Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Lập 6 đoàn kiểm tra, phòng chống dịch do vi rút Zika

Lập 6 đoàn kiểm tra, phòng chống dịch do vi rút Zika
Ngoài việc phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng, tăng cường truyền thông, thành phố sẽ triển khai 6 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika. Số người nhiễm bệnh tăng nhanh khiến Zika trở thành dịch bệnh mới nổi gây nhiều lo ngại cho cộng đồng.

Gần 80% ca Zika tập trung tại TPHCM

Tính đến đầu tháng 11, số người nhiễm bệnh Zika trên địa bàn thành phố đã tăng lên 17 trường hợp.

Thực tế trên đưa TPHCM trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về số người mắc Zika được xác định sau khi có kết quả xét nghiệm - Hiện cả nước là 23 trường hợp tập trung ở các tỉnh khu vực Miền Trung – Tây Nguyên và các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ.

Chưa có người nhiễm Zika từ các quốc gia vào Việt Nam, song ca bệnh xuất hiện trong nước ngày càng nhiều

Đáng lo ngại hơn, các kết quả thống kê ca bệnh, điều tra dịch tễ ban đầu xác định, những trường hợp mới mắc bệnh không tập trung tại một vài điểm nhất định mà đang có phạm vi phân bố rộng (hiện có 8 quận được xác định có người mắc Zika). Theo nhận định của các chuyên gia y tế, có thể vi rút gây bệnh đã lưu hành từ lâu trên địa bàn TPHCM nói riêng và các địa phương khác nói chung.

Cùng với dịch Zika, bệnh sốt xuất huyết do loại muỗi Aedes gây ra trên địa bàn thành phố hiện đang ở mức cao. Theo thống kê sơ bộ của Trung tâm Y tế Dự phòng, trong tháng 10 trung bình mỗi tuần có hơn 560 ca mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị. Thực tế trong cộng đồng, số người mắc Zika và mắc sốt xuất huyết có thể còn cao hơn so với con số được thống kê từ các cơ sở điều trị thông qua xét nghiệm.

Trước tình hình trên, GS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế cho hay, để chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng, hạn chế nguy cơ lây lan và khống chế dịch bệnh, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Y tế lập 6 đoàn kiểm tra công tác phòng chống Zika và sốt xuất huyết trên phạm vi 24 quận huyện.

Ngày 1/11, tổ công tác gồm lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố và các đơn vị trực thuộc tại các địa phương có sự người mắc Zika đã thực hiện các bước điều tra dịch tễ, xác định các yếu tố nguy cơ và kiểm tra hoạt động phòng chống dịch bệnh tại địa phương của người dân và y tế cơ sở.

Trước mắt, ngành y tế thành phố đang tăng cường truyền thông phòng dịch cho cộng đồng, tập trung vào nhóm đối tượng phụ nữ có thai, kết hợp hoạt động chẩn đoán, tư vấn cho thai phụ trên cơ sở phối hợp giữa dự phòng với bệnh viện chuyên khoa Sản và Nhi.

Cùng với sốt xuất huyết, Zika là bệnh do muỗi Aedes lây truyền tăng thêm gánh nặng về y tế

Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết thêm, để chủ động phòng ngừa, đẩy lùi cả sốt xuất huyết và dịch Zika, thành phố sẽ triển khai phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại những địa phương có ca bệnh được phát hiện.

Bên cạnh đó, ngành y tế sẽ kết hợp với chính quyền cơ sở vận động người dân tăng cường vệ sinh môi trường, diệt muỗi và lăng quăng. Ngoài ra, để chủ động ngăn chặn sự lây nhiễm của vi rút Zika, ngành y tế thành phố sẽ thực hiện các biện pháp xử lý dịch ngay khi xuất hiện trường hợp nghi ngờ, không cần chờ kết quả xét nghiệm.

Thai phụ không nên quá lo lắng

Vi rút Zika được xác định là nguyên nhân gây ra tật đầu nhỏ cho trẻ khi thai phụ bị nhiễm bệnh trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Việt Nam đã xác định 1 bệnh nhi ngụ tại Đắk Lắk bị dị tật trên. Tuy nhiên, khi đề cập đến căn bệnh này, BS Trần Ngọc Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, khuyến cáo thai phụ không nên quá lo lắng bởi Zika không phải là căn bệnh phổ biến. Ngoài những giải pháp chủ động phòng tránh bị muỗi đốt, những thai phụ gặp phải tình trạng sốt, phát ban... nên đến bệnh viện kiểm tra, điều trị kịp thời.

Để chủ động phòng chống cả dịch Zika và sốt xuất huyết, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố khuyến cáo cộng đồng, chủ động tìm và diệt lăng quăng hàng tuần tại nơi sinh sống và nơi làm việc (trong và ngoài nhà); chủ động diệt muỗi hàng ngày bằng các biện pháp thông thường như bình xịt côn trùng, nhang xua muỗi; thường xuyên ngủ mùng, mặc quần áo dài tay để tránh nguy cơ bị muỗi đốt.

Đối với người trở về từ vùng dịch, người nghi nhiễm bệnh cần chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe của mình; không để bị muỗi chích (trong vòng 14 ngày), thực hiện tình dục an toàn ít nhất 28 ngày theo khuyến cáo của y tế hoặc liên hệ cơ sở y tế để được tư vấn cụ thể.

Vân Sơn

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây