Sự “chiều chuộng” của cha mẹ khiến trẻ mắc đái tháo đường
- Thứ tư - 24/05/2017 12:46
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trẻ béo phì nếu không kiểm soát ăn uống dễ dẫn đến bệnh đái tháo đường. Ảnh: T.G
Vài tuổi đã bị đái tháo đường
Mới 9 tuổi, cao 1m43 nhưng bé Trương Văn Chiến (ở Nam Định) đã nặng tới 55kg. Theo gia đình, vì bé Chiến là cháu đích tôn, thương bé khi sinh nhẹ cân nên sợ bé còi, gia đình rất quan tâm đến việc bồi bổ. Mọi sở thích ăn uống của bé đều được gia đình chiều theo, nhất là những đồ ăn nhanh hay những đồ ăn chứa nhiều chất dinh dưỡng. Trong khi đó, cháu lại rất ít ra ngoài vận động.
Khi thấy Chiến “quá to” so với các bạn cùng trang lứa, bố mẹ mới đưa cháu đi khám thì tá hỏa bởi bác sĩ bảo bị đái tháo đường type 2. Nguyên nhân xuất phát từ chế độ ăn uống không khoa học, lười vận động dẫn tới béo phì. Lúc đầu gia đình cũng không tin vì nghĩ “con có tí tuổi” đã bị đái tháo đường. Nhưng các kỹ thuật đo đường huyết cho thấy, chỉ số đường huyết trước khi ăn của bé cao gấp đôi chỉ số bình thường lên tới 12 mmol/l (bình thường là 5,4 - 6,2mmol/l).
Theo TS. Phan Hướng Dương (Bệnh viện Nội tiêt Trung ương), nếu như trước đây bệnh tiểu đường chỉ xuất hiện ở những người già thì đến nay bệnh đã trẻ hóa, xuống lứa tuổi 20 - 30. Thậm chí có những trẻ chỉ vài tuổi cũng đã mắc bệnh.
Tiểu đường type 1 ở trẻ là bệnh có tính chất di truyền, do rối loạn tổng hợp insulin, rối loạn nơi sản xuất insulin, có tính chất bẩm sinh nhiều hơn xảy ra khi tuyến tụy không có khả năng sản xuất đủ insulin. Những trẻ mắc đái tháo đường type 2 ở nước ta thường gắn liền với chứng thừa cân, béo phì.
Điều này xuất phát từ chính sai lầm trong cách chăm sóc trẻ, đó là việc bổ sung dinh dưỡng không hợp lý khi cho trẻ ăn hoặc uống thực phẩm nhiều đường, đường hấp thu nhanh như nước ngọt có ga, bánh kẹo… ít chú ý đến chất xơ. Cùng với đó thói quen lười vận động càng khiến lượng chất béo vào cơ thể khó tiêu hao.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đái tháo đường ở trẻ nhỏ có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như suy yếu chức năng của tim, thận, mắt, gây bệnh huyết áp, đột quỵ…Cũng như ở người lớn, biểu hiện mắc bệnh ở trẻ nhỏ có thể nhận thấy khi trẻ uống nước nhiều, tiểu nhiều, sụt cân dù ăn nhiều, đôi khi là những triệu chứng khác như mệt mỏi, học lực sa sút, giảm sự tập trung, một số trường hợp đi tiểu thấy có kiến bu.
Thực hiện chế độ ăn kiểm soát đường huyết
BS Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cũng cho rằng, trẻ béo phì là đối tượng có nguy cơ cao mắc đái tháo đường. Bởi vậy các bậc cha mẹ không nên quá bồi bổ để trẻ béo phì. Đái tháo đường được xác định bằng cách thử đường huyết nên các cha mẹ hãy cho trẻ đi thử máu định kỳ. Một khi trẻ đã mắc đái tháo đường, việc điều trị là không hề đơn giản.
Trẻ bị đái tháo đường type 1 cần duy trì dùng insulin để điều trị. Khi mắc đái tháo đường type 2 ngoài dùng thuốc còn phải tuân theo một chế độ ăn kiêng cực kỳ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, để làm điều này là rất khó vì giai đoạn này trẻ cần nhiều dinh dưỡng để phát triển, không thể bắt trẻ kiêng khem quá mức. Trẻ nhỏ cũng khó tuân thủ hay tạo lập cho mình ý thức về bệnh.
Quan trọng vẫn là người lớn sát sao giúp trẻ cân đối trong thực đơn ăn uống hàng ngày để kiểm soát đường huyết. Cách tốt nhất để tránh bệnh này là áp dụng một chế độ ăn lành mạnh, khoa học, giàu chất xơ và tăng cường vận động cho trẻ. Chế độ ăn ở trẻ đái tháo đường type 1 nhìn chung vẫn như bình thường, chỉ cần hạn chế (không phải là cấm tuyệt đối) cho trẻ ăn hoặc uống thực phẩm nhiều đường, đường hấp thu nhanh như nước ngọt có ga, bánh kẹo… Hạn chế tinh bột,
thực phẩm chứa nhiều chất béo như: Đồ ăn nhanh, đồ chiên xào, thịt mỡ, phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng gà…, tăng cường rau xanh, chất xơ, hoa quả, chất đạm.
Trẻ bị đái tháo đường type 2 thì năng lượng, tinh bột trẻ ăn hàng ngày cần được tính toán chặt chẽ hơn. Bố mẹ nên cho trẻ bị đái tháo đường ăn thành nhiều bữa trong ngày vì ăn quá nhiều trong một bữa sẽ làm cho đường huyết tăng cao. Nên chia 3 bữa chính và từ 1-3 bữa phụ. Tăng cường vận động, tham gia các hoạt động vui chơi, luyện tập thể dục thể thao như chạy bộ, đá bóng, bóng chuyền, bóng rổ… Điều này có ý nghĩa trong việc giúp giảm lượng đường trong máu và giảm đề kháng insulin.
TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và Ngành nghề (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) chỉ rõ, bệnh nhân đái tháo đường là do lượng đường trong máu cao hơn người bình thường và cơ thể họ sẽ dần không còn khả năng sản sinh ra insulin để phá hủy lượng đường dư thừa. Gạo trắng là thực phẩm chính trong khẩu phần ăn của người Việt, với khoảng 70% năng lượng từ chất đường làm tăng mức độ đáp ứng đường máu khiến nguy cơ bệnh đái tháo đường tăng cao.
Người bệnh đái tháo đường cần có chế độ ăn cơm gạo trắng bình thường với nguyên tắc: Giảm lượng cơm, tăng lượng rau, trái cây thì bệnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Đồng thời, tăng cường vận động mỗi ngày để tiêu hao hết năng lượng dư thừa.
Một số thực phẩm có đường huyết thấp mà người mắc đái tháo đường nên đưa vào bữa ăn như bánh mỳ đen, rau quả. Ngoài ra, chế độ ăn thay thế một phần gạo trắng bằng gạo lứt, gạo lật nảy mầm cũng sẽ giúp chúng ta phòng chống đái tháo đường. Người dân có thể trộn 50% gạo lật nảy mầm với 50% gạo trắng khi nấu. Ăn gạo lật nảy mầm có thể tăng cường lượng khoáng chất, chất xơ, vitamin, phòng ngừa rối loạn mỡ máu, béo phì, bệnh tim mạch và kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn. Với trẻ nhỏ có thể sử dụng để nấu cháo, say bột… |
Bạn đang lo lắng về vấn đề cân nặng và sức khỏe của mình? Hãy kiểm tra xem mình có mắc 1 hoặc nhiều những thói quen...