Cần chỉ rõ các siêu dự án vốn nhà nước đang "đắp chiếu"
- Thứ tư - 02/11/2016 00:32
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sáng 1-11, Quốc hội bắt đầu thảo luận ở hội trường về kế hoạch tài chính , quản lý nợ công 2016-2020, kết quả thực hiện ngân sách 2016 và phương án sách 2017.
Đại biểu quốc hội (ĐBQH) Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng tỉ lệ nợ công đã ở mức gần vượt ngưỡng an toàn (65% GDP), tăng mạnh trong nhiều năm qua từ mức 47% lên gần 65%. Trong trường hợp nếu mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay không đặt sẽ gây khó khăn đến áp lực trả nợ, nguy cơ mất an toàn cho tài chính công có thể xảy ra, nghĩa vụ trả nợ, đảo nợ gây áp lực lên nghĩa vụ ngân sách càng tăng lên.
ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) phát biểu tại phiên thảo luận QH sáng 1-11. Ảnh: CHÂN LUẬN
Một trong những nguyên nhân được ĐB Tiến đưa ra là cơ cấu nợ công chưa hợp lý. Theo đó, các nguồn vay với lãi suất cao, có thời gian ngắn hạn lại đầu tư cho các dự án dài hạn.
“Nhiều dự án chậm tiến độ, kéo dài thu hồi vốn, làm nặng gánh trả nợ, thất thoát, tham nhũng nhiều, gây nên mất an toàn nợ công, làm giảm ổn định kinh tế vĩ mô” - ĐB Tiến nói.
Từ đó, ĐB đến từ Hà Nam đề xuất Chính phủ cần có kế hoạch rõ ràng về chi tiêu, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên và quy trách nhiệm người đứng đầu; kế hoạch đầu tư công rõ ràng, hiệu quả, thu hẹp khoảng cách chi đầu tư và chi thường xuyên.
Chia sẻ về vấn đề này, ĐB Phạm Phú Quốc (TP.HCM) cho rằng để giảm nợ công, Chính phủ cần có đưa ra phương án để nuôi dưỡng nguồn thu và giảm chi. Tính toán nguồn thu từ dầu thô và ngoại thương một cách hợp lý, tránh phụ thuộc nguồn thu vào tài nguyên trong nước bởi nếu tiếp tục kỳ vọng vào chỉ tiêu này sẽ gây khó khăn cho nền sản xuất trong nước.
ĐB Phạm Phú Quốc (TP.HCM). Ảnh: CHÂN LUẬN.
Thay vào đó, để nuôi dưỡng nguồn thu, ông Quốc đề nghị Chính phủ sử dụng các nguồn lực khác như bán vốn ở doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp để tạo điều kiện cho người dân tham gia phát triển kinh tế, lập doanh nghiệp. Phát triển các doanh nghiệp của Việt Nam ngang tầm khu vực, có vai trò dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp phát triển, từ đó tăng nguồn thu mà không tận thu.
Cùng với nuôi dưỡng nguồn thu, ĐB Phạm Phú Quốc lưu ý Chính phủ và chính quyền các cấp cần siết chi, tiết kiệm chi thường xuyên. Phát huy nguồn ngân sách làm “mồi” để tạo động lực kinh tế phát triển, thu hút các nguồn vốn từ các nguồn lực khác. Đồng thời phân cấp quản lý ngân sách hợp lý, tạo chủ động cho địa phương trong điều tiết ngân sách, tránh phụ thuộc vào ngân sách trung ương.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu lại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH chỉ ra, đầu tư công trong giai đoạn vừa qua hiệu quả đầu tư chưa cao, chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư. Vẫn còn tình trạng bố trí vốn cho dự án chưa đủ điều kiện; phê duyệt dự án khi chưa cân đối đủ vốn, đủ nguồn lực; bố trí vốn dàn trải, thiếu tập trung, chậm trễ, dẫn đến nhiều mục tiêu trọng tâm chưa hoàn thành, nhiều công trình dở dang, phải đình, giãn, hoãn tiến độ, lãng phí nguồn lực.
Tuy nhiên, ĐB Phương cho rằng chúng ta phải chỉ ra được trên thực tế có bao nhiêu dự án hoạt động không hiệu quả, bao nhiêu dự án sử dụng vốn Nhà nước bị thua lỗ, bao nhiêu dự án gây thất thoát, lãng phí, bao nhiêu dự án cần đề nghị điều tra, truy tố... Có như vậy thì mới quy được trách nhiệm và khắc phục được vấn đề không lặp lại trong tương lai.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương: Báo cáo chung chung, không quy trách nhiệm giống như bắn chỉ thiên. Ảnh: CHÂN LUẬN
Ông Phương điểm danh năm dự án lớn có tổng vốn đầu tư 30.000 tỉ đồng hoạt động thua lỗ, đứng trước nguy cơ phá sản và cần phải chỉ rõ được trách nhiệm. Trong đó, dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đội vốn gấp đôi từ gần 4.000 tỉ đồng lên 8.100 tỉ đồng, Nhà máy bột giấy Phương Nam đầu tư với số vốn 3.000 tỉ đồng sau 10 năm phải bỏ hoang vì không thể sản xuất được do công nghệ không phù hợp...
"Báo cáo một cách chung chung định hướng và không quy được trách nhiệm cá nhân vẫn chỉ là "bắn chỉ thiên" - ĐB đền từ Quảng Bình nêu quan điểm.