Hàng trăm bệnh nhân được cứu sống nhờ không... chuyển viện
- Thứ năm - 22/09/2016 21:03
- In ra
- Đóng cửa sổ này
GS Giang cho biết như vậy tại Lễ khánh thành công trình cải tạo trung tâm đào tạo hiện đại hàng đầu Việt Nam đặt tại bệnh viện Việt Đức diễn ra sáng 22/9.
“Ví như trước đây, chấn thương sọ não hầu như tuyến tỉnh không làm được đều phải chuyển bệnh nhân về Hà Nội. Các bệnh viện miền núi, cách Hà Nội 300 - 400km, để chuyển được bệnh nhân chấn thương sọ não về, cơ hội rất khó khăn. Thì nay, với chấn thương sọ não các bệnh viện từ Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh… đều đã xử lý tốt”, GS Giang nói.
Hay như trước đây, đến 80% bệnh nhân bị vỡ tạng (gan, lách, thận…) được chuyển về BV Việt Đức hoặc các bác sĩ tuyến dưới thực hiện mổ ngay khiến nguy cơ biến chứng rất cao. Sau khi được đào tạo, hiện các BV tuyến dưới đã chủ động điều trị nội khoa bảo tồn chấn thương tạng, hạn chế mổ và chuyển tuyến (chỉ còn 5%).
Bên cạnh đó, việc chuyển giao hàng loạt phẫu thuật khó như chấn thương, vết thương mạch máu ngoại vi, mổ máu tụ trong não… cùng việc ứng dụng công nghệ thông tin (Telemedicine) trong hội chẩn từ xa cũng giúp ích hữu hiệu các bác sĩ tuyến dưới.
Tỷ lệ chuyển tuyến giảm rõ rệt đối với một số kỹ thuật ở một số bệnh viện như ở bệnh viện Bắc Giang, kỹ thuật “Tán sỏi niệu quản qua nội soi ngược dòng” trước đây buộc chuyển tuyến 100% thì nay là 0%; Kỹ thuật “Điều trị bảo tồn chấn thương tạng đặc” trước và sau chuyển giao giảm từ 29% xuống còn 0.5%....
“Thành thật, khi mới bắt đầu chuyển giao các kỹ thuật này, chúng tôi không đặt nhiều kỳ vọng đến thế. Nhưng kết quả cho thấy, các bệnh viện tuyến dưới, bệnh viện vệ tinh đã nỗ lực hết sức, giờ bác sĩ bệnh viện vệ tinh triển khai các kỹ thuật này rất thuần thục”, GS Giang nói.
Theo lãnh đạo bệnh viện Việt Đức, Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến vừa được hoàn thành, đạt tiêu chuẩn tương đương các nước phát triển này sẽ giúp các học viên thuộc cơ sở y tế địa phương sẽ có cơ hội cập nhật các kiến thức, kỹ thuật mới nhất trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân.
Hồng Hải