Kinh tế chuyển dịch tích cực
- Thứ hai - 09/01/2017 09:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Năm 2016, tăng trưởng GDP và tăng trưởng xuất khẩu đều không đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể, GDP chỉ tăng 6,21% so với mục tiêu là 6,7%, tăng trưởng xuất khẩu chỉ đạt 8,6% so với năm 2015, trong khi kế hoạch là 10%. Tuy nhiên, năm qua lại đánh dấu một xu hướng tích cực thể hiện qua sự dịch chuyển cả về cơ cấu ngành nghề kinh tế và xuất khẩu.
Giảm phụ thuộc vào dầu thô và than
Số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK) cho thấy trong mức tăng 6,21% của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 2,59 điểm phần trăm. Trong đó, công nghiệp tăng 7,06% và riêng chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao với 11,9%, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung với 1,83 điểm phần trăm.
Ngành dệt may sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2017 Ảnh: TẤN THẠNH
Đáng lưu ý là năm 2016, ngành khai khoáng giảm tới 4%, làm giảm 0,33 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung. Đây là mức giảm sâu nhất từ năm 2011 đến nay. Nguyên nhân chủ yếu do giá dầu thế giới giảm khiến sản lượng dầu thô khai thác giảm hơn 1,67 triệu tấn so với năm 2015. Sản lượng khai thác than cũng chỉ đạt hơn 39,6 triệu tấn, giảm 1,26 triệu tấn.
Năm qua, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5% so với năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,2%, đóng góp 7,9 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Riêng ngành khai khoáng giảm sâu ở mức 5,9%, làm giảm 1,3 điểm phần trăm mức tăng chung.
Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp - TCTK, phân tích dù ngành khai khoáng giảm “sốc” nhưng nền kinh tế lại có tín hiệu rất tích cực vì công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số cao nhất trong những năm qua. Công nghiệp khai khoáng tăng thấp là do khủng hoảng năng lượng thế giới và xu hướng những năm tới cho thấy ngành này cũng tiếp tục suy giảm. Đây là điều đáng mừng vì cho thấy Việt Nam đã giảm phụ thuộc khai khoáng, tăng về chế biến, chế tạo khi chỉ số ngành này cao nhất những năm qua.
Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia - TCTK, cũng đánh giá 2016 là năm đầu tiên Việt Nam giữ được mức tăng trưởng cao nhưng không phụ thuộc khai thác tài nguyên thiên nhiên. “Đó là bài học cho quá trình tái cơ cấu kinh tế, đổi mới nguồn lực tăng trưởng trong tương lai” - ông Tuyến nhìn nhận.
Công nghiệp chế biến đóng góp lớn
Các chuyên gia kinh tế cho rằng năm 2016 đã có sự chuyển động tích cực về cơ cấu hàng hóa và thị trường xuất khẩu.
Theo TCTK, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 175,9 tỉ USD, tăng 8,6% so với năm 2015 và đạt mức tăng 10,6% nếu loại trừ yếu tố giá. Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản ước đạt 3,47 tỉ USD, giảm 29,2% so với năm 2015.
Riêng dầu thô, giá và lượng xuất khẩu giảm đã làm giảm kim ngạch khoảng 1,4 tỉ USD. Xuất khẩu dầu thô cả năm ước đạt gần 7 triệu tấn, kim ngạch đạt khoảng 2,35 tỉ USD, giảm 24,2% về lượng và 36,7% về trị giá so với năm 2015. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu dầu thô thậm chí còn thấp hơn kim ngạch xuất khẩu 2,4 tỉ USD của nhóm hàng rau quả.
Trong khi đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 141,2 tỉ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm 80,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đáng lưu ý, mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, tốc độ tăng cao là điện thoại các loại và linh kiện, ước đạt 34,5 tỉ USD - tăng 14,4%, tiếp tục vượt qua dệt may trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất từ năm 2013 đến nay và là mặt hàng tham gia chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.
Về thị trường xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam, năm 2016, thị trường Mỹ vẫn tiếp tục dẫn đầu với 38,1 tỉ USD, tăng 14% so với năm 2015; tiếp đến là EU đạt 34 tỉ USD, tăng 10%. Mặc dù nhiều mặt hàng thô vẫn tập trung xuất khẩu vào Trung Quốc nhưng thị trường này chỉ đứng thứ 3, sau EU và Mỹ, do giá trị các mặt hàng xuất khẩu thấp. Trái với xu hướng này, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là hàng công nghiệp có giá trị lớn, đang tăng trưởng tốt ở thị trường EU và Mỹ.
Thu ngân sách nhà nước từ dầu thô 11 tháng của năm 2016 đạt khoảng 39.500 tỉ đồng, bằng 58% dự toán pháp lệnh, bằng 97% so với cùng kỳ năm trước. (Nguồn: Bộ Tài chính) |