Tá hỏa khi phát hiện chồng nằm cạnh “chết lâm sàng”
- Thứ sáu - 05/05/2017 02:43
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Các chuyên gia khuyến cáo, ngủ ngáy kèm ngưng thở là một bệnh lý rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Ảnh minh họa
Những ai dễ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ?
Ông Trần Văn Sỹ (56 tuổi, trú tại phường Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội) được vợ gắn cho biệt danh “cái loa phát thanh” trong nhà đã gần 20 năm qua. Thắc mắc về cái tên có phần hơi đặc biệt này, bà Mùi – vợ ông cho biết, sở dĩ bà gọi chồng như vậy vì ông có tật nói to, nói nhiều. Không những thế, đêm đến, ông cũng không chịu “tha” cho bà bởi những tiếng ngáy to như “tiếng sấm” bên tai.
Bà Mùi kể: “Chồng tôi ngáy to đến mức tôi không thể ngủ được. Nhiều lúc phải đập mạnh vào người cho ông ấy ngừng lại nhưng cũng chỉ được một vài phút “bình yên” rồi đâu lại vào đấy. Đã thế, ban ngày, cứ hễ đặt mình xuống ngủ, dù chỉ là chợp mắt dăm chục phút là ông ấy lại ngáy”.
Tuy nhiên, theo lời bà Mùi, nhiều lúc đang trong cơn ngáy to, chồng bà bỗng dưng im bặt khoảng vài giây, sau đó tiếng ngáy mới trở lại. Ban đầu, bà cũng nghĩ bình thường nhưng qua theo dõi một thời gian, bà Mùi để ý thấy, các biểu hiện này cứ lặp đi lặp lại mỗi đêm. Rồi có lần, bà giật mình khi phát hiện trong lúc chồng ngừng ngáy cũng là lúc ông không còn thở nữa. “Khi ấy, tôi thực sự sợ, vội vàng lay mạnh người chồng, vừa lay vừa gọi. Phải đến vài giây sau tôi mới thấy ông ấy mở mắt ra nhưng lại nhanh chóng thiếp đi và ngáy tiếp”, bà Mùi nói.
Lo ngại về những dấu hiệu bất thường trong giấc ngủ của chồng, bà đã động viên ông đi khám chuyên khoa hô hấp. Tại đây, cả hai ông bà đều “đứng hình” khi bác sĩ cho biết, ông đã mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ, rất nguy hiểm nếu không được theo dõi và có phác đồ điều trị hợp lý.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Chu Thị Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Ngưng thở khi ngủ là một rối loạn đặc trưng của bệnh lý hô hấp có liên quan đến giấc ngủ. Trong đó, ngủ ngáy là một trong những dấu hiệu đặc trưng của hội chứng này. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, ngưng thở khi ngủ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như suy giảm trí nhớ, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim hoặc thậm chí gây tử vong.
Theo PGS.TS Chu Thị Hạnh, mọi người cần lưu ý trước một số triệu chứng khác như: Hay buồn ngủ vào ban ngày; thức giấc nhiều lần trong đêm; đi tiểu đêm nhiều; đau đầu buổi sáng; giảm trí nhớ, kém tập trung khi làm việc...
Nhóm đối tượng dễ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ bao gồm: Những người thừa cân, béo phì; người mắc bệnh tăng huyết áp; những người có bất thường cấu trúc sọ mặt và mô mềm đường hô hấp… Ngoài ra, nam giới thường xuyên hút thuốc lá; dùng nhiều chất kích thích như rượu, bia, thuốc an thần; phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh cũng là nhóm đối tượng tiềm ẩn nguy cơ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Cảnh giác với bệnh ngủ ngáy
Theo BS Nguyễn Hồng Sơn – Khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện Quân y 175), nhiều người cho rằng, ngủ ngáy không phải là bệnh lý và ít được quan tâm. Do đó, việc phát hiện sớm hội chứng ngưng thở khi ngủ cũng gặp nhiều khó khăn.
Bác sỹ Nguyễn Hồng Sơn phân tích: “Ngáy gây ra bởi sự dao động tần số thấp của các mô mềm trong vùng hầu họng, làm nghẽn một phần đường thở gây ra tiếng ngáy và cũng có khi tắc hoàn toàn gây ra ngưng thở trong khi ngủ. Khi ngưng thở, nồng độ oxy trong máu giảm xuống một cách đột ngột, khí CO2 trong máu tăng lên, kích thích não gây phản xạ thở hoạt động trở lại. Quá trình này lặp lại nhiều lần trong đêm”.
Theo bác sỹ Nguyễn Hồng Sơn: Với những người ngủ ngáy đơn thuần, tác hại lớn nhất là gây ra tiếng ồn khó chịu cho người xung quanh. Còn với những người ngáy kèm theo ngưng thở thì đây là một bệnh lý hết sức nguy hiểm. Những người này ban đêm thường ngủ không sâu giấc, phải thức đi thức lại nhiều lần. Hậu quả, sáng ngủ dậy rất mệt mỏi, giảm trí nhớ và thiếu tập trung trong khi làm việc. Nếu bệnh nhân mắc chứng ngưng thở khi ngủ thuộc nhóm đối tượng làm việc vận hành máy móc như lái xe, lái máy bay… trong lúc đang làm việc mà bệnh tái phát, đây là một điều cực kỳ nguy hiểm đối với xã hội.
Các chuyên gia khuyến cáo: Để phát hiện bệnh nhân ngủ ngáy thông thường hay ngủ ngáy kèm theo hội chứng ngưng thở khi ngủ tại nhà, cách duy nhất là nhờ những người ngủ bên cạnh theo dõi, có thể là vợ/chồng hoặc bố mẹ, anh chị em. Bởi lẽ, bệnh nhân trong khi ngủ không thể tự phát hiện được mình có ngáy hay ngưng thở hay không. Điều này khó khăn hơn với những người sống độc thân hoặc thường xuyên ngủ một mình. Những đối tượng này cần đến gặp bác sĩ để được can thiệp bởi các thiết bị máy móc đo giấc ngủ. Hiện nay, cách chẩn đoán hội chứng ngưng thở khi ngủ là dùng máy đa ký giấc ngủ để ghi lại toàn bộ những dấu hiệu bất thường trong giấc ngủ. Qua đó, các bác sĩ đưa ra chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nếu bệnh nhân mắc bệnh ở mức độ nhẹ, các bác sĩ sẽ khuyên người bệnh nên thay đổi lối sống, giảm cân, tránh sử dụng rượu, thuốc lá, thuốc an thần… Ở mức độ trung bình, bệnh nhân sẽ được điều trị theo phương pháp phẫu thuật tạo hình vòm miệng hầu lưỡi gà nếu nguyên nhân gây ngưng thở khi ngủ là do bất thường về cấu trúc vùng tai mũi họng. Ở mức độ nặng, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân thở áp lực dương liên tục trong lúc ngủ với máy thở, gắn với mặt nạ mũi hoặc mặt nạ miệng. Máy thở có tác dụng giúp mở và ngăn ngừa xẹp đường hô hấp trên, giảm buồn ngủ vào ban ngày ở hầu hết tấc cả các bệnh nhân, cải thiện tăng huyết áp, tiểu đêm.
Đa ký giấc ngủ là gì? Theo các chuyên gia, đa ký giấc ngủ là phương pháp đo ít nhất 7 tín hiệu: điện não đồ, điện mắt, điện cơ, điện tâm đồ, lưu lượng khí ở mũi, cử động gắng sức hô hấp của các cơ ở thành ngực và bụng và độ bão hòa oxy. Do đó, bệnh nhân sẽ được gắn các điện cực theo dõi, đeo máy đo độ bão hòa oxy ở ngón tay, đeo dây đai ở ngực để theo dõi cử động hô hấp của ngực và bụng, đeo dây oxy ở mũi để đo lưu lượng khí qua mũi. Nếu bệnh nhân vừa có triệu chứng ngủ ngáy và buồn ngủ ban ngày nhiều kèm trên đa ký giấc ngủ có ghi nhận có tổng số đợt ngưng thở lớn hơn 5 lần trong 1 giờ khi ngủ và mỗi đợt ngưng thở kéo dài ít nhất là 10 giây, thì bệnh nhân được chẩn đoán có hội chứng ngưng thở khi ngủ. |