Thuốc tiêm, dịch truyền: Lạm dụng nguy hiểm!
- Thứ hai - 14/11/2016 08:33
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều trường hợp bị tai biến, tử vong do tiêm thuốc một cách vô tội vạ, từ việc tiêm thuốc để trị bệnh đến tiêm thuốc làm đẹp…
Từ tai biến đến tử vong
Đã có tình trạng rất đáng báo động là một số trẻ em được cho tiêm bắp thuốc K-Cort (chứa triamcinolon là thuốc glucocorticoid cho tác dụng kéo dài) bị teo cơ hay một số người lớn tiêm K-Cort vào khớp trị đau khớp và bị nhiễm trùng khớp.
Theo báo cáo cách đây không lâu của Khoa Chỉnh hình Bệnh viện Nhi trung ương, hàng chục trẻ em bị xơ hóa cơ bởi tiêm kháng sinh đã phải đến chữa trị tại khoa này do tai biến làm giảm chức năng vận động rất nghiêm trọng.
Như vậy, dạng thuốc tiêm, đặc biệt là tiêm truyền, không phải luôn tốt nhất như nhiều người lầm tưởng mà là dạng thuốc phải rất thận trọng khi dùng, thậm chí có khi không nên dùng.
Lâu nay, có một quan niệm khá phổ biến rằng dùng thuốc tiêm tốt hơn thuốc uống. Do đó, khi đến phòng khám, một số bệnh nhân nài nỉ thầy thuốc cho thuốc tiêm, thậm chí còn đòi hỏi được tiêm truyền “nước biển”.
Mới đây, một bệnh nhân nam ở Hải Phòng được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong tình trạng sốc nặng, suy đa tạng kèm theo những tổn thương viêm tấy, lan tỏa toàn bộ vùng lưng, đùi...
Trước đó, do bị đau lưng nên bệnh nhân này đã đến một người cùng khu để tiêm truyền thuốc giảm đau, 3-4 ngày sau khi tiêm, xung quanh khu vực tiêm truyền bị viêm tấy khiến bệnh nhân sốt cao, vàng da. Sau cùng, dù đã được các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai điều trị tích cực bằng các kỹ thuật cao như: lọc máu liên tục, dùng kháng sinh đặc hiệu liều cao… nhưng bệnh nhân vẫn tử vong.
Trước đó, một cô gái 20 tuổi (ở quận Tân Phú, TP HCM) cũng tử vong sau khi truyền nước biển tại một phòng khám gần nhà chỉ vì “thấy trong người mệt mỏi”.
Người tiêm thuốc buộc phải thông thạo cách tiêm để tránh tai biến (Ảnh: Hoàng Triều)
Thuốc tiêm là gì?
Theo định nghĩa, thuốc tiêm là một dạng dược phẩm vô trùng dùng để tiêm vào cơ thể. Chính định nghĩa này cho thấy dạng thuốc tiêm không phải luôn hoàn hảo vì bên cạnh một số ưu điểm so với thuốc uống, nó cũng mang nhiều nhược điểm.
Dưới đây là một số ưu điểm:
- Do được tiêm vào cơ thể, thuốc được hấp thu trực tiếp và trọn vẹn vào máu nên có tác dụng nhanh và hiệu quả cao.
- Thuốc không qua hệ tiêu hóa nên không bị dịch tiêu hóa hoặc gan hủy hoại. Một số thuốc có bản chất peptid như hormone (progesteron, insulin…) hay một số enzyme, nếu uống thuốc sẽ bị dịch vị thủy giải hoặc bị gan biến đổi thành những chất không có tác dụng.
- Tiêm truyền tĩnh mạch cho phép thay thế nhanh chóng lượng nước, điện giải, tế bào, sinh chất bị mất đi do phẫu thuật hay tai nạn gây mất máu chẳng hạn.
Nhưng nhược điểm cũng không ít:
- Tiêm thuốc đòi hỏi phải có dụng cụ thích hợp như ống tiêm, kim tiêm, tiêm truyền thì phải có bộ dây truyền và phải tuyệt đối vô trùng. Nếu không vô trùng thì có nguy cơ bị nhiễm trùng (như áp xe, nhiễm HIV, nhiễm viêm gan siêu vi B, C). Người tiêm thuốc không thông thạo cách tiêm có thể gây ra tai biến: như tiêm tĩnh mạch calcium clorid phải tiêm thật chậm, tiêm thuốc ở mông nếu không đúng chỗ sẽ làm thương tổn dây thần kinh.
- Thuốc tiêm có tác dụng nhanh và tiếp thu trọn vẹn nên nếu có sự nhầm lẫn thì thật tai hại, thậm chí nguy đến tính mạng nếu dược chất có nhiều độc tính.
- Thuốc tiêm dễ gây phản ứng toàn thân hay tại chỗ khi cơ thể không dung nạp thuốc. Như tiêm penicillin, vitamin B1 có khi gây sốc phản vệ trầm trọng, tiêm thuốc dầu nhiều lần thường để lại nốt cứng gây đau đớn.
Do có những nhược điểm như trên, người ta chỉ dùng thuốc tiêm thay vì dùng thuốc uống trong những trường hợp như: cấp cứu, bệnh nhiễm trùng nặng, người bệnh không thể hợp tác uống thuốc…
Trên nguyên tắc, khi thầy thuốc kê toa cho thuốc tiêm là đã có sự cân nhắc cần thiết. Vì vậy, khi đi khám bệnh không nên nài nỉ thầy thuốc cho thuốc tiêm khi không cần thiết.
Nên nhớ, tiêm thuốc nguy hiểm hơn uống thuốc, người dùng thuốc không thể tự tiêm thuốc mà phải có nhân viên chuyên môn thông thạo kỹ thuật thực hiện…
Tiêm chích làm đẹp: Tai biến rình rập
Hiện nay, tình trạng dùng thuốc tiêm khá phổ biến. Không chỉ tiêm để trị bệnh, tiêm để khỏe mà nhiều chị em còn đến các cơ sở làm đẹp, spa để tiêm dưỡng ẩm da, tiêm nội tiết tố để trẻ, tiêm các chất làm đầy như botox, filler...
Cho tới nay, vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào kiểm chứng và xác nhận việc dùng chế phẩm tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp lại có tác dụng “thần kỳ” là làm trắng da, đẹp da và làm cho phụ nữ trẻ lại. Chỉ thấy việc dùng đường tiêm chích chỉ tạo ra nguy cơ rất lớn là bị tai biến như đã đề cập.
Theo PGS-TS-DS Nguyễn Hữu Đức
Người lao động