Ngày Tết, ăn hành muối, dưa muối như thế nào là đúng cách?
- Thứ sáu - 13/01/2017 12:50
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày Tết với vô số các món ăn, mọi người dễ thấy ngán ngẩm với các loại thịt, thức ăn nhiều dầu mỡ. Nhiều gia đình thường chuẩn bị vại dưa muối, bắp cải muối, củ hành muối… ăn Tết cho đỡ ngán.
Nhà nào thiếu đi vại dưa, vài hành dường như thiếu đi một vị của ngày Tết. Vì thế mà dân gian vẫn có câu “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” như một cách thể hiện sự kết hợp thú vị này.
Ngày Tết nhiều gia đình chuẩn bị dưa muối trong bữa ăn
ThS.BS Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám - Tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) chia sẻ, dưa muối cũng có những tác dụng tốt nhất định. Ngày Tết, các món ăn thường chứa nhiều đạm và chất béo nên thường ăn vào dễ bị ngán và có thể gây đầy bụng do khó tiêu.
Dưa muối chứa rất nhiều vi khuẩn có lợi, giúp chúng ta dễ tiêu hóa bánh chưng, thịt mỡ... nhờ có men lactic giúp bạn ăn ngon miệng hơn.
Tuy nhiên việc ăn dưa muối ngày Tết không đúng cách có thể ảnh hưởng đến sức khỏe . Bản chất dưa muối không gây ngộ độc. Việc ăn dưa muối bị ngộ độc vì dưa muối là sống nên có thể nguyên nhân là do dưa bị phun thuốc trừ sâu. Do đó ta có thể bị ngộ độc hóa chất trừ sâu. Ngoài ra, dưa bị muối khú, hoặc muối xổi chưa chín sẽ không tốt cho sức khỏe của người dùng, có thể gây ung thư.
Các chuyên gia cho rằng, nitrat vốn tồn tại tự nhiên trong mọi thực phẩm và một phần của chế độ ăn nhưng khi hàm lượng nitrat trong rau củ quả vượt quá ngưỡng an toàn được xem như một độc chất ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Khi muối dưa nitrat trong rau sẽ bị vi sinh vật chuyển hóa thành nitrit. Lượng nitrit sẽ giảm dần và mất hẳn khi dưa đã chua vàng. Nhưng nếu dưa bị khú lượng nitrit lại tăng cao. Khi vào cơ thể sẽ gắn với các amin tạo ra tiền chất gây ung thư dạ dày, ruột, gan… gây hại tới sức khỏe người sử dụng. Do đó, nên tránh việc ngộ độc, chúng ta nên mua sạch, muối chín thì khó có thể khả năng ngộ độc.
Để tránh các nguy cơ khi ăn dưa muối, ngày Tết cũng nên ăn chừng mực. Những người mắc bệnh tim, cao huyết áp, bệnh thận, bệnh gan, viêm loét dạ dày thì không nên ăn dưa muối chua vì chúng chứa hàm lượng muối nhiều, men tiêu hóa cao, có thể gây ra những biến chứng bất lợi.
Để có được món dưa muối ngày Tết ngon và an toàn, các gia đình nên tự mua nguyên liệu sạch về muối dưa tại nhà để đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Trước khi muối dưa, phải rửa nguyên liệu và các dụng cụ để muối thật kỹ. Lựa chọn dụng cụ an toàn cho việc muối dưa, hành… bằng vại gốm, sành hoặc sứ hoặc đó có thể là bình/lọ thủy tinh, các nồi inox chuyên biệt cho làm dưa…