Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Tránh bị “Tào Tháo đuổi” ngày Tết, cần lưu ý gì?

Tránh bị “Tào Tháo đuổi” ngày Tết, cần lưu ý gì?
Rối loạn tiêu hóa hay tiêu chảy là những bệnh rất thường gặp trong ngày Tết mà nguyên nhân là do cách bảo quản, sử dụng thực phẩm không đúng cách của nhiều người.

Không nên tích trữ nhiều thực phẩm trong tủ lạnh

Đừng ỷ lại… tủ lạnh

Ngày nay, không ít gia đình vẫn còn duy trì thói quen tích đồ ăn trữ thực phẩm Tết vì quan niệm đầu xuân không nên mua bán. Chính vì vậy, từ đồ sống đến đồ chín đều được bảo quản trong tủ lạnh. Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm cho biết: “Mọi người cần hiểu bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh chỉ là cách kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, chứ không thể giết chết được vi khuẩn. Vì vậy, không nên tích trữ nhiều thực phẩm trong tủ lạnh. Cần lưu ý thực phẩm dù để trong tủ lạnh nhưng để lâu cũng có thể hư hỏng, nấm mốc, mất đi chất dinh dưỡng, tươi ngon”.

Cùng quan điểm, BS. Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho rằng: “Hiện, các điểm bán hàng mở bán rất sớm từ khoảng mùng 2 - 3 Tết, do đó mọi người không nên tích trữ quá nhiều đồ ăn. Việc lưu trữ lâu gây ảnh hưởng đến chất dinh dưỡng cho bữa ăn trong gia đình. Chưa kể việc sắp xếp, bảo quản thực phẩm không đúng cách trong tủ lạnh còn có thể gây nhiễm khuẩn chéo giữa các loại thực phẩm sống và chín. Việc này rất dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm”.

Theo khuyến cáo của ông Hưng, rau xanh chỉ nên để 3 - 4 ngày vì để càng lâu trong tủ lạnh sẽ làm mất đi các vitamin và khoáng chất, giảm giá trị dinh dưỡng. Thức ăn tươi sống như thịt, cá… cần bảo quản ở ngăn đông lạnh, và nên chia nhỏ theo từng bữa. Thực phẩm sau khi rã đông cần được chế biến luôn, không cấp đông lại bởi trong quá trình rã đông, thực phẩm rất dễ nhiễm khuẩn, gây bệnh cho người sử dụng. Một nguyên tắc cần tuyệt đối tránh là để lẫn lộn thực phẩm sống và chín; thực phẩm phải được bảo quản kín, các thực phẩm lưu trữ lâu trong tủ lạnh cần nấu lại khi sử dụng… Như vậy, sẽ hạn chế được nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong ngày Tết.

Ông Thịnh cũng cho biết, hiện nay, nhiều gia đình vẫn có thói quen gói bánh chưng với số lượng nhiều để ăn dài ngày trong dịp Tết. Tuy nhiên, nếu không bảo quản tốt, bánh rất dễ bị mốc. Trong khi đó, có nhiều người vẫn còn thói quen gọt bỏ phần ngoài của bánh rồi rán lên ăn. Điều này rất có hại cho cơ thể vì tất cả các thực phẩm đã mốc đều sinh ra độc tố Aflatoxin. Loại độc chất này tích tụ lâu dài trong cơ thể có thể gây nên ung thư, vì vậy, cần mạnh dạn vứt bỏ những thực phẩm đã bị nấm mốc.

Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp thường gặp ngày Tết

Ông Nguyễn Trọng Hưng cho biết, nếu không đảm bảo an toàn thực phẩm sử dụng trong dịp Tết thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm là điều khó tránh khỏi. Rối loạn tiêu hóa cũng là bệnh rất thường gặp trong thời gian nghỉ lễ dài ngày. Chính việc ăn uống thất thường, có thể ăn quá nhiều, quá ít, không đúng bữa, nhiều mỡ, nhiều đạm... uống nhiều rượu bia đều là các tác nhân chính gây ra rối loạn tiêu hóa. Các triệu chứng thông thường là tiêu chảy, táo bón, sình bụng và tình trạng chậm tiêu hóa…

Theo khuyến cáo của BS. Hưng, để phòng rối loạn tiêu hóa, mọi người không nên ăn quá nhiều đồ ăn dầu mỡ, đồ chiên rán; hạn chế ăn các loại mứt, bánh kẹo vì loại thực phẩm này chứa quá nhiều đường. Những đồ ăn sẵn như xúc xích, thịt hun khói, lạp sườn, đồ ăn cay nóng cũng không phải là lựa chọn tốt vì chúng chứa nhiều chất bảo quản và phụ gia dễ gây kích ứng niêm mạc ruột, khó tiêu.

Bên cạnh đó, cũng cần tránh ăn các món nộm, thịt tái sống, nem chua và đặc biệt là thức ăn để trong tủ lạnh quá lâu. Với thức ăn trong tủ lạnh, để sử dụng cần phải nấu chín kỹ, hạn chế quay lò vi sóng, vì thức ăn quay lò vi sóng không tiêu diệt hoàn toàn được vi khuẩn.

“Để bệnh không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, mọi người cần duy trì bữa ăn khoa học, nên ăn đầy đủ các bữa, kiểm soát bữa ăn và không ăn quá nhiều trong một bữa, nên chia nhiều bữa nhỏ. Nên ưu tiên ăn các loại đồ luộc, hấp, ăn lẩu bằng nước dùng thanh đạm hoặc ninh từ củ quả. Tăng cường ăn các loại trái cây tươi và nếu dùng các loại quả sấy nên chọn loại sấy khô tự nhiên không có đường tinh luyện trong những ngày Tết. Tránh lạm dụng rượu bia và nên dùng các loại trà nóng, không đường hoặc 1 - 2 ly rượu vang thay thế rượu mạnh là điều nên làm”, ông Hưng khuyến cáo.

Bảo quản thức ăn chín

1. Bánh chưng: Bánh được treo ở chỗ khô ráo trong nhà để bảo quản. Treo bánh ở nơi thoáng mát, không bụi bặm, ẩm thấp để tránh bị mốc và ôi thiu. Nếu có tủ lạnh, cho vào ngăn đá có thể bảo quản được hàng tháng nhưng khi ăn phải rã đông và luộc/rán lại.

2. Nem rán (chả giò rán): Rán sơ, loại bỏ mỡ thừa (bằng giấy thấm dầu mỡ), để nguội xếp vào hộp kín cất ngăn mát (để lâu hơn nên cho vào ngăn đá,) khi ăn bỏ ra đem rán vàng.

3. Các loại mứt: Các loại mứt và trái cây khô thường chứa nhiều đường nên rất dễ chảy nước, làm mất ngon và dễ bị mốc. Để bảo quản được lâu, cần để vào lọ kín, ăn đến đâu lấy đến đó. Những thực phẩm này cũng không nên cất vào tủ lạnh vì khi bỏ ra ngoài rất dễ hút ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc phát triển.

4. Giò chả: Để bảo quản cần bỏ hết lớp vỏ gói bên ngoài, tránh để thức ăn đổ mồ hôi. Nên đậy bằng rổ có nhiều lỗ thoáng nhỏ, nhưng tránh hơi gió. Tốt nhất, nên dùng giò chả trong vòng 2 ngày, nếu chưa ăn kịp nên luộc lại.

(Theo khuyến cáo của Cục ATTP, Bộ Y tế)

Các loại hạt có lợi ích sức khỏe vi diệu nên bổ sung trong ngày Tết

Tết này thay vì ăn nhiều bánh kẹo, bạn nên tích cực thưởng thức những loại hạt rất tốt cho sức khỏe để tránh bị...

Bấm xem >>

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây