Tinh trùng bất động có thể sinh con?
- Thứ bảy - 19/11/2016 08:05
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tại hội thảo khoa học về những tiến bộ trong các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản diễn ra tại Hà Nội chiều ngày 18/11, bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản bệnh viện Bưu Điện, cho biết về trường hợp tinh trùng bất động đầu tiên thực hiện thành công tại Bệnh viện.
Đây là trường hợp của 1 cặp vợ chồng trẻ, trong đó người chồng bị tinh trùng bất động 100% và chỉ phát hiện sau 2 năm cưới nhau. Đây là mức cao nhất trong 4 cấp độ vô sinh ở nam giới.
Với nam giới, yếu tố quyết định khả năng sinh sản của nam giới là các chỉ số và mức độ di động của tinh trùng trong tinh dịch. Khi tinh trùng bất động 100%, tức là có tinh trùng nhưng không di chuyển thì không có khả năng thụ thai do chúng không tìm đường đến trứng. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này nhưdo tổn thương tinh hoàn; thực phẩm, môi trường sống, tia sóng năng lượng cao, điều trị thuốc...
Do không thể thực hiện thụ tinh ống nghiệm nên phải chờ đến năm 2015, khi có kỹ thuật "nhuộm" tinh trùng, các bác sĩ mới tìm ra được những tinh trùng khỏe mạnh dù bất động hoàn toàn, giúp việc đặt phôi thụ tinh ống nghiệm thành công, người vợ mang song thai.
Đến giữa năm 2016, vợ bệnh nhân đã sinh đôi. Hiện hai bé gái được gần 3 tháng tuổi và họ có thể sinh thêm con nếu muốn bởi đã trữ được 11 phôi.
BS Nhã cho biết, sau trường hợp bệnh nhân này, có thêm 3 bệnh nhân đến khám có tình trạng tương tự. Hiện 1 cặp đã mang thai, 1 cặp đã “bắt” được con giống nhưng chưa chuyển phôi, 1 cặp chưa tiến hành can thiệp.
“Trước đây, với những trường hợp này, chúng tôi phải khuyên bệnh nhân đi xin “con giống””, BS Nhã cho biết.
Theo BS Nhã, một cặp vợ chồng quan hệ tình dục đều đặn 2 - 3 lần mỗi tuần, không dùng biện pháp tránh thai nào sau 1 năm mà không có thai thì nên đi khám vô sinh. Bởi có đến gần 50% nguyên nhân vô sinh, hiếm muộn là do nam giới với các bệnh lý không có tinh trùng, tinh trùng bất hoạt, xuất tinh ngược dòng…
Các cặp vợ chồng hiếm muộn càng khám sớm, khi người vợ còn trẻ, cơ hội thụ thai sẽ càng cao hơn dù thực tế, kỹ thuật ngày càng tiên tiến, có trường hợp 53 tuổi vẫn có thể mang thai nhưng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho mẹ và thai nhi, do tuổi mẹ đã lớn.
Hồng Hải