Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Hơn 42% doanh nghiệp phải đưa phong bì, “lót tay”

Hơn 42% doanh nghiệp phải đưa phong bì, “lót tay”
Đó là con số được đưa ra tại Báo cáo môi trường kinh doanh, điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2015 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố sáng 9/11. Theo đó, DN phải lót tay để vay vốn ngân hàng, giải quyết vấn đề về thuế, dịch vụ công...

Khảo sát do Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển thế giới, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Đại học Copenhagen và Viện khoa học lao động xã hội thực hiện năm 2015 với hơn 2.600 doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) tham gia khảo sát.

83% doanh nghiệp gặp trở ngại trong kinh doanh

Theo kết quả khảo sát, nhìn chung, tỷ lệ các DNNVV Việt Nam gặp phải những trở ngại lớn đối với sự phát triển vẫn là khá cao. Năm 2015, có tới 83% số doanh nghiệp được điều tra cho biết họ có gặp trở ngại trong kinh doanh, tỷ lệ tương đương so với điều tra năm 2013.

Có 42,7% doanh nghiệp nhỏ có chi ngoài trong năm 2015. Ảnh minh họa

Trong đó, những cản trở nhất đối với tăng trưởng của doanh nghiệp điều tra là: thiếu vốn, khó tiếp cận tài chính; hạn chế của cầu sản phẩm hiện tại; cạnh tranh quá lớn; thiếu đất, mặt bằng sản xuất kinh doanh.

GS. John Rand (Đại học Copenhagen, thành viên nhóm nghiên cứu) cho rằng, thiếu vốn và khó tiếp cận tài chính vẫn tiếp tục được đánh giá là trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, so với các cuộc điều tra trước đây, tỷ lệ này đã giảm đi, từ 45% năm 2011 xuống 30% năm 2013 và 24% năm 2015.

Khó khăn về thiếu cầu về sản phẩm hiện tại là trở ngại lớn thứ hai, tỷ lệ này chiếm 21%.

 Khó khăn xếp vị trí thứ ba là áp lực cạnh tranh mà các DNNVV phải đối mặt, với 17% doanh nghiệp điều tra, tỷ lệ này tương đương với tỷ lệ của các cuộc điều tra năm 2011 và 2013.

Chi ngoài của doanh nghiệp vẫn tăng

Theo khảo sát, có 44,6% các doanh nghiệp có chi ngoài trong năm 2013. Con số này của năm 2015 nhỏ hơn một chút với mức 42,7% và mức giảm đi này là không đáng kể.

Đồng thời tần suất chi ngoài là khá tương đồng giữa hai vòng điều tra với khoảng 70% các doanh nghiệp cho biết họ chi 2-5 lần trong năm trước khi điều tra.

Đáng chú ý, trong số các doanh nghiệp có chi ngoài, 40% doanh nghiệp điều tra năm 2015 cho rằng khoản chi này sẽ tăng lên trong thời gian tới, trong khi đó tỷ lệ này của năm 2013 là 49%.

Nguyên nhân cho việc chi ngoài là để kết nối được với các dịch vụ công, có giấy phép, để giải quyết những vấn đề thuế và người thu thuế, đạt được hợp đồng, thỏa thuận với khách hàng và chi cho những lý do khác.

Khảo sát cũng cho thấy, có 58% số doanh nghiệp có chi ngoài trong năm 2013 tiếp tục chi trong năm 2015. Thêm vào đó, 30% các doanh nghiệp không chi ngoài trong điều tra năm 2013 lại có chi ngoài trong điều tra 2015.

Trong khi tỷ lệ chi ngoài để “tiếp cận các dịch vụ công” giảm từ 28,4% năm 2013 xuống còn 18,75% năm 2015 thì tỷ lệ chi để “giải quyết các vấn đề về thuế” lại tăng từ 17,6% năm 2013 lên 24,1% năm 2015.

Điều này nhấn mạnh rằng một tỷ lệ đáng kể các doanh nghiệp trong những thời điểm nào đó thấy rằng chi ngoài là cần thiết. Các doanh nghiệp thuộc khu vực chính thức có chi ngoài thường xuyên hơn nhằm mục đích để đối phó với cơ quan thuế và cán bộ thuế cũng như để tiếp cận được các dịch vụ công.

Thế nhưng, khi được hỏi, các doanh nghiệp lại khẳng định lợi ích của chi ngoài là không rõ ràng vì các doanh nghiệp có chi ngoài không cho thấy tỷ lệ tăng trưởng cao hơn so với các doanh nghiệp không thực hiện hành vi này.

TS. Smriti Sharma (thành viên nhóm nghiên cứu) lo ngại rằng, chi phí không chính thức vẫn là vấn đề nghiêm trọng, làm tổn hại sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Chính phủ cần đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các doanh nghiệp thoát khỏi những chi phí phi chính thức.

Một điểm đáng quan ngại khác trong báo cáo là trong khi tỷ lệ các doanh nghiệp thực hiện đầu tư đã tăng lên so với điều tra năm 2013, song để được các khoản tín dụng chính thức vẫn là một trở ngại lớn, đặc biệt là đối với các hộ kinh doanh.

Trong năm 2015, có 25% số doanh nghiệp nộp hồ sơ vay vốn chính thức và 15% gặp khó khăn trong việc vay vốn. So với năm 2013, tỷ lệ tiếp cận tín dụng trung bình đã giảm xuống 1,2 điểm phần trăm

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây