Coi chừng ‘râu’ heo này cắm ‘cằm’ heo kia
- Thứ tư - 08/03/2017 08:10
- In ra
- Đóng cửa sổ này
“Thực trạng giết mổ heo lậu sẽ được chấn chỉnh”. Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM, đã nhấn mạnh như thế tại buổi làm việc của đoàn giám sát HĐND TP.HCM đã nhấn mạnh như thế với Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM) về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vào sáng 7-3.
Thịt heo giết mổ lậu “lên ngôi”
Nêu ý kiến với đoàn giám sát ATVSTP của HĐND TP.HCM, bà Nguyễn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ, đã đưa ra những khó khăn mà đa phần cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn TP gặp phải.
“Hiện nay thực trạng giết mổ heo lậu vẫn tồn tại khiến các cơ sở giết mổ tập trung lao đao. Heo đưa vào lò giết mổ lậu không nguồn gốc nên giá bán ngoài thị trường khá rẻ. Trong khi người tiêu dùng thấy giá rẻ là mua, cho dù chất lượng kém. Điều này khiến heo giết mổ trong cơ sở tập trung bán chậm. Không chỉ vậy, heo giết mổ lậu đa phần không đảm bảo ATVSTP vì là heo bệnh, heo chết, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Chưa hết, nguy cơ lây lan dịch bệnh từ heo giết mổ lậu rất cao. Hiện giờ tôi nắm rất rõ những điểm giết mổ heo lậu trong địa bàn huyện” - bà Thắm nói.
Ngay lập tức, bà Thi Thị Tuyết Nhung đặt câu hỏi với đại diện UBND xã Bà Điểm và Trạm Thú y huyện Hóc Môn: “Các anh cho biết trên địa bàn xã Bà Điểm còn lò giết mổ lậu nào không?”.
Sau khi hai vị đại diện trả lời không có, bà Nhung nói với bà Thắm: “Sau buổi làm việc, chị cung cấp những điểm giết mổ heo lậu trên địa bàn huyện Hóc Môn cho tôi. Một khi tôi còn làm ở cương vị này thì thực trạng giết mổ heo lậu sẽ được chấn chỉnh để không ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ sở giết mổ tập trung”.
Cơ quan thú y TP.HCM lấy mẫu nước tiểu heo tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (thuộc Công ty An Hạ) để xét nghiệm chất cấm. Ảnh: TRẦN NGỌC
Nguy cơ heo tỉnh “đánh bật” heo TP
Bà Thắm trình bày thêm: “TP.HCM yêu cầu các cơ sở giết mổ gia súc tập trung phải xây dựng dây chuyền giết mổ công nghiệp để đảm bảo ATVSTP. Do vậy cơ sở giết mổ phải đầu tư khoản tiền rất lớn, dẫn đến tình trạng gia tăng chi phí giết mổ trên từng con heo”.
Trong khi đó, nhiều cơ sở giết mổ của các tỉnh nằm sát TP.HCM vẫn còn sử dụng dây chuyền giết mổ thủ công. Do chi phí giết mổ thủ công rẻ nên thu hút thương lái. “Điều này ảnh hưởng đến chất lượng thịt heo vì thú y ở các tỉnh kiểm soát không tốt. Bên cạnh đó, heo giết mổ trên dây chuyền thủ công sẽ không đảm bảo ATVSTP” - bà Thắm nói.
Bà Thắm kiến nghị: “Các cơ sở giết mổ tập trung của TP.HCM rất mong ban ngành TP phối hợp và liên kết chặt chẽ với các tỉnh giáp ranh như Đồng Nai, Long An… xử lý triệt để nguồn thịt heo thiếu an toàn. Có như thế những cơ sở giết mổ tập trung ở TP.HCM mới an tâm đầu tư vào dây chuyền giết mổ công nghiệp hiện đại”.
Trước ý kiến này, ông Cao Thanh Bình, Phó Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP.HCM, nói: “Đây là một đề xuất thực tế liên quan đến chất lượng thịt heo cung cấp cho nhân dân TP.HCM. Chúng tôi sẽ đưa ra thảo luận trong kỳ họp của HĐND TP sắp tới để đưa ra biện pháp thực thi”.
“Râu” heo này cắm “cằm” heo kia
Theo bà Thắm, mô hình truy xuất nguồn gốc thịt heo do Sở Công Thương TP.HCM triển khai thực hiện vấp phải sự phản ứng của tiểu thương và các hộ chăn nuôi. “Mặc dù người nuôi và tiểu thương lên tiếng nhưng Sở Công Thương TP.HCM vẫn không phản hồi” - bà Thắm phản ánh.
Bà Thắm cho rằng việc đeo vòng nhận diện nguồn gốc thịt heo thực sự không mang lại hiệu quả. “Hiện Sở Công Thương bán mỗi vòng nhận diện nguồn gốc là 3.000 đồng. Điều đáng nói người nuôi heo muốn mua bao nhiêu vòng thì cứ khai báo và Sở Công Thương TP.HCM cung cấp đủ nhưng không hề có sự kiểm tra vòng truy xuất có được sử dụng đúng con heo không. Do vòng nhận diện truy xuất mua quá dễ dàng, lại không được giám sát nên người chăn nuôi cho rằng heo mình nuôi có khi lại đeo vòng con heo khác. Điều này dẫn đến thực trạng truy xuất nguồn gốc heo không chính xác” - bà Thắm nói.
Nhiều đại biểu HĐND TP.HCM lắc đầu. “HĐND TP sẽ sớm làm việc với Sở Công Thương về vấn đề này” - bà Thi Thị Tuyết Nhung nhấn mạnh.
Chiều cùng ngày, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM cũng đã làm việc với UBND huyện Hóc Môn về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSTP. Ông Lý Sâm, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hóc Môn, cho biết rất ít hộ nấu rượu thủ công trên địa bàn huyện đăng ký với UBND xã. Bên cạnh đó, thực trạng kinh doanh gia cầm sống trái phép trên địa bàn huyện vẫn còn. |