Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Tăng đột biến trẻ mắc ho gà, 4 ca tử vong

Tăng đột biến trẻ mắc ho gà, 4 ca tử vong
Chỉ trong hơn 2 tháng qua, Bệnh viện Nhi T.Ư đã tiếp nhận trên 50 ca được chẩn đoán ho gà. Đáng chú ý có 4 ca tử vong. Phần lớn trẻ mắc ho gà dưới 3 tháng tuổi, chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đủ liều.

Sử dụng kỹ thuật cao chữa ho gà

Ngày 6/3, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, thời điểm này số ca được chẩn đoán ho gà gia tăng mạnh so với các năm trước. Cả năm 2015 có hơn 10 ca ho gà nhập viện, trong đó 56,5% trẻ mắc ho gà dưới 3 tháng tuổi. Năm 2016 có 12 ca ho gà. Nhưng chỉ hơn 2 tháng đầu năm 2017 đã có trên 50 ca ho. Đáng chú ý, nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nặng, phải thở máy.

Hiện đang có một trường hợp nặng phải lọc máu và sử dụng kỹ thuật màng trao đổi oxy ngoài cơ thể (kỹ thuật ECMO). TS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực cho biết, trường hợp này vào viện với các dấu hiệu ho gà khá rõ ràng như khó thở, rút lõm lồng ngực, phổi ran rít, ho thành cơn sặc sụa, tím tái trong cơn ho... Bệnh nhi nhanh chóng được hỗ trợ hô hấp, điều trị tăng áp phổi, hít khí NO. Tiếp đó, các bác sĩ thay máu cho bệnh nhân nhưng tình trạng vẫn nặng hơn, huyết áp tụt, có dấu hiệu ngừng tim phải ép tim. Dù các bác sĩ đã dùng thuốc hỗ trợ tim mạch, huyết áp nhưng nguy cơ tử vong của bệnh nhân vẫn rất cao. TS Tạ Anh Tuấn cho biết, các bác sĩ quyết định sử dụng phương pháp cuối cùng là kỹ thuật ECMO vì đây được xem là cách tốt nhất điều trị ho gà hiện nay. Sau 6 ngày được hỗ trợ ECMO, hiện tình trạng bệnh nhân cải thiện rõ rệt, trẻ tự thở, nhiễm khuẩn giảm dần.

Chăm sóc cho bệnh nhi mắc ho gà tại BV Nhi T.Ư. Ảnh T.Hà.

Mẹ tiêm vắc-xin, con được phòng bệnh

PGS.TS Trần Minh Điển giải thích, một trong những lý do trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc ho gà là do kháng thể truyền từ mẹ sang con không có chất chống lại ho gà do trước đó sản phụ chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh này. Vì vậy, phụ nữ có thai cũng có thể tiêm ngừa bệnh ho gà để có kháng thể phòng bệnh cho con ở giai đoạn sơ sinh.

Các bác sĩ cho biết, đối với trẻ dưới 1 tuổi mắc bệnh ho gà thì bệnh tiến triển nặng lên rất nhanh, tỷ lệ tử vong lên đến 90%. Vì vậy việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để điều trị rất quan trọng. 

TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, ho gà ở trẻ nhỏ, đặc biệt trong mùa đông xuân như hiện nay thường kèm theo biến chứng viêm phổi, trẻ có những cơn ho rũ rượi, sau ho trẻ có nôn trớ nhiều, nếu không biết chăm sóc trẻ dễ bị sặc chính chất nôn đó dẫn đến viêm phổi nặng. Ho gà có một số đặc trưng là trẻ ho theo cơn, có thể kèm theo thở khò khè, thậm chí trẻ có thể tím, lịm đi hoặc có cơn ngừng thở, sau khi ho trẻ có nôn ra đờm trắng, dính nhưng sau cơn ho trông trẻ có vẻ bình thường. Tuy nhiên ở nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi thì bệnh có thể biến chuyển nhanh và dễ có biến chứng, như trẻ có thể viêm phổi sau ho gà. 

Ngày 6/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có công văn khẩn yêu cầu các đại phương tăng cường phòng, chống bệnh ho gà. Trong đó, thực hiện các biện pháp tiêm phòng cũng như khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc-xin phòng bệnh ho gà đầy đủ, đúng lịch. Bên cạnh đó, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà trẻ phải nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. 

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây