Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


TPHCM: Nhiều loại bệnh truyền nhiễm dồn dập tấn công trẻ

TPHCM: Nhiều loại bệnh truyền nhiễm dồn dập tấn công trẻ
Cùng với sự gia tăng của bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh hô hấp cũng “dồn dập” tấn công trẻ em. Ngành y tế thành phố khuyến cáo người dân cần chủ động tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe.

Bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết đua nhau tăng

Ngày 5/10, thông tin từ BS Lê Thị Hồng Nga, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Trung tâm y tế Dự phòng thành phố cho hay, tính đến thời điểm cuối tháng 9 đầu tháng 10, bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố đang gia tăng khá nhanh.

Bệnh sốt xuất huyết trong tháng 9 tăng vọt so với 2 tháng trước

Cụ thể, trong tháng 9/2016, trên toàn thành có 516 trẻ mắc bệnh tay chân miệng phải nhập viện điều trị, bệnh đã tăng gần 13% so với tháng 8. Từ đầu năm đến nay, chưa có trường hợp nào tử vong do tay chân miệng, song tổng số trẻ mắc bệnh đã lên tới gần 4.000 ca.

Cùng với những tác động của thời tiết, nguyên nhân bệnh gia tăng được nhận định là do trẻ bước vào năm học mới, gia tăng nguy cơ mắc bệnh trong môi trường học đường.

Thực tế cho thấy, trong tháng 9 một số chùm ca bệnh tay chân miệng đã bắt đầu xuất hiện tại các trường mầm non. Dự báo, từ nay đến cuối năm, bệnh tay chân miệng sẽ tiếp tục gia tăng.

Những diễn tiến nguy hiểm hơn đang xảy ra đối với bệnh sốt xuất huyết, tính riêng trong tháng 9 thành phố có tới gần 2.400 bệnh nhân phải nhập viện điều trị. Con số tích lũy từ đầu năm của bệnh sốt xuất huyết lên tới 12.996 ca với 3 người tử vong. So với cùng kỳ năm trước, sốt xuất huyết đã tăng 50,8%.

Từ đầu năm đến nay đã có 3 bệnh nhân tử vong vì sốt xuất huyết tại TP.HCM

Thông tin từ BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế cho hay, trong 9 tháng qua trên địa bàn ghi nhận 624 ổ dịch sốt xuất huyết nhỏ (từ 2 đến 4 ca bệnh, bán kính 200m) và 1 ổ dịch lớn với 27 ca bệnh xảy ra tại xã Tân Thới Nhì, Hóc Môn. Sở Y tế đang đẩy mạnh tuyên truyền đến cộng đồng và triển khai hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng, phun hóa chất, giám sát điểm nguy cơ... tuy nhiên, thời tiết đang tạo điều kiện cho muỗi phát triển khiến công tác phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn.

Bệnh hô hấp bước vào cao điểm

Cùng với 2 loại bệnh truyền nhiễm chủ đạo trên, bệnh hô hấp cũng đang bước vào thời kỳ cao điểm khiến hàng loạt trẻ em phải nhập viện điều trị.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2, trung bình một ngày tại mỗi bệnh viện đang tiếp nhận và điều trị nội trú cho khoảng 500 đến 600 trẻ bị bệnh hô hấp, khoảng 60% trong số đó là bệnh nhi từ các tình thành lân cận. Ngoài ra, mỗi ngày còn có hàng nghìn bệnh nhi khác đến khám hô hấp và điều trị ngoại trú.

Bệnh nhân quá tải tràn ra hành lang đã trở thành hình ảnh quen thuộc tại các bệnh viện nhi

Tình trạng trên đang gây quá tải trầm trọng cho khoa Hô hấp của 2 bệnh viện Nhi Đồng. Trẻ bị bệnh quá đông, dù khoa bệnh đã kê thêm nhiều giường, băng ca nhưng vẫn không đủ đáp ứng. Ngoài tình trạng nằm ghép 3 đến 4 bệnh nhi trên mỗi giường bệnh, để trẻ được bác sĩ theo dõi, điều trị các bậc phụ huynh phải trải chiếu hoặc nằm ngồi la liệt ở hành lang. Để giám áp lực bệnh nhân cho khoa Hô hấp, cả bệnh viện nhi đã chủ động chuyển bệnh nhân đến các khoa ít bị quá tải.

Lý giải cho sự gia tăng của bệnh, phân tích chuyên môn của BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 chỉ ra, thời tiết mưa lớn kéo dài nhiều tuần qua tại khu vực các tỉnh Nam Bộ nói chung và khu vực TP.HCM nói riêng là nguyên nhân trực tiếp khiến bệnh hô hấp tăng cao.

Khi mưa nhiều và mưa liên tục, độ ẩm sẽ tăng cao tạo điều kiện cho sự phát triển của các loại vi rút, vi khuẩn. Mặt khác, sự tác động của thời tiết bất thường lại ảnh hưởng tiêu cực đến sức đề kháng khiến các bé dễ bị vi rút, vi khuẩn tấn công và gây bệnh.

Bệnh hô hấp ở trẻ em đang gây căng thẳng, áp lực cho các khoa điều trị

Để giúp trẻ giảm nguy cơ mắc bệnh, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần chủ động tăng cường dinh dưỡng, giúp các bé tăng đề kháng trước sự tấn công của mầm bệnh. Khi thời tiết mưa nhiều hoặc mưa nắng bất thường, cần giữ ấm cho trẻ; không nên đưa trẻ ra đường khi trời đang mưa; rửa tay thường xuyên, giữ vệ sinh cơ thể, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát... là việc làm đơn giản nhưng rất hiệu quả trong phòng chống các loại bệnh truyền nhiễm cho cộng đồng.

Vân Sơn

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây