Nhận biết sẹo bất thường và cách phòng tránh
- Thứ năm - 13/10/2016 13:11
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khi có vết thương trên da, cơ thể sẽ sản sinh ra các mô tế bào đặc biệt để chữa lành vết thương. Lớp da được hồi phục đó gọi là vết sẹo. Chúng không chỉ làm xấu bề mặt da mà còn làm cho người bệnh mặc cảm và tự ti trong cuộc sống. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình liền vết thương. Tùy theo mức độ tổn thương, khả năng can thiệp, vị trí tổn thương trên cơ thể… có thể để lại các loại sẹo khác nhau: sẹo bình thường hay sẹo không bình thường.
Sẹo được hình thành thế nào?
Quá trình hồi phục vết thương da được diễn ra qua 3 giai đoạn: giai đoạn phản ứng viêm, giai đoạn tăng sinh và giai đoạn tái tạo (sửa chữa) tổ chức. Cả ba giai đoạn này thường diễn ra trong khoảng thời gian từ 3-6 tháng. Bất kỳ rối loạn nào xảy ra trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình liền sẹo đều ảnh hưởng đến diễn biến bình thường cũng như chất lượng của sẹo.
Tùy theo mức độ tổn thương của da, tình trạng nhiễm trùng của vết thương, vết thương có thể liền sẹo theo một trong 3 cách khác nhau: kỳ đầu: các vết mổ hoặc vết thương sạch, gọn, đến sớm, được khâu kín ngay; kỳ hai: vết thương dập nát, nhiễm trùng, không thể khâu kín; liền sẹokỳ ba: vết thương dập nát, nhiễm trùng được cắt lọc, thay băng cho đến khi sạch sẽ được cắt lọc lại và có thể khâu kín kỳ hai.
Một tổ chức sẹo được cho là bình thường khi vùng sẹo bằng phẳng ngang bề mặt da lành xung quanh, có màu trắng hồng, hơi bóng, mềm mại, không co kéo da xung quanh, không có bất kỳ triệu chứng nào tại chỗ. Các loại sẹo còn lại có hình thể, cấu trúc, đặc tính khác với sẹo bình thường đều là các loại sẹo bất thường, các loại sẹo này thường rất được quan tâm do những ảnh hưởng mang tính thẩm mỹ và đôi khi ảnh hưởng cả đến chức năng của vùng da bị sẹo.
Chăm sóc vết thương đúng cách, để vết thương không bị khô cũng sẽ giúp chóng lành và ít sẹo hơn.
Sẹo lồi
Đây là một loại sẹo bệnh lý của da, có ảnh hưởng nặng nề nhất đến thẩm mỹ, tâm lý và sức khỏe của người bệnh. Sẹo lồi hình thành do sự tích tụ quá mức của collagen ở trung bì da - hậu quả của sự mất cân bằng giữa quá trình tổng hợp và quá trình phân hủy collagen mà căn nguyên bệnh sinh cho đến nay vẫn còn nhiều điều chưa được sáng tỏ. Sẹo lồi mặc dù là khối sẹo phát triển liên tục, gây ra các triệu chứng tại chỗ như: đau nhức, ngứa, co kéo, tuy nhiên đây là khối sẹo hoàn toàn lành tính. Có một số vùng da có nguy cơ cao hình thành sẹo lồi sau khi bị tổn thương như: vùng dái tai, vành tai; vùng có râu trên mặt; vùng ngực trước xương ức; vùng da trên cơ delta của cánh tay; vùng lưng trên; vùng mu… Ngược lại, vùng da gan tay, lòng bàn chân hầu như không thấy có sẹo lồi. Có yếu tố thể địa và yếu tố gia đình trong việc hình thành và phát triển của sẹo lồi. Một đặc điểm rất đáng lưu tâm là: các phẫu thuật sửa sẹo đơn thuần (kể cả phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ) thường làm cho sẹo lồi trở nên tồi tệ hơn.
Sẹo phì đại
Sẹo phì đại cũng do sự mất cân bằng giữa hai quá trình tổng hợp - phân hủy của collagen, nhưng sự mất cân bằng này chỉ là tạm thời và chỉ xảy ra trong giai đoạn thứ hai của quá trình liền sẹo; sự mất cân bằng này sẽ được sửa chữa trong giai đoạn thứ ba, vì vậy, sau thời gian đầu phát triển, sẹo sẽ dần thoái lui để có xu hướng trở lại thành một sẹo bình thường. Trong nhiều trường hợp rất khó phân biệt được giữa một sẹo phì đại với một sẹo lồi thực sự. Có thể gặp sẹo phì đại ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể, bất kỳ giai đoạn phát triển nào của cơ thể; không có yếu tố thể địa, yếu tố gia đình. Ngược lại với sẹo lồi, các phẫu thuật sửa sẹo (đúng cách) với sẹo phì đại thực sự thường có kết quả tốt về mặt thẩm mỹ.
Sẹo lõm
Sẹo lõm hay còn gọi là sẹo teo là các hố, rãnh sâu, thấp hơn bề mặt da lành xung quanh - hậu quả của sự mất hoặc thiếu hụt các cấu trúc cơ bản của trung bì da và tổ chức dưới da như các tổ chức sợi, cơ, mỡ trong quá trình hồi phục của các tổn thương da. Các sẹo lõm, sẹo rỗ thường xuất hiện sau trứng cá, các ổ viêm nhiễm của da có liên quan đến vi khuẩn tụ cầu vàng, bệnh đậu mùa hoặc các ổ viêm hoại tử da có liên quan đến việc dùng steroid tại chỗ… Các sẹo loại này thường không gây ra những triệu chứng tại chỗ như đau, ngứa hoặc co kéo da nhưng lại có tác động không nhỏ đến thẩm mỹ của vùng da, đôi khi sẹo còn tạo ra các túi, các hang hốc chứa đựng chất bã, chất bẩn cùng vi khuẩn… rất dễ gây ra các ổ viêm nhiễm.
Sẹo giãn
Các vết rạn da là một dạng phổ biến nhất của loại sẹo này. Sẹo giãn có thể xuất hiện tại các vị trí da hoàn toàn bình thường (không có tổn thương da trước đó). Sự hình thành của sẹo giãn được cho là hậu quả của sự căng giãn da quá mức trong một thời gian ngắn như: thai nghén, tăng - giảm cân quá mức; tăng hormon corticosteroid đột ngột cũng được cho là nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Làm thế nào để có một vết sẹo thẩm mỹ?
Để có được một vết sẹo mang tính chất thẩm mỹ, ngoài các yếu tố vị trí, cơ địa…, người bệnh cần hết sức chăm sóc vết thương theo đúng chỉ định của bác sĩ, tránh để tình trạng nhiễm khuẩn xảy ra. Ngoài ra, việc sát trùng vết thương và bôi kem thường xuyên để giữ cho vết thương không bị khô cũng sẽ giúp chóng lành và ít sẹo hơn; Chú ý không nên gỡ mày vết thương trước khi tự nó rụng đi. Hành động này làm vết thương lâu lành hơn và hay để lại sẹo xấu; Không nên thường xuyên sờ vào vết sẹo mới hình thành; Ngoài ra, không nên ăn tôm, cua, xôi nếp…; Nên bổ sung đạm, vitamin C, nhất là kẽm trong quá trình hình thành sẹo; Không nên để nắng rọi vào vết thương. Ánh nắng có tác dụng làm khô vết thương khiến nó lâu lành hơn; Kem hoặc dầu thường giúp vết thương không bị khô, đồng thời có tác dụng che chở làn da mới để không bị những xây xát. Hiện có rất nhiều loại kem bôi sẹo trên thị trường, người bệnh nên xin tư vấn của bác sĩ để sử dụng đúng cách và hiệu quả.
Theo TS.BS. Thế Anh
Sức khỏe & Đời sống