Đà Nẵng giữ “ngôi vương” PCI năm thứ 4 liên tiếp
- Thứ ba - 14/03/2017 12:09
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 14-3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016. Dẫn đầu bảng xếp hạng là TP Đà Nẵng với số điểm 70, đánh dấu lần thứ 7 dẫn đầu cả nước kể từ khi chỉ số PCI được công bố và liên tục giữ “ngôi vương” trong 4 năm.
Vị trí thứ 2 và 3 thuộc về Quảng Ninh (65,60 điểm) và Đồng Tháp (64,96 điểm).
TP HCM năm nay xếp ở vị trí thứ 8 (61,72 điểm), tụt hạng 2 bậc so với năm 2015 và vẫn ở trong nhóm Tốt của bảng xếp hạng.
Hà Nội xếp ở vị trí thứ 14 (60,74 điểm), cải thiện được 10 bậc so với thứ hạng năm ngoái và lần đầu tiên lọt vào nhóm Tốt trong 12 năm công bố PCI.
Đứng cuối bảng xếp hạng PCI năm nay là tỉnh Cao Bằng với 52,99 điểm, thuộc nhóm Thấp trong khi năm ngoái địa phương này đứng ở vị trí thứ 58, thuộc nhóm Tương đối thấp.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI, cho biết nhìn chung, chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện. Những chuyển biến tích cực so với năm 2015 là ở tính năng động, tiên phong của chính quyền tỉnh, chi phí không chính thức, đào tạo lao động, cạnh tranh bình đẳng và đăng ký doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, gánh nặng khi thực hiện thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai chưa thuận lợi và môi trường pháp lý chưa an toàn vẫn là những trở ngại chính đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo cảm nhận của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các thủ tục hành chính thuế, BHXH và hải quan vẫn là quan ngại lớn nhất, tiếp theo là ưu đãi đối vứi doanh nghiệp Nhà nước. Các doanh nghiệp này cho rằng nhiều chỉ tiêu về tham nhũng vặt có chiều hướng giảm nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chủ động đưa qùa biếu nhằm tạo mối quan hệ hoặc tránh bị phạt lỗi, coi đó như một “hợp đồng bảo hiểm” để tránh nhũng nhiễu và được việc trong tương lai. Nhóm nghiên cứu PCI cho rằng đây chính là vấn đề chính cần lưu ý trong xoá bỏ tham nhũng.
Điểm mới của Báo cáo PCI 2016 là lần đầu tiên dành một chương đánh giá về cảm nhận của doanh nghiệp về vấn đề môi trường. Kết quả điều tra cho thấy 45% doanh nghiệp trong nước và 50% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều tin rằng bảo vệ môi trường là vấn đề quan trọng và sẵn sàng trả một mức chi phí hợp lý cho các hoạt động cụ thể cũng như áp dụng thêm các quy định pháp luật để tránh ô nhiễm.