Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Chuyên gia lí giải thách thức ngành kinh tế năm 2017

Chuyên gia lí giải thách thức ngành kinh tế năm 2017
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2017 Việt Nam sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế vĩ mô của đất nước. Trong đó, nhiều vấn đề cũ, mới đan xen sẽ là những trở ngại trước mắt phải giải quyết để đảm bảo tốc độ tăng trưởng.

Nhiều vấn đề mới kinh tế Việt Nam phải đối mặt năm 201. Ảnh: Hồng Vĩnh

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh: “Tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển”

Đến nay, đã có thể tạm vui mừng nhìn lại những thành quả đạt được với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khoảng 8,6%. Đây là nỗ lực rất lớn khi nhìn vào bối cảnh kinh tế thế giới cạnh tranh ngày càng gay gắt, giá nhiều loại nhiên liệu, nguyên liệu khai khoáng giảm, việc bảo hộ ở các thị trường nước ngoài ngày càng gia tăng. 

Việc thặng dư xuất khẩu cũng là vấn đề cần được ghi nhận. Năm nay chứng kiến sự tăng trưởng của khối DN trong nước so với các DN FDI với mức tăng trưởng xuất khẩu chiếm tỷ trọng đạt 48%. Có 25 mặt hàng xuất khẩu đạt mức 2 tỷ USD.  Năm 2017, việc tái cơ cấu bộ máy của Bộ Công Thương sẽ được tiếp tục. Ngoài việc tinh gọn, tái cơ cấu bộ máy, việc tái cơ cấu cũng nhằm tiếp tục giảm bớt bộ máy, tinh gọn đầu mối, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. 

Năm 2017 sẽ là năm Bộ Công Thương tiếp tục tạo ra sự phân cấp, tạo ra sự quản lý đồng bộ của bộ đồng thời khắc phục những khoảng trống của pháp luật, khắc phục sự chồng chéo trong quản lý của các đơn vị. Cụ thể những vấn đề sẽ được ưu tiên giải quyết tiếp là vấn đề đa cấp, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, sự chồng chéo trong quản lý phân bón, quản lý thị trường.

TS Lê Đăng Doanh: “Đẩy mạnh cổ phần hóa, giảm chi phí cho doanh nghiệp”

Năm 2016 là năm có bước ngoặt với Việt Nam về nhiều mặt. Chính phủ mới phải đối mặt nhiều khó khăn dồn dập. Tuy nhiên mừng là Chính phủ đã đưa ra nhiều quyết sách để giải quyết những vấn đề của nền kinh tế như tái cơ cấu, cổ phần hóa, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển với mục tiêu có khoảng 100.000 doanh nghiệp mới thành lập. 

Trong đó, những khó khăn sẽ là động lực thúc đẩy Chính phủ thực hiện mạnh mẽ hơn nữa việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước.

Năm 2017, trước hết phải thúc đẩy cổ phần hoá. Để làm được việc này, Chính phủ cần có bước tiến mới trong việc thoái vốn, thu hút thêm nhà đầu tư và thực hiện nghiêm việc công khai minh bạch khi đưa các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán . 

Cùng đó, sẽ phải tạo dựng môi trường kinh doanh để cho các doanh nghiệp vươn ra thị trường quốc tế. Cụ thể, sẽ phải giải quyết những nút thắt liên quan đến chi phí doanh nghiệp. Năm 2016 thách thức với doanh nghiệp là chi phí logistic từ Việt Nam cao. 

Theo khảo sát, một container từ EU về Việt Nam chỉ mất 350 USD nhưng phí vận chuyển đường bộ từ cảng Hải Phòng về Hà Nội có hơn 100 km nhưng chi phí mất tới 400 USD. Đây là vấn đề cần giải quyết nếu muốn tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Sebastian Eckardt: “Giải bài toán nông nghiệp giữa ngã ba đường”

Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm 2017 được đánh giá là tích cực với tăng trưởng GDP dự kiến sẽ cải thiện lên mức 6,3% trong 2017 và 2018 nhờ sản xuất nông nghiệp được phục hồi và triển vọng kinh tế toàn cầu tiếp tục cải thiện.  

Đáng chú ý, nông nghiệp Việt Nam hiện đang ở giữa ngã ba đường. Bản thân ngành đang phải đối mặt với ngày càng nhiều cạnh tranh với các ngành khác trong nước về lao động, đất đai và tài nguyên nước. Chi phí lao động tăng bắt đầu ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc tế của ngành nông nghiệp Việt Nam. 

Nhiều mặt hàng nông sản đại trà đang mất dần lợi thế sản xuất chi phí thấp. Trong thời gian tới, nông nghiệp Việt Nam cần tăng giá trị, giảm đầu vào, nghĩa là phải tạo thêm giá trị kinh tế - nâng cao phúc lợi của người tiêu dùng và nông dân. 

Tuy nhiên, cùng đó phải giải được bài toán sử dụng ít tài nguyên và nhân lực, đồng thời không gây suy thoái môi trường. Chính phủ cần “giảm chỉ đạo và tăng hỗ trợ” trong bước đi nhằm chuyển đổi nông nghiệp và hệ thống thực phẩm - nông nghiệp của Việt Nam

TS. Vũ Đình Ánh: “Thách thức tỷ giá”

Kinh tế thế giới năm 2017 được dự báo tiếp tục tăng trưởng ở mức thấp. Bên cạnh, ngày càng có nhiều cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu do qui mô nợ, cả nợ tư nhân và nợ Chính phủ ở các nước phát triển cũng như đang phát triển, đã vượt qua giới hạn an toàn. Chính sách tiền tệ của các nền kinh tế hàng đầu thế giới có xu hướng đảo ngược từ nới lỏng với lãi suất bằng không, thậm chí lãi suất âm sang từng bước thắt chặt, tăng lãi suất nhằm hạn chế cung tiền, ngăn chặn lạm phát. 

Theo đó, giá trị các đồng tiền chủ chốt trên thế giới sẽ biến động mạnh theo hướng tăng lên, với sự nổi lên của USD ngày càng rõ rệt so với các đồng tiền khác. Sự lên giá của USD thúc đẩy các dòng tiền đầu tư quay trở về các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ, khiến cho hàng loạt nước phát triển đột nhiên thiếu hụt hàng ngàn tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, dẫn đến hạn chế khả năng tăng trưởng kinh tế nói chung, tăng trưởng xuất khẩu nói riêng đồng thời tác động tiêu cực tới cán cân vãng lai, cán cân thanh toán và gánh nặng nợ nước ngoài của nhiều nước đang phát triển, nhất là những nước định hướng tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, phụ thuộc vào thu hút FDI và vay nợ nước ngoài như Việt Nam.

Vì vậy, dự báo tỷ giá hối đoái giữa VND và USD sẽ có nhiều diễn biến trong năm 2017. Mức độ, thời điểm và thời gian biến động tỷ giá hối đoái phụ thuộc chủ yếu vào biến động kinh tế - tài chính toàn cầu, đặc biệt là yếu tố khủng hoảng kinh tế đã được dự báo trước và yếu tố chính sách tiền tệ của FED nói riêng, chính sách kinh tế của Mỹ nói chung.

Trong năm 2017, chính sách tỷ giá hối đoái của nước ta cần tiếp tục nguyên tắc chủ động và linh hoạt song phải ở mức độ và trình độ cao hơn nhiều so với các năm trước do biến động tỷ giá hối đoái được dẫn dắt bởi các yếu tố khách quan là chủ yếu thay vì bởi các yếu tố chủ quan như trước đây.

 Đó là chưa kể giá trị của VND năm 2017 còn chịu tác động đáng kể của tốc độ lạm phát ở Việt Nam có thể gia tăng dưới áp lực giảm giá VND trong khi qui mô nhập khẩu vẫn tăng, giá xăng dầu và một số hàng hóa phục vụ sản xuất trong nước có thể đảo chiều tăng lên, nghĩa vụ thanh toán nợ nước ngoài lớn và chi phí để xử lý nợ xấu.   

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Tạo động lực cho doanh nghiệp tư nhân phát triển”

Năm 2016 là năm thay đổi cơ bản về bản chất phát triển với nhiều vấn đề tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong đó có việc hạn mặn ảnh hưởng đến ĐBSCL và đến nay vẫn chưa có giải pháp để tháo gỡ. Hạn mặn kéo dài không chỉ liên quan đến vấn đề sinh kế mà thay đổi, phá vỡ mọi cấu trúc kinh tế ở đây.  Đây là điều đáng cảnh báo.  Về dự báo kinh tế năm 2017, theo tôi, vẫn sẽ rất khó khăn, nhất là trong bối cảnh Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU đến nay không biết thế nào. Việt Nam đến nay ký nhiều hiệp định rất tốt nhưng vấn đề hiện ở EU không xuôi (Anh rời EU). Trong khi đó, mấy năm nay hàng hóa của Việt Nam vẫn là dệt may, sản xuất đồ công nghệ cũ. Vậy sang năm dự báo tình hình sẽ vẫn khó khăn đối với sản xuất và hàng xuất khẩu.

Ở trong nước, chúng ta đưa ra mục tiêu 5 năm tới phải có một tuyến trục tập đoàn, tổng công ty mạnh, đủ sức cạnh tranh làm xương sống cho nền kinh tế. Nhưng trong hơn 110 nghìn doanh nghiệp được thành lập năm 2016, nhìn lại thì phần lớn là doanh nghiệp đi lên từ hộ gia đình.

Chính vì vậy, cách tiếp cận doanh nghiệp phải khác.  Việc tái cơ cấu khối doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sẽ là đầu việc càng ngày càng khó giải quyết trong thời gian tới. Điều này do bán DNNN cho nước ngoài thì rất dễ gặp rủi ro vì liên quan đến cả ngành công nghiệp.

Cái khó nhất của Việt Nam là càng để chậm việc tái cơ cấu, thoái vốn khỏi khối DNNN thì giá của các đơn vị càng rẻ. Vì vậy, sang năm cần phải có giải pháp để khối doanh nghiệp tư nhân lớn lên còn khối DNNN thì cứ để họ làm những việc vốn đang làm.

Thách thức từ xu thế toàn cầu hóa gặp trở ngại

Theo TS Vũ Đình Ánh, Việt Nam sẽ chịu tác động rất mạnh của khả năng đảo chiều xu thế toàn cầu hóa trong năm 2017…Tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2017 được dự báo là tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy sẽ cản trở thương mại toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại và đầu tư của nhiều nước đang phát triển, nhất là nước có độ mở của nền kinh tế lớn như Việt Nam. 

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây