Lộ lý do nợ xấu các ngân hàng tăng vọt
- Thứ năm - 11/08/2016 16:57
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ khoảng 1,6% cuối 2015 lên 2%, tương ứng với hơn 3.000 tỷ đồng nợ xấu tăng thêm, và tính đến ngày 30/6 thì BIDV đang có 13.184 tỉ đồng nợ xấu.
Tính đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) là nhà băng có tỷ lệ nợ xấu tăng đột biến cao nhất. Nợ xấu của Eximbank từ 1,86% cuối 2015 lên tới 5,3% cuối quý II/2016.
Sacombank, một ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất trong khối ngân hàng thương mại cổ phần không có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối, cũng có nợ xấu tăng mạnh, từ 1,85% cuối năm 2015 lên 2,83%.
Mặc dù không thuyết minh nợ xấu ở báo cáo hợp nhất, nhưng theo báo cáo riêng lẻ thì đến cuối quý II/2016, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cũng tăng từ 2.261 tỷ đồng lên 3.113 tỷ đồng, tương ứng mức tăng từ 1,7% lên 2,2%.
Một số ngân hàng thương mại lớn, tỷ lệ nợ xấu không tăng hoặc thậm chí giảm nhẹ do tăng trưởng tín dụng cao, nhưng nếu tính theo giá trị tuyệt đối thì cũng tăng lên trong nửa đầu năm nay.
Điển hình là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Nợ xấu đã giảm từ mức 1,8% cuối năm ngoái xuống 1,7% nhưng số tuyệt đối thì nợ xấu đã tăng từ mức 7.136 tỷ đồng lên mức 7.470 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 4.676 tỷ đồng.
Tương tự, nợ xấu tại Vietinbank đã tăng từ 4.911 tỷ đồng lên 5.366 tỷ đồng, mặc dù tỷ lệ nợ xấu ở nhà băng này vẫn duy trì ở mức 0,9%.
Điểm sáng duy nhất đến thời điểm hiện tại thuộc về Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank), khi tỷ lệ nợ xấu giảm từ mốc 1,6% (1.949 tỷ đồng) còn 1,3% (1.883 tỷ đồng) vào cuối tháng 6.
Nợ xấu đồng loạt tăng do các ngân hàng đã ghi nhận nợ xấu thực chất hơn. Ảnh minh họa: Anh Tuấn |
Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, nguyên nhân khiến nợ xấu tăng, thậm chí tăng mạnh ở một số ngân hàng trong nửa đầu năm nay, là do các ngân hàng đang phải trả nợ cho quá khứ.
Thứ nhất, theo Quyết định 780/QĐ-NHNN năm 2012 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép các tổ chức tín dụng được cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm. Từ đó, một lượng lớn dư nợ lẽ ra đã là nợ xấu, nhưng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tức đã đẩy về cho tương lai ghi nhận sau.
Thứ hai, Thông tư 36 có hiệu lực vào ngày 1/2/2015 đã nâng mạnh giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 30% lên tới 60%. Cơ chế này có hiệu lực trước thời điểm quy định các tổ chức tín dụng được chỉ được một lần cơ cấu lại nợ (Thông tư 09/2014/TT-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng được phép cơ cấu lại nợ một lần trước ngày 1/4/2015).
Như vậy, một lượng lớn dư nợ lẽ ra đã là nợ xấu, nhưng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Đồng nghĩa với đẩy về cho tương lai ghi nhận sau, nhiều món nợ xấu đã được ghi nhận thành nợ trung và dài hạn.
Ông Hiếu bình luận, nợ xấu tăng là do các ngân hàng thương mại ghi nhận thực chất hơn, và không ngoại trừ là trong thời gian tới nợ xấu của một số ngân hàng tiếp tục tăng lên do phải ghi nhận yếu tố quá khứ này.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác có thể đẩy nợ xấu tại các ngân hàng lên cao, là do trong 6 tháng qua, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) hầu như không mua nợ xấu mà chỉ tập trung xử lý nợ xấu.
Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016, VAMC đã mua 241.000 tỷ đồng nợ xấu, con số này không thay đổi so với cuối năm 2015. Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra rằng, VAMC mới chỉ xử lý được 32.400 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 13,4% trong tổng số nợ xấu đã mua.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 2/8, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, nợ xấu toàn hệ thống tính đến cuối tháng 5/2016 ở mức 2,78%.
Vấn đề xử lý nợ xấu vẫn là trọng tâm trong chỉ đạo điều hành của cơ quan này trong 6 tháng cuối năm, nhằm kiểm soát nợ xấu dưới 3%.