Đau đầu khi tập thể hình, vì sao?
- Thứ bảy - 12/11/2016 06:18
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tập thể hình (tập gym) là để tăng cường sức khỏe, vậy mà không ít trường hợp bị đau đầu trong hoặc sau khi tập thể hình, khiến trạng thái tinh thần họ thêm căng thẳng, lo sợ. Hội chứng đau đầu khi tập thể hình cần được hiểu đúng và có biện pháp phòng ngừa để không ảnh hưởng xấu cho sức khỏe.
Biểu hiện đa dạng của đau đầu khi tập luyện
Triệu chứng đau đầu trong hoặc sau khi tập thể hình có biểu hiện đa dạng như: khi đang tập thì bị đau khắp vùng đầu nửa trên, bị đau nhói từ đoạn sau gáy chạy lên thẳng đỉnh đầu, đau kiểu giật giật theo nhịp của tim đập, ngồi nghỉ 5 phút đỡ dần nhưng tập lại đau hoặc chỉ đau nửa đầu bên trái.
Người tập thể hình cần có giáo án tập phù hợp sức khỏe (ảnh minh họa).
Tập thể hình cũng như các hình thức tập luyện khác mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể. Về cơ bản, thể dục giúp giảm tần suất và cường độ đau đầu nhờ việc giải phóng endorphin và tăng cường lượng máu lưu thông trên não. Tập luyện đều đặn còn tăng chất lượng giấc ngủ và giảm stress - đây là những yếu tố cơ bản cho một trí tuệ sảng khoái và minh mẫn, nâng cao hiệu suất làm việc. Việc đau đầu khi tập thể hình có thể do nhiều nguyên nhân như: tăng lượng máu và ứ trệ máu ở não, tăng CO2 trong máu, tăng acid lactic trong máu, căng cơ ở vùng đầu mặt nhiều, mạch tăng quá nhanh...Trước hết, các bạn cần biết về hai loại đau đầu khi tập luyện:
Đau đầu tiên phát: Thường ít nguy hiểm, nguyên nhân trực tiếp do vận động quá sức. Thường chỉ kéo dài trong 5 phút đến tối đa là 2 ngày.
Đau đầu thứ phát: Rất nguy hiểm, bởi do ảnh hưởng của nguyên nhân bệnh lý khác như: chảy máu, u,... Biểu hiện: giảm thị lực, nhìn mờ, chóng mặt, lơ mơ, mất ý thức, cổ cứng, trạng thái đau kéo dài rất lâu... Đau đầu thứ phát cần được khám và chữa trị khẩn cấp.
Hội chứng đau đầu khi tập luyện gắng sức có nguy hiểm không?
Đối với những bệnh nhân của chứng đau đầu khi tập luyện gắng sức cần chụp cộng hưởng từ để loại bỏ dị thường, thương tích và xuất huyết vỏ não.
Để xác định nguyên nhân gây đau đầu khi tập thể hình, bước đầu tiên là nhờ sự tư vấn của bác sĩ để tìm ra các bệnh lý. Nếu không phải, hãy chú ý đến chế độ dinh dưỡng của bạn. Bạn có ăn hay uống trước buổi tập để tăng lượng đường trong máu hay tránh tình trạng mất nước không? Sau khi loại trừ các nguyên nhân trên thì nhiều khả năng nguyên nhân thực tại đa phần chứng đau đầu khi tập thể hình đều do đau đầu tiên phát, tập luyện quá sức, tập các bài tập không phù hợp thể lực hoặc do giáo án tập luyện quá nặng, gây áp lực cho chính người tập...
Chứng đau đầu do tập luyện gắng sức thường xảy ra trong hoặc sau khi tập những động tác đòi hỏi sử dụng sức lực rất lớn từ nhiều cơ bắp như: tập tạ nặng, hít xà, nâng đẩy... thực hiện động tác khi gần đến ngưỡng thất bại hoặc thất bại. Cơn đau thường xuất hiện ở vùng não phía sau đầu. Điều này có thể hiểu như sau: khi tập luyện gắng sức quá độ, nhịp tim sẽ rất nhanh, đi cùng với đó là huyết áp tăng. Các mạch máu trong não bị giãn nở hơn mức bình thường và gây áp lực lên màng não, vỏ não, tạo nên các cơn đau đầu. Khi nghỉ ngơi, nhịp tim và huyết áp giảm làm cơn đau giảm theo, nhưng vẫn còn đau âm ỉ do não rất nhạy cảm. Nếu bạn lại tiếp tục tập luyện ngay sau đó, cơn đau sẽ lại ập đến và có thể nặng hơn. Cũng có trường hợp đau đầu không phải do tập quá sức mà nguyên nhân chính là việc hít thở quá nhanh dẫn đến co thắt mạch máu - là nguyên nhân gây sự phản ứng giãn nở của mạch máu và kết quả là các cơn đau tiền đình. Loại đau đầu này đặc trưng bởi các cơn đau dữ dội ở một bên đầu và kéo dài từ 4 đến 6 giờ. Thêm vào đó, chứng này thường xuất hiện sau các hoạt động ưa khí và tần suất sẽ cao hơn nữa khi thời tiết nóng.
Chứng đau đầu khi tập luyện gắng sức còn có thể bị cộng hưởng bởi các yếu tố như:
Cổ đang ở tư thế không thuận lợi: điều này dễ xảy ra ở các trường hợp bị đau khi đang thực hiện động tác hít xà, cổ ngửa ra sau quá nhiều, dẫn đến chèn ép động mạch máu lên não, kết hợp với những động tác gắng sức quá nên cơn đau xuất hiện.
Cơ thể bị thiếu nước khi tập luyện: làm máu đặc hơn, lưu thông kém hơn, máu khó đưa lên não nên dễ gây ra các cơn đau đầu.
Giữ hơi quá lâu khi tập: như ở động tác đẩy ngực, bạn để tạ đi xuống, hít vào và bắt đầu giữ hơi từ điểm thấp nhất của tạ. Khi đẩy tạ lên đến điểm cao nhất mới bắt đầu thở ra. Đây gọi là giữ hơi, khi giữ hơi lâu dễ làm huyết áp tăng đột biến gây đau đầu. Đặc biệt, huyết áp tăng vọt sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe, nên khi tập thể hình mọi người cần lưu ý điều chỉnh trạng thái cơ thể cho phù hợp.
Tập luyện ở nơi nóng bức, không thoáng khí, thiếu ôxy, ẩm thấp: cũng là một nguyên nhân thúc đẩy hội chứng đau đầu do các hoạt động thể chất.
Cách phòng tránh cơn đau đầu khi tập luyện
Khi bị đau đầu do tập luyện, dù nguyên nhân nào đi nữa, điều đó cũng cho thấy cách tập hiện giờ của bạn là không đúng và không an toàn. Bạn nên kiểm tra sức khỏe tổng quát trước khi tập để đảm bảo mình hoàn toàn khỏe mạnh để chịu được môn thể thao gắng sức và tìm đến một huấn luyện viên thể hình hướng dẫn bạn các bước tập ban đầu, phù hợp với sức khỏe của bạn. Tập luyện với tư thế chuẩn, kể cả chi tiết nhỏ nhất. Đây cũng là lý do vì sao khi tập tạ hay hít xà không nên để đầu ngẩng lên quá cao. Không để nhịp tim tăng nhanh đột biến và vượt quá mức mình có thể cảm nhận được là an toàn. Luôn uống đủ nước khi tập luyện, ngủ đủ giấc, ăn uống đủ chất. Đừng quên cả việc uống nước trong cả ngày, tuyệt đối không để cảm thấy khát. Không giữ hơi khi tập: co cơ thì thở ra, giãn cơ thì hít vào. Nên tập các bài tập có tác dụng tăng sức khỏe cho hệ tim mạch. Không lao vào tập gắng sức liên miên mà nên đan xen các khoảng nghỉ. Nguyên tắc là chỉ tập hiệp tiếp theo khi nhịp tim, hơi thở và huyết áp đã trở lại ổn định. Tập luyện ở những nơi thoáng khí, cố gắng ra ngoài hít thở thật nhiều ôxy nếu bạn đang phải tập ở nơi thiếu ôxy. Nếu ngày hôm đó tập luyện mà bạn bị cơn đau đầu do gắng sức hãy dừng việc tập luyện ngay lập tức và nghỉ ngơi trong ít nhất 1 tuần. Việc vội vàng lao vào tập luyện có thể làm các cơn đau đầu trầm trọng thêm. Nên đi khám bác sĩ ngay nếu thấy các dấu hiệu đau ngày một tăng dần.
Theo BS. Nguyễn Đức Hùng
Sức khỏe & Đời sống