Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Phòng chống dịch Zika “trên quyết liệt, dưới thờ ơ”

Phòng chống dịch Zika “trên quyết liệt, dưới thờ ơ”
Kế hoạch hành động của chiến dịch tăng cường công tác phòng chống dịch Zika và sốt xuất huyết đã triển khai đến từng địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế làm thế nào, làm đến đâu đạt yêu cầu hay chưa thì các quận, huyện còn lơ là.

Đó là đánh giá chung của bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND thành phố về công tác phòng chống dịch Zika trên địa tại buổi làm việc giữa UBND thành phố và các ban ngành liên quan (chiều 6/11). Theo nội dung do GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế báo cáo tại cuộc họp thì đến nay, thành phố đã trở thành điểm nóng của cả nước về dịch Zika khi với 29 trương hợp được xác định dương tính với loại vi rút này.

Vật liệu, đồ phế thải chứa nước sạch là môi trường muỗi truyền bệnh sinh sản và phát triển

Hiện vi rút Zika đã được ghi nhận tại 11/24 quận, huyện. Trong đó, các quận, huyện có số ca mắc cao là quận 12, quận 9, Bình Thạnh (đều có 4 ca), quận 2, Tân Phú (đều có 3 ca). Theo GS Bỉnh, thời gian qua ngành y tế TP đã nỗ lực hết sức để ngăn ngừa dịch do virus Zika, như tổ chức giám sát tại 30 bệnh viện từ tuyến thành phố đến tuyến quận, huyện ngay thời điểm bệnh do virus Zika khởi phát (tháng 3/2016). Đến nay, toàn hệ thống giám sát trên đã lấy 983 mẫu bệnh phẩm thực hiện xét nghiệm đồng thời tổ chức tư vấn, giám sát tất cả các ca bệnh…

Để tăng cường khả năng, phát hiện, tiếp nhận và điều trị kịp thời cho những trương hợp mắc Zika, dự kiến, trong tháng 11/2016 ngành y tế thành phố sẽ triển khai thêm 16 điểm giám sát vi rút Zika tại các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn quận 2, đồng loạt tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường trên tất cả các quận, huyện với mục đích xử lý các điểm nguy cơ và vùng nguy cơ phát sinh muỗi truyền bệnh.

Sau phát biểu của Giám đốc Sở Y tế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Thu cho rằng, đang có sự bất nhất trong công tác phòng chống dịch theo kiểu trên nóng, dưới lạnh. Trong lúc ngành y tế tích cực vào cuộc tìm các giải pháp để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch thì ngược lại, việc thực hiện tại chính quyền cấp cơ sở lại thể hiện sự thờ ơ. Huyện có chỉ đạo chống dịch bằng văn bản nhưng thực tế làm thế nào, làm đến đâu, đạt yêu cầu hay không thì không có sự kiểm tra, đánh giá cụ thể.

Tìm và diệt muỗi, triệt tiêu môi trường sống của lăng quăng là giải pháp hiệu quả để phòng chống dịch

Bà Nguyễn Thị Thu cho rằng: “Mấu chốt của phòng chống dịch do vi rút Zika là diệt muỗi, diệt lăng quăng, nhưng đến nay có địa phương làm, có địa phương chưa làm hoặc làm chiếu lệ, thiếu quyết liệt. Trong đó, hầu hết 24 quận, huyện đều có dự án treo, bỏ hoang tạo điều kiện phát sinh lăng quăng, muỗi truyền bệnh. Chủ dự án thì không chịu vệ sinh môi trường, địa phương muốn làm thì không có kinh phí”.

Để giải quyết tình trạng trên, Phó chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường vào cuộc, có chế tài xử lý các dự án bỏ hoang. Bà cũng đề nghị Hội đồng Nhân dân thành phố chỉ đạo giám sát chặt chẽ các quận, huyện, phường, xã. “Nếu không làm, hoặc làm không nghiêm túc thì đề nghị có biện pháp răn đe, xử lý trách nhiệm những cá nhân, tổ chức, đoàn thể”.

Trước nguy cơ, dịch Zika sẽ bùng phát trên diện rộng, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan làm việc ngay với Sở Tài nguyên và Môi trường để rà soát các dự án còn bỏ hoang, có nguy cơ gây mất vệ sinh môi trường phát sinh lăng quăng, muỗi để tham mưu đến lãnh đạo thành phố, đề xuất giải pháp xử lý phù hợp với tình hình thực tế.

Trước mắt, cả hệ thống chính trị của thành phố sẽ “xắn tay” phát động và đồng hành với phong trào toàn dân diệt lăng quăng, muỗi; phun hóa chất diệt muỗi, phát tờ rơi, treo băng rôn tuyên truyền, vận động người dân tham gia chống dịch với phương châm không thụ động đối phó mà phái đón đầu dập dịch.

Vân Sơn

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây