TPHCM kiểm tra nguồn gốc thịt heo bằng... smartphone
- Chủ nhật - 21/08/2016 08:40
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo UBND TPHCM, thịt heo không an toàn là vấn đề đáng lo ngại do việc sử dụng thuốc, hóa chất cấm, thức ăn tăng trọng… trong chăn nuôi đã để lại dư lượng quá mức cho phép.
Bên cạnh đó, tình trạng bơm nước, tiêm chích các loại thuốc an thần trước khi giết mổ; người kinh doanh ướp muối diêm, hàn the để tạo màu, ngăn vi khuẩn phát triển đã gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.
Hơn nữa, quá trình giết mổ không đảm bảo vệ sinh, việc vận chuyển, bán thịt heo không đúng quy định làm tăng khả năng lây nhiễm vi khuẩn…
Thực tế hiện nay, việc lấy mẫu kiểm tra tồn dư chất cấm trên thịt tươi chỉ dừng lại ở việc kiểm tra định lượng, giám sát. Việc tạm giữ và xử lý còn nhiều hạn chế.
Tới đây, người dân TPHCM có thể dùng smartphone (điện thoại thông minh) để kiểm tra nguồn gốc chất lượng thịt heo (ảnh minh họa)
Theo thống kê, trên địa bàn TP có 18 cơ sở giết mổ gia súc tập trung với công suất hàng đêm khoảng 7.550 con heo. Trong khi đó, các hộ dân, doanh nghiệp và hợp tác xã chăn nuôi trên địa bàn TP cung cấp khoảng 1.000 con heo mỗi ngày. Vì vậy, để đảm bảo nguồn thịt heo cung cấp cho thị trường, các cơ sở này phải tiếp nhận một lượng lớn heo hơi từ các địa phương khác (chiếm khoảng 90% tổng lượng giết mổ).
Trong khi đó, công tác phối hợp quản lý giữa Chi cục Thú y TP và các tỉnh chưa chặt chẽ. Hiện các trạm kiểm dịch động vật tại các cửa ngõ TP còn hạn chế về con người và phương tiện kỹ thuật để kiểm soát chất lượng heo lưu thông vào nội thành.
Vì vậy, theo UBND TPHCM, trong bối cảnh hiện nay, quy trình kiểm soát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt heo ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại là một giải pháp đảm bảo chất lượng với ngành hàng thịt heo. Việc sớm triển khai đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo có ý nghĩa hết sức quan trọng, đặc biệt là đảm bảo an toàn sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.
Đề án có 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ quản lý từ khâu heo được xuất khỏi trang trại qua giai đoạn giết mổ, sơ chế đến vận chuyển, kinh doanh tại chợ đầu mối, về chợ lẻ (mở rộng ra các siêu thị, cửa hàng thực phẩm) và đến tay người tiêu dùng. Và giai đoạn 2 sẽ quản lý từ khi heo mới sinh, chăn nuôi và đến khi xuất chuồng.
Thời gian vận hành thử nghiệm hệ thống quản lý thịt heo ứng dụng công nghệ thông tin từ tháng 8/2016 đến tháng 2/2017 và chính thức hoạt động vào tháng 3/2107.
Với hệ thống này, heo khi xuất trại sẽ có vòng nhận diện được mã hóa. Còn tiểu thương khi bán phải dán con tem nhận diện lên miếng thịt. Từ con tem này người mua hàng có thể truy cập bằng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc chất lượng heo.
Quốc Anh