Không ai ngờ loại rau mọc hoang lại có giá trị trường thọ?
- Thứ bảy - 11/11/2017 09:43
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong khi người Trung Quốc rất "chuộng" rau dớn và coi đây là một loại rau trường thọ thì ở Việt Nam, đây là một loại rau mọc hoang và ít có giá trị sử dụng.
Vậy thực hư công dụng của rau dớn như thế nào, các chuyên gia sẽ lý giải rõ điều này.
Trao đổi với PV, PGS.TS.Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, ở góc độ dinh dưỡng, chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh rau dớn có giá trị dinh dưỡng cao hơn các loại rau khác.
“Đây chỉ là một loại rau đơn thuần có chứa vitamin và chất xơ, cung cấp ít năng lượng cho cơ thể”, PGS.TS.Lê Bạch Mai cho hay.
Rau dớn là một vị thuốc quý trong Đông Y, có tác dụng chữa bệnh rất hiệu quả.
Trong khi đó, ở góc độ Đông Y, lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông Y Hà Nội cho biết, rau dớn là một vị thuốc quý trong Đông Y, có tác dụng chữa bệnh rất hiệu quả.
Theo lương y Vũ Quốc Trung rau dớn hay còn có tên gọi là rau cẩu tích. Là cây thân thảo, gần như không thân, cao trung bình khoảng 15 – 30cm, rộng khoảng 15 – 20cm. Cây dương xỉ có nhiều lá mọc thành cụm nhìn rất sum suê. Dương xỉ có lá kép, dài khoảng 20 – 35cm, giống hình chiếc lược, thon nhọn ở đầu; lá non cuộn tròn, có lông. Lá dương xỉ hay được dùng để cắm hoa.
Rau dương xỉ được sử dụng trong đông y để chữa giảm đau cơ xương khớp, đau xương vì trong loại rau này có một số chất có thể ức chế vi khuẩn, giải độc và khử trùng, giảm đau.
Khi thu hái, người ta lấy lá non, ngọn non dùng luộc, nấu canh, xào thịt, làm nộm cũng có thể dùng ăn sống. Còn thân thì được phơi khô sắc lấy nước uống để giảm đau.
Ngoài ra, loại cây này được xem là cây thuốc quý được dùng để chữa thận hư, tiêu chảy, bong gân, tụ máu sai khớp, phong thấp, cầm máu...
Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, cây rau dớn (cẩu tích) có thể kết hợp một số vị thuốc để chữa bệnh.
Thành viên Hội Đông Y Hà Nội giới thiệu một số bài thuốc như sau:
Bài thuốc chữa đau lưng, mỏi gối, di tinh, bạch đới, tiểu són do thận hư:
Thành phần gồm: Cẩu tích 15 – 20g, thục địa 12 – 16g, đỗ trọng 10 – 12g, dây tơ hồng 8 – 10g, sắc với 750ml nước lấy 200ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.
Bài thuốc chữa phong hàn thấp, tay chân nhức mỏi, đau lưng, cử động khó khăn:
Thành phần gồm: Cẩu tích 15 – 20g, rễ cỏ xước 10 – 12g, ý dĩ 12 – 16g, mộc qua 6 – 8g, sắc với 750ml nước còn lại 200ml, chia thuốc từ dương xỉ này làm 2 lần uống trước bữa ăn.
Chữa khí huyết suy yếu, tây chân yếu mỏi, các khớp đau nhức, khó cử động hoặc bại liệt co quắp:
Thành phần gồm: Cẩu tích 15 – 20g, đương quy 10 – 12g, xuyên khung 4 – 6g, tục đoạn 10 – 12g, cốt toái bổ 10 – 12g, tầm gửi cây dâu 12 – 16g, bạch chỉ 4 – 6g.
Lương y Vũ Quốc Trung cũng lưu ý, các bài thuốc này chỉ có giá trị tham khảo, vì vậy mọi người tuyệt đối không được tự ý bốc thuốc mà cần tư vấn từ thầy thuốc, bác sĩ đông y.
Qua kinh nghiệm thực tế, người ta cũng phát hiện ra rằng loại cây này có tác dụng làm thuốc rất hiệu quả.