Sẽ ứng dụng ghép tế bào gốc chữa nhiều bệnh lý khó
- Chủ nhật - 20/11/2016 13:36
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đêm 19/11, Đề tài “Cụm công trình nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh máu” của 13 tác giả tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã được vinh danh giải nhất trong lĩnh vực Y Dược Nhân tài Đất Việt 2016.
GS.TS Nguyễn Anh Trí - đại diện nhóm tác giả đạt giải Nhất lĩnh vực Y Dược Nhân tài Đất Việt 2016. Ảnh: Mạnh Thắng
“Vinh dự được nhận giải Nhất về Y học của Nhân tài Đất Việt năm 2016, tập thể Viện huyết học - Truyền máu Trung ương chúng tôi, nhóm thực hiện đề tài chúng tôi rất vui sướng và tự hào. Bởi đây là sự khẳng định, sự cố gắng, nỗ lực của những người làm khoa học của Viện huyết học truyền máu Trung ương được cộng đồng, được xã hội, được Đảng và Nhà nước công nhận”, GS Trí nói.
GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chia sẻ sau khi nhận giải. Clip: Xuân Ngọc.
Theo đánh giá của cá nhân GS Trí, đề tài “Cụm công trình nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh máu” là công trình rất đồ sộ vì liên quan rất nhiều mảng. Trong đó, thành quả lớn nhất là xây dựng thành công 1 ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng để có nguồn tế bào gốc điều trị cho các bệnh lý ác tính ở người. “Với ngân hàng tế báo gốc này, chúng tôi đã lưu giữ được hơn 3.000 mẫu máu dây rốn, từ chỗ hiến tặng của cộng đồng rồi phục vụ cho cộng đồng. Đó là những khối tế bào gốc tốt về chất lượng, đủ về mặt số lượng”, GS Trí khẳng định.
Và để đạt được thành quả này, tập thể các y bác sĩ Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã trải qua quá trình nghiên cứu, ứng dụng.
GS Trí chia sẻ, ở giai đoạn đầu của đề tài, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tiến hành hoạt động tế bào gốc giống như các ngân hàng tế bào gốc đã có ở Việt Nam. Đó là xây dựng ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn nhưng phục vụ cá nhân. Mỗi cá nhân khi sinh con, người ta có thể gửi tế bào gốc máu dây rốn vào đó lưu trữ, phòng khi sau này con cái họ có bệnh có thể dung chính tế bào gốc đó điều trị.
Những tế bào gốc máu dây rốn này lưu trữ tối đã được 15 năm, nhưng chỉ dùng được cho những trẻ dưới 10kg. “Sau đó chúng tôi nhận ra rằng nếu lập ngân hàng máu cuống rốn mà chỉ để phục vụ cá nhân sẽ rất lãng phí, vì không phải ai cũng cần dùng, mà lưu giữ thì rất tốn kém. Vì thế, sau đó chúng tôi quyết định làm nghiên cứu về ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng”, GS Trí cho biết.
Đến nay, đã có hơn 3.300 mẫu máu cuống rốn được xin từ các bà mẹ vừa sinh con để lưu trữ, phục vụ cho cộng đồng. Mỗi ngày, trung bình Việt Nam có 120-150 ca sinh nở, chỉ cần chọn trong số đó ra 2 mẫu để đưa vào ngân hàng máu là có thêm “của để dành” cho sức khỏe tương lai. Đến nay, việc ghép tế bào gốc đã được chứng minh chữa nhiều bệnh lý nguy hiểm, từ ung thư máu, suy tủy xương, ghép da bỏng, bệnh giác mạc, nhồi máu cơ tim…
Vì tế bào gốc là những tế bào có khả năng biệt hóa thành những tế bào khác nhau trong cơ thể. Mỗi khi một mô nào đó của cơ thể bị thương, bị mất đi do già hóa hoặc chết tự nhiên… thì tế bào gốc sẽ lập tức “sửa chữa”, thay thế cho các tế bào này.
"Sau thành công của rất nhiều ca ghép tế bào gốc, hiện Viện đang mạnh dạn triển khai đối tượng ghép sang nhiều nhóm bệnh như u lympho ác tính, lơ xê mi kinh dòng hạt, suy tủy xương, tan máu bẩm sinh, đái huyết sắc tố kịch phát ban đêm… Chúng tôi sẽ luôn nỗ lực không ngừng nghỉ vì người bệnh, để tìm ra những phương pháp điều trị hiệu quả nhất, mang lại cuộc sống khỏe mạnh cho bệnh nhân", GS Trí nói.
Nguyễn Dương – Hồng Hải