Tại sao trẻ nói lắp?
- Thứ năm - 20/10/2016 22:02
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tật nói lắp là một chứng rối loạn trong diễn đạt lời nói. Đây là một tật khá phổ biến, thường gặp ở trẻ em, bé trai mắc gấp 3 lần bé gái. Nói lắp có thể xuất hiện trong giai đoạn bắt đầu tập nói. Khoảng 1% trẻ sau tuổi dậy thì bị tật nói lắp dai dẳng. Ngoài tật nói lắp ra, trẻ hoàn toàn bình thường. Khi chúng ta nói, có những kích thích tác động vào các bộ phận cảm thụ của lưỡi, môi, má và thanh quản. Các kích thích đó theo cơ quan phân tích lời nói đến vùng phân tích vận động của lời nói (vùng Broca). Khi các bộ phận này không phối hợp được thật tốt với nhau thì lời nói phát ra sẽ khó khăn và sinh ra tật nói lắp. Có rất nhiều giả thuyết về những nguyên nhân gây ra tật nói lắp như: chấn thương khi còn sơ sinh (sinh khó, ngã… ảnh hưởng đến vùng Broca); người mẹ khi mang thai mắc bệnh hoặc trẻ bị bệnh ở não sau khi điều trị khỏi đã để lại tì vết nào đó ở trung tâm ngôn ngữ; một cú sốc thời thơ ấu khiến trẻ mắc tật; trên vỏ não có những đoạn tách rời ngăn những tín hiệu lưu thông bình thường giữa các khu vực trong vùng kiểm soát ngôn ngữ. Tật nói lắp thường có tính di truyền, người ta nhận thấy trong gia đình có nhiều người nói lắp thì khả năng nói lắp của con cháu họ rất cao.
Việc điều trị nói lắp không khó, nhưng bệnh nhân cần kiên trì và có sự cảm thông, giúp đỡ của những người xung quanh, tăng cường rèn luyện kỹ năng nói, kiên nhẫn làm thường xuyên, lâu dài.
Theo ThS. Lê Hưng
Sức khỏe & Đời sống