Đầu tư condotel: “Vừa làm vừa lo”
- Thứ bảy - 17/03/2018 17:09
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hàng loạt vướng mắc condotel chưa được tháo gỡ
Tại hội thảo "Đầu tư condotel: Thực tế, triển vọng và giải pháp", chiều 16/3, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết triển vọng phát triển condotel tại Việt Nam rất lớn. “Theo con số thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi về bất động sản nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng, Năm 2017 có khoảng 23.000 condotel và biệt thự nghỉ dưỡng được bán ra thị trường. Trong năm 2017 số lượng giao dịch thành công chiếm 65 đến 70% khối lượng chào bán”, ông Hà thông tin.
Tuy nhiên, trên phương diện nhà đầu tư, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, đặt ra hàng loạt vấn đề mà theo ông pháp luật chưa quy định rõ: “Nếu được coi là sản phẩm thì vấn đề quan trọng là việc chuyển nhượng, mua bán, tài trợ… cho condotel sẽ như thế nào? Với người mua condotel là nhà đầu tư thứ cấp thì họ có thể có giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản là condotel không? Nếu họ muốn bán thì có dễ dàng không?…
Vậy phải có hợp đồng mua bán giữa nhà đầu tư thứ hai và nhà đầu tư thứ ba, và công ty quản lý bất động sản sẽ có vai trò như thế nào… Vì nếu người thứ ba có vấn đề tài chính không thuận lợi mà công ty quản lý bất động sản không chấp thuận thì việc mua bán này sẽ như thế nào? Việc mua bán chuyển nhượng condotel cho những người tiếp theo … cũng chưa được chúng ta đặt ra”, ông Hiếu nhận định.
Một khi khung pháp lý chưa hoàn thiện thì hoạt động đầu tư, cấp phép các dự án condotel vẫn còn nhiều vướng mắc (ảnh minh họa)
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam: Điểm vướng mắc nhất của condotel hiện nay là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng theo thời hạn sử dụng đất lâu dài hay 50 năm, 70 năm?. “Theo quan điểm của chúng tôi, condotel thường được xây dựng trên đất kinh doanh dịch vụ, tôi biết Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường đang theo quan điểm là nếu nằm trong khu du lịch thì có thể cấp 50 năm và thêm 1 chu kỳ 50 năm nữa nếu được chấp nhận phê duyệt”.
Về phía cơ quan chủ quản, ông Vũ Văn Phấn, Cục phó Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ XD khẳng định: Condotel là sản phẩm đã được luật điều tiết. “Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và đầu tư, và Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đang phối hợp để các vướng mắc trong thị trường condotel được gỡ tốt hơn. Chúng tôi sẽ sớm trình báo cáo lên Thủ tướng về vấn đề này”, ông Phấn cho biết.
Tại sao condotel phải lách luật?
Nói về địa vị pháp lý của condotel, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT cho rằng trước hết cần xem xét mục đích sử dụng đất của dự án như thế nào?
“Theo Luật Đất đai, condotel chắc chắn là vào mục đích kinh doanh. Theo Luật Xây dựng công năng của condotel là cho thuê lưu trú. Như vậy chắc chắn quyền sử dụng đất phải từ 50- 70 năm, không có phương án khác. Nhưng thực tế hoàn toàn có thể lách được luật. Luật cho phép những thửa đất là đa mục đích sử dụng vì vậy chúng ta có thể quy hoạch làm du lịch hoặc nhà ở.
Tuy nhiên, câu hỏi lớn hơn đặt ra là vì sao chúng ta phải lách? Quy hoạch chúng ta cũng quy hoạch lấp lửng, giao đất một phần là đất ở thì toàn bộ đều là đất ở. Vậy làm gì để không phải lách? Tôi cho rằng luật nên cho phép chủ đầu tư condotel được đề xuất giao đất ở để họ có thể chuyển nhượng cho các khách hàng”, ông Võ nêu ý kiến.
Trước những ý kiến trên, ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhận định: Hiện nay, vẫn còn nhiều địa phương bối rối trong việc cấp giấy chứng nhận và quyền sở hữu đối với loại hình condotel. Để bảo vệ khách hàng và cũng như phát triển du lịch thành ngành mũi nhọn theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, ông Hiếu cho rằng nên phải có giải pháp tháo gỡ trước mắt và giải pháp lâu dài. "
Về giải pháp trước mắt, Bộ TN-MT và Bộ Xây dựng sớm xây dựng khung pháp lý về các thủ tục cấp giấy chứng nhận cho condotel để nhà đầu tư yên tâm. Hiện nay doanh nghiệp, chủ đầu tư được làm những gì luật không cấm. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước thì lại chỉ được làm những gì cho phép. Rõ ràng đối với condotel, hiện nay chúng ta vẫn vừa làm vừa lo khi chưa có khung pháp lý phù hợp. Trong điều kiện bình thường không sao nhưng khi cần thì sẽ có những thứ chưa được luật quy định và như vậy rất phức tạp”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhận định.