Khởi nghiệp chưa hẳn là startup!
- Thứ tư - 12/10/2016 14:07
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Các bạn trẻ làm việc tại văn phòng của một công ty phát triển ứng dụng tìm kiếm các địa điểm ăn ngon tại Hà Nội - Ảnh: Reuters.
Ở thời điểm hiện tại, “khởi nghiệp” đang dần trở thành một khái niệm ngày càng “hot” hơn trong xã hội và nền kinh tế Việt Nam. Người người khởi nghiệp, nhà nhà khởi nghiệp, thậm chí một trong những chương trình quốc gia quan trọng nhất từ nay đến năm 2020 cũng là “quốc gia khởi nghiệp”, với mục tiêu đặt ra là Việt Nam sẽ có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020.
Nói cách khác, trọng tâm của chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế mà Nhà nước và Chính phủ đang theo đuổi trong thời gian 5 năm tới là xoay quanh khái niệm “khởi nghiệp”, trong đó mọi nỗ lực cải cách trên nhiều phương diện đều hướng tới mục đích chính là tạo thuận lợi tối đa cho môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, nếu so sánh với phong trào khởi nghiệp đang khá thịnh hành tại nhiều quốc gia trên thế giới, thì cách tiếp cận của Việt Nam với khái niệm “khởi nghiệp” đang có một số khác biệt nhất định.
Trước hết, cách tiếp cận của Việt Nam với khái niệm “khởi nghiệp” hiện nay vừa rộng hơn mà cũng vừa hẹp hơn so với cách hiểu phổ biến trên thế giới. Tại nhiều quốc gia, làn sóng khởi nghiệp hay còn được biết đến với cái tên startup được xem là một lĩnh vực kinh tế mới, dù về bản chất phần lớn các startup được xếp vào các lĩnh vực như dịch vụ hay công nghệ tùy thuộc vào sản phẩm mà startup cung cấp. Sở dĩ khởi nghiệp được nhiều quốc gia coi là một lĩnh vực kinh tế mới, là do sự linh hoạt, đa dạng và quan trọng nhất là dựa trên nền tảng sự sáng tạo vượt ra ngoài khuôn khổ các ngành nghề thông thường. Chính vì vậy mà tại một số nước, startup được gọi là lĩnh vực kinh tế sáng tạo.
Điều này dẫn tới việc hầu hết các gói hỗ trợ từ phía chính phủ tại các quốc gia đều phải là những gói hỗ trợ đặc thù dành riêng cho startup, ngoài vốn thì còn có những khái niệm khá mới mẻ dành riêng cho giới startup như “vườn ươm”, “hệ sinh thái khởi nghiệp”… với những đặc điểm cấu tạo rất đặc thù. Thậm chí, lợi nhuận và doanh thu của giới startup cũng được tính thành hẳn một mục riêng trong GDP quốc gia, chẳng hạn như tại Ấn Độ năm 2015 doanh thu của các startup trên toàn quốc lên tới hơn 20 tỉ USD, tại Anh là khoảng 50 tỉ USD.
Trong khi đó, cách tiếp cận của Việt Nam hiện nay với khái niệm “khởi nghiệp” lại có phần nghiêng theo nghĩa tự khởi sự kinh doanh với mục đích chủ yếu là tạo việc làm và tăng thu nhập thay vì hướng tới ý nghĩa phổ biến là một ngành kinh tế sáng tạo. Điều này thể hiện rõ nhất ở ngay nội dung chủ đạo của chương trình “quốc gia khởi nghiệp” do Nhà nước và Chính phủ đặt ra. Đó là đặt trọng tâm vào việc tạo thêm khoảng 500.000 doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 không giới hạn về lĩnh vực hay ngành nghề kinh doanh.
Các hỗ trợ từ phía chính phủ và chính quyền các địa phương cho phong trào khởi nghiệp, vì thế cũng mang tính trải rộng ra khắp các ngành nghề và lĩnh vực với mục đích chính là thúc đẩy việc thành lập thêm nhiều doanh nghiệp mới. Điển hình là đề xuất bãi bỏ 36 ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Luật sửa đổi bổ sung vừa được Chính phủ trình Quốc hội, hay 2 bản cam kết mà 53 tỉnh thành vừa ký cách đây hơn 1 tháng.
Điều này dẫn đến việc phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay có khá nhiều khác biệt với các nước trên thế giới. Vì không đặt nền tảng là một ngành kinh tế dựa trên sự sáng tạo, nên chỉ số sáng tạo đổi mới của các startup Việt Nam kém xa so với quốc tế. Theo số liệu thống kê từ báo cáo “Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2015-2016” (GEM Việt Nam 2015) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa thực hiện, thì chỉ số sáng tạo đổi mới của startup Việt Nam trong năm 2015 chỉ đạt 11,4%, xếp hạng 50 trong số 60 nước thực hiện GEM. Trong đó, mới về sản phẩm chỉ đạt mức 4,8%, mới về thị trường là 2,2%, mới về công nghệ là 4,4%.
Tỷ lệ startup hoạt động trong các lĩnh vực chế biến và phục vụ doanh nghiệp rất thấp, trong khi đây mới được xem là thước đo chính để xem xét một nước có nền khởi nghiệp mạnh hay không. Các hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam cũng có định hướng quốc tế khá thấp, chỉ có 1,5% số startup là có trên 25% khách hàng nước ngoài, trong khi tỷ lệ này ở các nước tương tự Việt Nam lên tới 5,7%. Triển vọng tăng trưởng việc làm đối với các hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam chỉ đạt 3,9%, trong khi tỷ lệ trung bình ở các nước tương tự lên tới 12,9% (theo The Saigon Times).
Các số liệu thống kê trong GEM Việt Nam 2015 cũng chỉ ra một thực tế rằng, đa phần khởi nghiệp ở Việt Nam là vì nhu cầu thiết yếu và mưu sinh hàng ngày. Theo đó, 37,4% người Việt Nam khởi sự kinh doanh là thuộc diện không có công việc ổn định và buộc phải tìm cách bươn chải bằng những công việc buôn bán nhỏ lẻ. Trong khi đó 62,6% còn lại cũng khởi sự kinh doanh vì các lý do khác như tăng thu nhập (chiếm 75%), duy trì thu nhập (18%) và độc lập hơn (7%) (theo The Saigon Times). Nói cách khác là vì những lý do tài chính và thu nhập hơn là vì muốn sử dụng khả năng sáng tạo và tận dụng cơ hội mà toàn cầu hóa cùng những đột phá mà công nghệ đem lại trong nền kinh tế.
Trên thực tế, đây cũng là điều không có gì khó hiểu. Nền kinh tế Việt Nam vẫn trong giai đoạn đang phát triển, nơi nhu cầu về công ăn việc làm tạo ra đầy đủ đáp ứng cho người lao động lớn hơn và cấp bách hơn rất nhiều. Khó có thể đòi hỏi một nền kinh tế tự thừa nhận rằng số doanh nghiệp hoạt động hiện vẫn còn quá ít và cơ hội việc làm cho người lao động không phải là đã dư thừa, phải phát triển ngành kinh tế sáng tạo dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ ở một mức độ nhất định. Startup theo nghĩa phổ biến trên thế giới hiện nay rõ ràng không phải là một hạt giống có thể đâm chồi ở bất cứ điều kiện nào cũng được, mà chỉ có thể nảy lộc tại những nơi hội tụ một số thuận lợi nhất định.
Nhưng hiểu khởi nghiệp theo nghĩa khuyến khích khởi sự kinh doanh trên khắp các lĩnh vực của nền kinh tế không đồng nghĩa với việc lãng quên đi các startup thực thụ cũng đang rất cần những hỗ trợ đặc thù. Báo cáo GEM Việt Nam 2015 rõ ràng đang chỉ ra một thực tế rằng, giới startup của Việt Nam hiện còn rất yếu và cần nhiều hỗ trợ hơn cho lĩnh vực đầy tiềm năng này. Đã đến lúc Việt Nam cần có sự phân biệt rạch ròi giữa “khởi nghiệp” và “startup”.