Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Viêm mũi, xoang gia tăng - Hệ lụy của điều trị chưa đúng cách

Viêm mũi, xoang gia tăng - Hệ lụy của điều trị chưa đúng cách
Tại Việt Nam, tỉ lệ viêm mũi, xoang đang ngày càng gia tăng và ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe cộng đồng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có việc điều trị chưa đúng cách.

Trong những năm gần đây, do nhiều yếu tố như khí hậu, ô nhiễm môi trường sống… tỉ lệ bệnh viêm mũi, xoang đang có dấu hiệu gia tăng. Số liệu thống kê năm 2014 cho thấy số người viêm mũi, xoang chiếm từ 15 - 17% dân số. Tại bệnh viện Tai Mũi Họng Trung Ương, mỗi ngày có 700 - 800 bệnh nhân tới khám, gần 50% số đó là các trường hợp bị viêm mũi, xoang.

Người bị viêm mũi, xoang thường có các triệu chứng: nghẹt mũi, chảy mũi, ngửi kém, đau nhức mũi, sốt, có thể bị nhức đầu (đỉnh, thái dương, chẩm gáy), ho dai dẳng, khịt khạc đờm mệt mỏi, ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe và cuộc sống

Bệnh thường diễn biến dai dẳng và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách. Tuy nhiên, số ca bệnh viêm mũi, xoang vẫn đang gia tăng do người bệnh có tâm lý chủ quan không điều trị hoặc tự chữa trị sai phương pháp.

Chủ quan không điều trị

Nhiều người cho rằng viêm mũi, viêm xoang chỉ là “bệnh vặt” hoặc “bệnh thời tiết”, sẽ tự khỏi nên chủ quan không điều trị. Đến khi bệnh nặng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, sẽ dẫn đến những biến chứng khác, khiến thời gian điều trị lâu và tốn kém hơn.

Điều trị theo quan niệm dân gian

Khi bị viêm mũi, xoang, nhiều người truyền tai nhau sử dụng những phương pháp dân gian như nhỏ nước tỏi vào mũi (tỏi có chứa allicin được coi là kháng sinh tự nhiên, có thể tiêu diệt được nấm và vi khuẩn), tuy nhiên việc nhỏ trực tiếp nước tỏi vào mũi sẽ gây nóng, bỏng rát và làm phù nề niêm mạc mũi, khiến triệu chứng viêm nặng hơn và càng khó điều trị dứt điểm.

Ngoài ra, một số người bệnh tự bào chế các thảo dược như: hoa ngũ sắc, cây giao, ngà voi… để nhỏ mũi cũng tiềm ẩn nguy cơ gây bội nhiễm, do không kiểm soát được vi sinh trong quá trình sản xuất bằng phương pháp thủ công tại nhà.

Tự ý dùng thuốc sai cách

Một sai lầm phổ biến là người bệnh thường tự mua và sử dụng thuốc Tây khi chưa được chẩn đoán bệnh và có chỉ định của bác sĩ. Thói quen này rất nguy hiểm, không những không điều trị dứt diểm được bệnh mà còn có thể gây ra các tác dụng phụ khác.

Một số bệnh nhân lại tự ý sử dụng các sản phẩm Đông y (TPCN) mới sản xuất hoặc những sản phẩm trôi nổi, chưa được nghiên cứu, chứng minh công dụng rõ ràng. Chính vì vậy sau một liệu trình điều trị, “tiền mất mà tật vẫn mang”.

Khuyến cáo điều trị bệnh đúng cách

Từ những sai lầm trên, người dân cần thay đổi nhận thức để điều trị bệnh đúng cách :

- Ngay khi bệnh vừa khởi phát, người bệnh không được chủ quan xem nhẹ mà cần theo dõi các triệu chứng và đi khám càng sớm càng tốt để bác sĩ tư vấn liệu trình điều trị thích hợp.

- Tuyệt đối không điều trị theo quan niệm dân gian chưa được kiểm chứng, cũng không được tự ý sử dụng thuốc khi chưa được chẩn đoán và có chỉ định của bác sĩ.

- Bệnh nhân cần tuân thủ phác đồ điều trị và khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng uy tín.

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Sơn, Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Hà Nội và các tỉnh phía Bắc khuyến cáo :

Người bệnh viêm mũi, xoang cấp tính có thể sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm kết hợp với thuốc thảo dược từ 3 - 5 ngày, sau đó duy trì thêm từ 7 - 10 ngày để điều trị triệt để, tránh nguy cơ bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính.

Đối với người bị viêm mũi, xoang mạn tính, khi bệnh tái phát cần điều trị bằng thuốc trước khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn nặng. Những người có cơ địa sức đề kháng yếu hoặc dị ứng có thể dùng thuốc thảo dược từ 2 đến 4 tuần để điều trị từ gốc. Sau mỗi đợt điều trị tấn công hoặc thời gian giao mùa, người bệnh cũng nên uống một đợt dự phòng để tránh nguy cơ tái phát.

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây