cần phải cân nhắc các yếu tố kinh tế khác có liên quan, đặc biệt là khả năng chi trả của doanh nghiệp, các tác động về việc làm, thất nghiệp, thu nhập, tiền lương trước và sau khi điều chỉnh tiền lương tối thiểu.

Mặt khác, thay vì trả lương theo tháng thì theo bà Hương nên chú trọng trả lương tối thiểu theo giờ sẽ đáp ứng được đặc thù của thị trường lao động và đối tượng hưởng lương tối thiểu. Nếu dùng lương tối thiểu tháng sẽ vô tình tạo bất lợi cho một số lao động mà doanh nghiệp người ta chỉ có nhu cầu làm việc theo giờ.

Ngoài ra, cũng theo bà Hương nên nhập lương tối thiểu của công chức nhà nước với lương tối thiểu của doanh nghiệp bởi lương tối thiểu là cái sàn và tất cả phải đứng trên một sàn đó, nhưng mức tối thiểu đó phải tính toán thế nào để tất cả các khu vực đều có thể chịu đựng được.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây