Khách Tây phải trực tiếp trình báo vụ quẹt thẻ mất 700 triệu
- Thứ sáu - 14/10/2016 21:21
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 14/10, bà Lê Kim Yến, đại diện theo ủy quyền cho ông Caracciolo David John (54 tuổi, quốc tịch Australia) đã có buổi làm việc với Công an quận 1.
Trước buổi làm việc, ông David John gửi Bản tuyên bố pháp lý theo Luật tuyên thệ năm 1867 của Australia cho bà Yến để chuyển đến cơ quan chức năng Việt Nam.
Trong văn bản, ông David John khẳng định hơn 39.000 AUD (683 triệu đồng) ông bị trừ qua việc quẹt thẻ không phải là khoản phí ông phải thanh toán.
Theo lời vị khách, sau khi ăn tối tại nhà hàng, ông đưa thẻ tín dụng cho nhân viên để thanh toán. Phía nhà hàng đưa máy quẹt thẻ và yêu cầu ông nhập mã pin nhiều lần mà không xuất hóa đơn thanh toán hay chứng từ chuyển tiền.
Trụ sở nhà hàng Nightfall trên đường Nguyễn Siêu (quận 1) đã được chuyển đi nơi khác. Ảnh: Phạm Oanh. |
“Tôi thực sự hoảng hốt về số tiền mà tôi phải thanh toán. Ai đó phải giải thích cho tôi về việc này. Nhưng Ngân hàng ANZ, nơi tôi mở thẻ, thông báo họ hoàn toàn chính xác về khoản tiền mà tôi đã dùng để thanh toán tại Việt Nam”, ông John viết trong Bản tuyên bố gửi cơ quan chức năng.
Tại buổi làm việc sáng 14/10, bà Yến đã truyền lại kiến nghị của ông John với Công an quận 1, để làm rõ việc ông cà thẻ thanh toán tại nhà hàng trên đường Thái Văn Lung, nhưng bảng sao kê của ngân hàng lại thể hiện tiền chuyển vào tài khoản của Công ty TNHH nhà hàng Nightfall.
“Khoản tiền này là nhà hàng trừ phí hợp pháp hay là lừa đảo chiếm đoạt tài sản? Đến đầu tháng 10/2016, nhà hàng vẫn chưa tuyên bố ngừng hoạt động, nhưng không có phản hồi nào với chúng tôi. Họ còn có dấu hiệu trốn tránh, tháo biển hiệu, dời đi nơi khác một cách mờ ám”, bà Yến trình bày.
Phản hồi tố cáo của bà Yến, Công an quận 1 cho biết đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng điều tra vụ việc, khi có kết quả sẽ thông báo bằng văn bản cho phía ông John. Đơn vị này cũng đề nghị ông John trực tiếp đến cơ quan điều tra trình báo, hoặc làm đơn yêu cầu xử lý, có xác nhận chứng thực của lãnh sự gửi công an.
Bản tuyên bố của ông John. Ảnh: T.Thanh. |
Theo đơn tố cáo của phía vị khách Tây, hai tháng trước, tối 11/8, ông cùng một người bạn vào nhà hàng trên đường Thái Văn Lung (quận 1, TP.HCM) ăn uống. Sau đó, vị khách đưa 2 thẻ ngân hàng mở tại Australia cho nhân viên quẹt thẻ để thanh toán.
Ông John cho biết nhân viên nhà hàng nói có trục trặc trong quá trình thanh toán, yêu cầu nhập mật khẩu nhiều lần và không đưa biên lai chuyển tiền hay hóa đơn thanh toán nào.
Khi về nước, ông John nhận được sao kê từ ngân hàng. Lúc này ông mới tá hỏa khi thấy nhà hàng tại Việt Nam đã trừ tiền 8 lần trong 2 thẻ, với số tiền 39.429 UAD.
Cuối tháng 9, ông quay lại Việt Nam ủy quyền cho bà Lê Kim Yến bảo vệ quyền lợi cho mình và đến nhà hàng trên đường Thái Văn Lung. Lúc này, vị khách nước ngoài phát hiện ra nhà hàng đã thay đổi hoàn toàn từ biển hiệu cho đến khách trang trí.
Khi phía bị hại tìm đến trụ sở trong đăng ký kinh doanh của Nhà hàng Nightfall ở số 5E Nguyễn Siêu (quận 1, TP.HCM), người dân ở đây cho biết nhà hàng đã dỡ biển hiệu và chuyển đi khoảng một tháng trước đó.
Nhận thấy nhà hàng có nhiều biểu hiệu gian dối, lừa đảo, vi phạm pháp luật nên phía du khách làm đơn tố giác gửi đến các cơ quan chức năng ở TP.HCM. Phía bị hại cho rằng, có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ Luật hình sự, xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhà hàng Nightfall, do ông Trần Tuấn Minh đại diện theo pháp luật.
Luật sư Trương Xuân Tám cho rằng theo Điều 101 Luật Tố tụng hình sự, mọi công dân qua bất cứ nguồn tin nào thấy dấu hiệu phạm tội đều có quyền tố giác. Hơn nữa bà Yến đã được ủy quyền và nghe chi tiết sự việc, đã cùng đi với ông Caracciolo David John xác minh địa chỉ nhà hàng trên, thì có đầy đủ cơ sở để tố cáo mọi việc lên cơ quan công an.
"Nay ông khách nếu có mặt trực tiếp thì tốt. Nhưng nếu ông chưa sang Việt Nam được thì về nguyên tắc việc xác minh, điều tra và xử lý nghiêm minh vụ việc theo đơn tố cáo vẫn phải được tiến hành một cách nhanh nhất có thể", ông Tám nói.