Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Sợ phẫu thuật, bệnh nhân bị “tảng” sỏi san hô lấp đầy thận

Sợ phẫu thuật, bệnh nhân bị “tảng” sỏi san hô lấp đầy thận
Sau lần phẫu thuật nhiều đau đớn nhưng sỏi thận vẫn tái phát, nữ bệnh nhân sợ đụng dao kéo khiến bệnh diễn tiến nặng. Sau gần 6 năm phát triển, “tảng” sỏi như san hô biển đã chiếm toàn bộ bể thận và các đài thận, gây đau đớn kéo dài.

Ngày 18/10, thông tin từ ThS.BS Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Dược, TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và can thiệp cho một trường hợp bị sỏi thận rất lớn dạng san hô. Bệnh nhân là bà Võ Thị S. (59 tuổi, ngụ tại TPHCM) nhập viện trong tình trạng đau hông trái kéo dài nhiều năm.

"Tảng" sỏi san hô lấp đầy bể thận và các đài thận của bệnh nhân

Khai thác bệnh sử ghi nhận bệnh nhân từng phẫu thuật lấy sỏi thận một lần, tuy nhiên, bệnh lại tiếp tục tái diễn. Hơn 5 năm trước, bệnh nhân biết mình bị sỏi lớn ở thận trái, đã được bác sĩ chỉ định mổ hở để lấy sỏi. Tuy nhiên, do ám ảnh từ đợt “dao kéo” lần trước nên bệnh nhân từ chối phẫu thuật. Tiếp đó, khi bệnh trở nặng, bà đi kiểm tra thì được tư vấn phẫu thuật cắt bỏ thận. Nhưng cũng như lần trước, bà S. chấp nhận sống chung với sỏi thận vì sợ.

Trước cảnh đau đớn triền miên của bà S. gia đình đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đại học Y Dược kiểm tra. Qua các kết quả chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ xác định người bệnh bị sỏi thận dạng san hô. Do không được can thiệp sớm nên sỏi phát triển lớn (kích thước 7,4cm x 4,8cm) chiếm toàn bộ bể thận và các đài thận. Nếu tình trạng trên tiếp tục kéo dài, người bệnh không chỉ bị sỏi tàn phá khiến thận mất hoàn toàn chức năng mà còn gây nhiễm trùng tái đi tái lại, nguy hiểm đến tính mạng.

Phẫu thuật nội soi là phương pháp ít xấm lấn, hạn chế nguy cơ biến chứng cho người bệnh

Sau khi hội chẩn với sự chấp thuận của bệnh nhân các bác sĩ quyết định can thiệp nội soi qua da lấy sỏi cho người bệnh. Ê kíp phẫu thuật đã tạo một đường hầm nhỏ xuyên từ ngoài da vào trong thận, dùng tia laser tán sỏi và gắp vụn sỏi ra ngoài. Do tảng sỏi quá lớn nên phải mất 4 lần nội soi gắp sỏi, bác sĩ mới lấy được 98% “tảng” sỏi khổng lồ trong thận người bệnh. Hiện, bệnh nhân vẫn còn 1 mảnh vụn 5mm còn sót lại, dự kiến bà S. sẽ được tiếp tục tán sỏi ngoài cơ thể cho đến khi sạch hoàn toàn. Sau can thiệp, bác sĩ sẽ đánh giá chức năng thận của người bệnh để có giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Thông tin chuyên môn từ BS Hoàng Đức cho hay, sỏi thận là bệnh thường gặp ở người Việt Nam. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở những người từ 40 đến 70 tuổi. Khoảng 30% người bị sỏi thận diễn tiến âm thầm không có triệu chứng đặc hiệu, người bệnh chỉ phát hiện bệnh khi cơ thể gặp phải các biến chứng mủ thận, suy thận, sốc nhiễm trùng.

Nguyên nhân sỏi thận ở người Việt Nam có thể do khí hậu nhiệt đới nên khả năng mất nước trong cơ thể làm tăng cao sự cô đặc của nước tiểu, các tinh thể can xi dễ lắng đọng trong nước tiểu, hình thành sỏi. BS Hoàng Đức khuyến cáo cộng đồng, giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả để phòng ngừa sỏi thận là uống nhiều nước (từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày). Người dân nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm sỏi thận qua phương pháp siêu âm bụng.

Vân Sơn

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây