Có nên giảm thuế để kích cầu xăng E5?
- Thứ tư - 14/03/2018 16:22
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mỗi tháng người tiêu dùng phải tăng chi 400 tỷ đồng?
Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (SaigonPetro) vừa kiến nghị cơ quan quản lý giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) xăng sinh học E5 RON 92 (gọi tắt là E5), làm cơ sở để doanh nghiệp giảm giá bán, kích thích tiêu thụ sản phẩm này, tránh lãng phí nguồn lực xã hội. Thậm chí, doanh nghiệp đề xuất, nếu chưa nâng được lượng tiêu thụ E5 có thể cho bán lại xăng RON92.
Cơ sở để SaigonPetro đưa ra đề xuất khá... lạ này là bởi theo khảo sát của doanh nghiệp, sản lượng tiêu thụ xăng E5 hai tháng đầu năm 2018 chiếm tỷ trọng quá thấp là 30% trong tổng lượng xăng tiêu thụ của SaigonPetro (trước đây tiêu thụ xăng RON 92 chiếm 65%).
Tham khảo những đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu có hệ thống phối trộn xăng E5 lớn thì tỷ trọng bán xăng E5 cũng chỉ ở mức tương tự. Với những doanh nghiệp không có hệ thống phối trộn xăng E5 thì 100% xăng tiêu thụ là xăng RON 95. “Trên thực tế, nhiều loại phương tiện chỉ cần dùng xăng tiêu chuẩn mức xăng E5 hoặc xăng RON 92, song vẫn dùng xăng RON 95 - có giá cao hơn - là một sự lãng phí. Theo tính toán của chúng tôi, người tiêu dùng đang phải chi thêm khoảng 400 tỷ đồng mỗi tháng từ việc chuyển sang dùng xăng RON 95”, ông Trần Thế Truyền, Tổng giám đốc SaigonPetro nói và cho rằng, cần khảo sát trên bình diện cả nước để có những chính sách phù hợp.
Saigon Petro cho rằng việc “đổ xô” dùng xăng RON 95 thay cho E5 khiến người tiêu dùng phải tăng chi 400 tỷ đồng mỗi tháng
Trong khi đó, đại diện Bộ Công thương thông tin với Báo Giao thông vẫn chưa nhận được kiến nghị của SaigonPetro. “Khi nhận được văn bản, sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ để trao đổi các bên và cho ý kiến”, đại diện cơ quan này nói và cho biết thêm, sẽ cùng Bộ Tài chính theo dõi tình hình tiêu thụ xăng E5 và hết quý I báo cáo Chính phủ.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đồng tình với đề xuất giảm thuế BVMT của SaigonPetro. “Về nguyên tắc xăng sinh học tốt hơn cho môi trường nên thuế BVMT thấp hơn xăng khoáng là đúng. Đây cũng chính là kiến nghị của chúng tôi”, ông Bảo nói.
“Không thể kiến nghị giảm giá lại đòi giảm thuế”
Trao đổi với Báo Giao thông về kiến nghị giảm thuế BVMT xăng sinh học E5 của doanh nghiệp, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết: Hiện, Chính phủ đã tạo cơ chế để tạo chênh lệch giá bán giữa xăng RON 95 và E5. Hơn nữa, theo ông Thi, xăng RON 95 là nhiên liệu chất lượng cao, đạt chuẩn Euro 4. Và về nguyên tắc, thuế BVMT sẽ “đánh” đúng theo tỷ lệ Ethanol, không chỉ với xăng E5 mà còn với xăng E10, “nên sẽ không có cách khác được”.
Ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) nhận xét, kiến nghị của SaigonPetro đi ngược với xu thế hiện nay là kinh tế xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. “Ta đã triển khai nhiều lần và lần này quyết tâm rất lớn mới thực hiện được”, ông Long nói và cho rằng, thị phần của SaigonPetro khá nhỏ và hiện mới chỉ 2/29 đầu mối báo cáo việc tiêu thụ xăng E5 nên chưa thể kết luận gì được. |
Cụ thể, theo Luật Thuế ưu đãi đối với nhiên liệu sinh học (xăng E5) đã được Bộ Tài chính trình Quốc hội, cơ quan này đề xuất giảm thuế BVMT đối với E5 bằng 95% so với xăng RON 95. Chiếu theo thực tế, thuế BVMT đối với xăng RON 95 được đề xuất tăng 1.000 đồng/lít lên 4.000đồng/lít. Vậy, thuế BVMT đối với xăng E5 sẽ là 3.800 đồng/lít, chỉ thấp hơn xăng RON 95 là 200 đồng/lít.
Do mức chênh lệch thuế thấp như vậy, nên trong điều hành giá theo chu kỳ 15 ngày hiện nay, Liên Bộ Công thương - Tài chính đang tạo ra chênh lệch giá giữa hai loại chủ yếu dựa vào số tiền trích từ Quỹ Bình ổn giá. Tuy nhiên, theo SaigonPetro, chính sách như vậy không hợp lý và kiến nghị mức thuế phải tạo ra chênh lệch giá giữa hai loại xăng này từ 2.000 - 2.500 đồng/lít mới kích cầu được xăng E5.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Chính sách thuế cho rằng, nếu để tạo chênh lệch giá giữa xăng E5 và RON 95 thì phải tìm cách khác chứ không thể kiến nghị hạ giá bất cứ sản phẩm nào cũng yêu cầu hạ thuế. Hơn nữa, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 và E10 đã giảm từ 9,5% và 9% xuống còn 8% và 7%.
Để kích cầu xăng E5, ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng cần làm cho người dân tin vào chất lượng. Hiện nay, bản thân doanh nghiệp cũng chưa mặn mà trong kinh doanh sản phẩm này là do chưa đảm bảo được lợi nhuận. Nên cần tháo gỡ cả hai yếu tố này. “Ngoài thuế BVMT, các doanh nghiệp cần xem lại chi phí đầu vào, hiện có phải do độc quyền hay không mà giá thành sản xuất ethanol của Việt Nam cao gần gấp rưỡi khu vực?”, ông Long đặt vấn đề và gợi ý, có thể xem xét giảm thuế nhập khẩu nhiên liệu để pha chế xăng sinh học, từ đó giúp hạ giá bán lẻ xăng E5 trên thị trường.