Đà Nẵng cần bệnh viện, trường học chứ không chỉ resort
- Thứ hai - 15/08/2016 22:45
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cả thành phố Đà Nẵng dường như đang là một đại công trường khi các công trình xây dựng được triển khai khắp nơi. Ảnh minh họa
Tốc độ xây dựng chóng mặt rõ ràng đã phản ánh được sự chuyển mình sôi động của thị trường bất động sản (BĐS) Đà Nẵng, mặt khác cũng đặt ra câu hỏi liệu nơi đây có xảy ra tình trạng dư cung hay không? Liệu thị trường có đang phát triển lệch về các dự án resort, khách sạn cao cấp mà bỏ quên các dự án khác?
Theo số liệu của Công ty John Lang Lasalle (JLL), thị trường BĐS Đà Nẵng sẽ đón nhận thêm hơn 3.000 phòng khách sạn từ 3-5 sao và gần 4.000 căn hộ/biệt thự nghỉ dưỡng trong vòng 3 năm tới. Cũng đưa ra số liệu tương đồng, Công ty CBRE chỉ rõ trong số 16 dự án lớn đang được xây dựng, trên 90% là những dự án ven biển. Nếu như 5 năm trước, Đà Nẵng chỉ mới đón nhận một vài dự án nghỉ dưỡng của IndochinaLand, VinaCapital, Sovico, thì kể từ năm 2015, thị trường BĐS nghỉ dưỡng Đà Nẵng trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Câu hỏi đặt ra là liệu BĐS nghỉ dưỡng có dư cung hay không, khi mà hầu hết các dự án đều tập trung vào phân khúc này.
“Đây là câu hỏi được quan tâm rất nhiều, nhất là trong 5 năm qua mỗi khi nhắc đến BĐS Đà Nẵng, và thực tế đã phần nào trả lời câu hỏi này”, bà Dương Thùy Dung, Trưởng bộ phận nghiên cứu và tư vấn thị trường CBRE nói. Bà Dung dẫn chứng rằng số lượng khu nghỉ dưỡng, khách sạn đã tăng gấp 4 lần trong 5 năm qua. Đại diện CBRE lưu ý, vấn đề chỉ là Đà Nẵng sẽ phát huy thế mạnh của mình như thế nào, nhằm giữ được và tiếp tục lan tỏa sức hút đến du khách và giới đầu tư. “Các chủ dự án cần cho khách hàng thấy được những đặc trưng, thế mạnh và tiềm năng của dự án cũng như tuân thủ những cam kết với khách hàng”, bà Dương Thùy Dung nói.
Bà Lê Huyền Trang, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường JLL Việt Nam nhận định, nguồn cung BĐS nghỉ dưỡng tăng mạnh là điều dễ hiểu bởi Đà Nẵng đang là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam đối với khách du lịch trong và ngoài nước, với lượng du khách tăng trung bình 22%/năm. “Dịch vụ du lịch là ngành mũi nhọn mà Đà Nẵng quan tâm phát triển nhằm tận dụng lợi thế vị trí địa lý của mình. Bên cạnh đó, BĐS nghỉ dưỡng đang được đánh giá là phát triển tốt, cơ hội sinh lời cao hơn so với các phân khúc truyền thống. Do đó, việc phát triển mạnh BĐS nghỉ dưỡng là một điều tất yếu. Điều này cũng cho thấy sự nhanh nhạy trong nắm bắt cơ hội của các chủ đầu tư”, bà Trang khẳng định.
Tuy nhiên, việc dường như chỉ tập trung vào phát triển resort, khách sạn đang làm nảy sinh e ngại liệu thị trường Đà Nẵng có đang phát triển lệch pha hay không. Sống tại Đà Nẵng từ 2 năm qua, anh Christophe, người Pháp, cho rằng Đà Nẵng đang thừa khách sạn nhưng lại thiếu rất nhiều tiện ích phục vụ cộng đồng như bệnh viện, trường học hay khu mua sắm mang tầm quốc tế.
“Mặc dù sống ở đây nhưng mỗi khi cần sử dụng dịch vụ y tế thì tôi thường qua Thái Lan hay Singapore. Ở Đà Nẵng không có một bệnh viện nào đạt chuẩn quốc tế cả”, anh cho biết. Không riêng gì bệnh viện, các khu mua sắm tại Đà Nẵng cũng không thể khiến Christophe hài lòng do không tìm mua được những thực phẩm đặc trưng châu Âu. “Tôi nghĩ khách quốc tế họ đến đây không phải chỉ để ở trong các resort sang trọng mà nhu cầu sinh hoạt cần nhiều hơn thế”, anhChristophe nói.
Ghi nhận vấn đề này, JLL cho biết Đà Nẵng vẫn đang có kế hoạch phát triển và kêu gọi đầu tư vào các dự án khác như bệnh viện, trường học, văn phòng, trung tâm thương mại. Tuy nhiên việc đẩy mạnh các loại hình này thì cần có thời gian. “Cần cho các chủ đầu tư thấy được rằng đây sẽ là một thị trường tiềm năng để rót vốn”, bà Trang nhấn mạnh.
Thừa nhận rằng các loại hình BĐS khác như trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học, văn phòng có tốc độ phát triển chậm hơn, nhưng phía CBRE cho biết thời gian qua, Đà Nẵng đã chứng kiến nhiều trung tâm thương mại lớn như Parkson, Vincom đi vào hoạt động. Đà Nẵng cũng đã có sự hiện diện của trường ĐH quốc tế Pegasus, RMIT và sắp tới là ĐH quốc tế Việt – Anh. “Sự tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế và dân số sẽ là điểm cộng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong các lĩnh vực khác nhau. Còn hiện nay, họ vẫn đang dừng ở giai đoạn xem xét thị trường”, bà Dung nhận xét.
Nhưng dù có là vấn đề thời gian thì sự phát triển của BĐS Đà Nẵng xem ra vẫn cần điều tiết từ phía chính quyền, nhằm tránh việc xây dựng ồ ạt một phân khúc nào đó, dẫn tới thị trường phát triển lệch pha. Đại diện JLL khẳng định: “Có thể nói thị trường BĐS tại Đà Nẵng vẫn đang phát triển đúng hướng. Tuy nhiên cũng cần có sự quan tâm, điều tiết của Nhà nước, tránh phát triển nóng, cung lệch cầu. Để làm được điều này thì cần sự phối hợp chặt chẽ của các sở ban ngành liên quan với phía chủ đầu tư”. Theo bà Trang, tại Singapore, chính phủ tham gia rất sâu vào các hoạt động BĐS, từ giai đoạn đầu tư đến giai đoạn kinh doanh/bán sản phẩm, nhưng vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư như cung cấp thông tin minh bạch, thủ tục rõ ràng...