Mơ hồ “ngưỡng cho phép” chất gây hại
- Thứ hai - 12/09/2016 16:41
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong môi trường và trong cách chế biến thực phẩm luôn tồn tại nguy cơ làm cho thực phẩm bị nhiễm những tạp chất, thậm chí là tạp chất rất độc hại đối với sức khỏe.
Con người vẫn có thể sử dụng những thực phẩm bị nhiễm tạp chất độc hại nếu chúng không vượt qua “ngưỡng cho phép”. Vậy thế nào là “ngưỡng cho phép”?
Chuẩn phenol, chì còn tranh cãi
Hiện nay, người ta đã phát hiện hầu hết các độc chất có thể xâm nhiễm con người. Nhờ biết cách thử nghiệm trên động vật thí nghiệm, xác định liều gây độc trên cơ thể sống, từ đó các nhà khoa học có thể xác định “ngưỡng cho phép” độc chất nhiễm đối với con người.
Nếu độc chất có trong thực phẩm nhưng dưới mức gây hại, tức không vượt quá “ngưỡng cho phép”, con người vẫn có thể sử dụng thực phẩm đó. Lấy ví dụ, dược phẩm là sản phẩm được bào chế, tức được chế biến rất đặc biệt, với tiêu chuẩn tinh khiết nghiêm ngặt nhưng vẫn có thể nhiễm độc chì (Pb). Tuy nhiên, nếu chì không vượt qua “ngưỡng cho phép” thì dược phẩm đó vẫn có thể dùng an toàn.
Thực phẩm cũng như thế nhưng có đôi điều đáng bàn hơn, đặc biệt là sau vụ tranh cãi về chuẩn phenol - độc chất gây ra vụ cá nhiễm độc ở miền Trung nước ta vừa qua.
Phenol là một hóa chất dùng trong phòng thí nghiệm và là độc chất rất có hại nếu con người bị nhiễm vào cơ thể. Nếu cá đã nhiễm phenol thì có nghĩa là hoặc do môi trường biển mà cá sinh sống đã bị ô nhiễm hoặc do trong quá trình chế biến và bảo quản, người ta đã dùng những hóa chất có lẫn phenol.
Nếu cá đã bị nhiễm phenol vượt qua “ngưỡng cho phép” thì tình trạng quá nghiêm trọng. Nhưng dù không vượt qua “ngưỡng cho phép” thì cũng cần cảnh báo, tìm cho ra nguyên nhân tại sao cá nhiễm phenol, nhất là từ môi trường biển hiện nay, vì đó là vấn đề bức xúc của người dân.
Chúng ta cũng cần biết hiện nay không phải tất cả các quốc gia đều có sự nhất trí hoàn toàn về danh sách các chất cấm dùng, danh sách các chất cho phép dùng và “ngưỡng cho phép” các chất gây hại có trong thực phẩm.
Ở nước ta, thời gian qua đã xảy ra các vụ lùm xùm như vụ hàng tấn xúc xích ban đầu bị tịch thu do hàm lượng chất gây hại vượt phép nhưng sau đó hồi kiểm thì vẫn trong “ngưỡng cho phép” của quốc tế. Hay vụ nước giải khát có nhiễm chì khiến dư luận người tiêu dùng đặt câu hỏi hàm lượng chì thế nào là được phép có trong thực phẩm?
Cơ quan quản lý còn lúng túng
Các vụ việc trên cho thấy giữa các cơ quan quản lý nhà nước đã không có sự liên thông và nhất là không có sự thống nhất danh sách các chất cấm dùng, danh sách các chất cho phép dùng và “ngưỡng cho phép” các chất có thể gây hại.
Thí dụ, trong khi có các loại hóa chất được Bộ Y tế cảnh báo nguy hiểm cho sức khỏe thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể vẫn cho sử dụng với hàm lượng cho phép. Hay các bên vẫn chưa thống nhất với nhau rằng khi đã cấm thì có nên nói đến “ngưỡng cho phép” hay không...
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần xem xét những loại tạp chất độc hại có thể nhiễm vào thực phẩm dùng hằng ngày của người dân cũng như thống nhất các tiêu chí về độ an toàn dựa vào những thông tin cập nhật đáng tin cậy (như thông báo chính thức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO)... để khi phát hiện thực phẩm nhiễm một loại tạp chất độc hại nào đó thì không lúng túng như thời gian vừa qua.
Khi các cơ quan quản lý nhà nước ta còn lúng túng thì làm sao đòi hỏi người tiêu dùng “thông minh” chọn lựa sản phẩm an toàn cho mình?
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Đức
Người lao động