Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Làng mía đường trăm tuổi của người Nùng xứ Lạng tất bật vào vụ mới

Làng mía đường trăm tuổi của người Nùng xứ Lạng tất bật vào vụ mới
Sau Tết, khi trời còn đang lớt phớt những cơn mưa phùn của mùa xuân thì trên các triền đồi, người nông dân đã tất bật bước vào vụ gieo trồng mới. Tại làng làm mía đường trăm tuổi ở Nà Rọ, Song Giang, Văn Quan, Lạng Sơn, bà con đang tích cực xuống giống mía để cuối năm có những luống mía tốt, nấu ra những mẻ đường ngon nhất.

Theo quan niệm của người Nùng ở đây, hết Rằm tháng Giêng mới là hết Tết. Vì vậy sau 15 tháng Giêng người nông dân mới quay lại với công việc đồng áng như thường nhật.

Tại làng làm mía đường trăm tuổi Nà Rọ, đây cũng là lúc người dân tất bật bước vào vụ gieo trồng mới. Theo tìm hiểu của PV, nghề trồng mía, nấu đường đã tồn tại ở đây từ xưa. Dù có vất vả nhưng các hộ gia đình tại ngôi làng này vẫn lưu giữ và phát triển giống mía đặc biệt này.

 

Người dân tất bật  với công việc bóc ngọn mía để kịp trồng cho đúng thời vụ. Ảnh: Chang Liễu

Bà Triệu Thị Mọn (81 tuổi) một người cao tuổi trong làng cho biết: “Nghề trồng mía để làm đường phên bằng phương pháp thủ công này đã có từ hàng trăm năm nay. Loại giống mía này cũng chẳng biết từ đâu mà có, khi chặt mía để ép thì lại lấy ngọn mang giâm xuống đất, ăn Tết xong mang trồng. Cứ như vậy từ năm này sang năm khác, vẫn giống mía đấy. Từ ngày còn bé bà đã được theo ông bà, bố, mẹ lên quả đồi trước nhà đuổi trâu ép loại mía này để nấu đường. Giờ bà già rồi, không làm được nữa, thỉnh thoảng lại ra vườn phụ các con, các cháu chút việc nhẹ”.

 

Tiếng giục trâu í ới vang khắp ngoài bãi. Người dân nơi đây vẫn cày, bừa đất bằng sức kéo của trâu như các cụ ngày xưa. Ảnh: Chang Liễu

Loại mía này phải trải qua ít nhất 11 tháng trồng, chăm sóc mới cho độ ngọt sắc để nấu được những mẻ đường ngon và chất lượng. Cứ vào tháng 11, 12 âm lịch hàng năm bà con trong làng bắt đầu chặt mía để nấu đường phên. Thân mía sẽ được mang đi ép lấy nước, ngọn mía để làm giống cho vụ sau và lá mía để dành cho trâu bò ăn.

“Người chặt lấy ngọn mía làm giống phải là người có kinh nghiệm, vì nếu chặt sát thân quá thì sẽ già và rất phí vì phần già sẽ không mọc chồi hoặc khi mọc, chồi sẽ không to và mập; còn nếu lấy non quá thì ngọn sẽ hỏng, không mọc được chồi. Ngọn mía sau khi chặt sẽ được đem cắm xuống đất ẩm, nếu khô quá phải tưới nước thường xuyên”, bà Mọn chia sẻ.

 

Ngọn được cắm xuống đất, đến mùa trồng mới nhổ lên để bóc bỏ bẹ khô, sau đó đem trồng. Ảnh: Chang Liễu

Cô Vy Thị Nhung cho biết: Trồng mía là công việc vất vả, công chăm sóc cũng nhiều nhất là công vun đất. Nếu vun không cao thì sau một đợt mưa kèm chút gió sẽ làm đổ rạp hết cả vườn, mía sẽ không ngọt làm giảm chất lượng đường vì vậy công đoạn này rất mất công và nặng nhọc.

Để trồng được cây mía có độ ngọt đã vất vả rồi, nhưng để có được mẻ đường ngon thì càng cầu kì hơn nữa. Cô Nhung cho biết, trước đây ở đây mía được ép bằng cách cho kẹp giữa hai khúc gỗ to được cố định bằng trục và dùng sức trâu để kéo. Vài năm trở lại đây người dân mới góp tiền để mua chung máy ép mía nên đỡ vất vả hơn.

 

Ngọn mía giống phải được bóc sạch vỏ để lộ mắt mía, khi trồng chồi mía mọc lên sẽ mập và đều hơn.

Trao đổi với Dân Việt, chị Vy Thị Thủy – Chủ tịch Hội Nông dân xã Song Giang cho biết: Song Giang là một xã nghèo thuần nông, người dân chủ yếu làm nông nghiệp nên đời sống cũng như đi lại của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn xã hiện nay, có Nà Rọ là làng còn lưu giữ và phát triển nghề trồng mía làm mía đường bằng phương pháp thủ công.

Tại đây bà con trồng chủ yếu hai loại mía, gồm mía bán cả cây để ép lấy nước giải khát, và loại mía chuyên để ép lấy nước nấu thành đường phên. Hiện nay, trong thôn các gia đình đều trồng loại mía làm đường với tổng diện tích 2ha. Sau Tết là thời gian bà con trong làng lại tất bật với công việc trồng mía. Nhờ cây mía mà nhiều hộ gia đình có thu nhập ổn định.

 

Sau 11 tháng trồng và chăm sóc, mía sẽ được ép lấy nước để nấu thành đường. Nhờ cây mía mà rất nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Chang Liễu

Vườn sau khi được cày xới thật tơi xốp bằng sức trâu sẽ được lên luống với khoảng cách nhất định. Ngọn mía sẽ được đào lên, bóc vỏ và xếp thẳng luống, bón phân chuồng, phân lân và vun đất lại. Mía là lại cây trồng mỗi năm thu một vụ nên khoảng tháng 1 âm lịch trồng thì đến tháng 11 mới cho thu hoạch. Ngoài trồng mía thì bà con ở đây cũng trồng các loại hoa màu khác.

Dù vất vả nhưng đổi lại đường phên mà bà con làm ra luôn được ưa chuộng, giá bán dao động từ 35.000- 40.000 đồng/kg.

Nhà máy đường lại lo “đói” mía

Chuyện không mới nhưng nhiều năm qua, ngành mía đường vẫn không giải quyết được

Bấm xem >>

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây