Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


“Đại chiến” với kiến ba khoang

Cuối tháng 9, đầu tháng 10 đến nay, kiến ba khoang xuất hiện nhiều, ồ ạt, khiến cho tình trạng người dân bị độc do kiến ba khoang tăng lên nhanh chóng so với các tháng khác trong năm. Bệnh viện Da liễu Trung ương, ngày cao điểm có tới hàng trăm bệnh nhân đến khám và điều trị các triệu chứng viêm da do độc tố của kiến ba khoang gây ra.

Cả gia đình nhập viện vì kiến ba khoang

Tại Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Da liễu T.Ư, không khó để tìm được một bệnh nhân bị lở loét, phồng rộp khắp người vì kiến ba khoang. Ngồi chờ khám, anh Nguyễn Văn H (Phú Thọ) nhăn nhó cho biết, mình đang vô cùng khó chịu, đau rát; hiện căn phòng anh đang ở dầy đặc kiến ba khoang, anh cứ xịt hóa chất chết loạt này thì lại xuất hiện loạt khác. Một bác sĩ tại khoa khám bệnh chia sẻ: “Kết thúc buổi làm việc hôm nay của mình là ca 3 người trong một gia đình nhập viện vì kiến ba khoang. Bố mẹ và con khắp người đều bị phồng rộp lên. Đứa bé cứ khóc nấc vì đau đớn. Vì họ không biết nên sờ vào vết thương, tay lại chạm vào chỗ da lành nên bị lây lan ra rất nhanh”.

Anh Phạm Tuấn A (Hà Đông - Hà Nội) bị độc kiến ba khoang với tổn thương rất nặng. Vết thương lan rộng, ban đầu chỉ phỏng lên như vết bỏng, sau thì có mủ, loét trắng ra, trông rất sợ. Anh Tuấn A chia sẻ: “Khi nhập viện, người thân của tôi bàng hoàng, lo lắng vì nghĩ tôi mắc các bệnh xã hội do ăn chơi, đua đòi. Nghe các bác sĩ nói đến trúng độc kiến ba khoang, cả nhà ai cũng thấy lạ lẫm, thắc mắc tại sao con kiến bé nhỏ như thế mà gây tổn thương rộng như vậy. Thực sự là đau rát khủng khiếp, như bị bỏng vậy”.

Kiến ba khoang hay kiến khoang là loài côn trùng có thân mình thon dài, hai màu đỏ và đen tạo thành các khoang đen - vàng cam xen kẽ. Trong dân gian, chúng có rất nhiều tên gọi khác nhau như kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong đít.

Kiến ba khoang xuất hiện nhiều vào đầu mùa mưa và rất thích ánh sáng đèn ban đêm. Sau những cơn mưa, nước ngập không còn nơi cư trú, chúng bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào khăn mặt, quần áo, giường chiếu chăn màn. Mặc dù là loại côn trùng có ích cho nông nghiệp, nhưng kiến ba khoang đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân.

Trường hợp anh Hà Mạnh Y nhập viện do kiến ba khoang còn vì một lý do khác: “Tôi bị nặng thế này là do tự mua thuốc chữa trị tại nhà. Khi đến hiệu thuốc, người ta nhầm vết thương do kiến ba khoang thành bệnh zona thần kinh, nên bôi thuốc rồi mà vẫn không khỏi, tình trạng càng nặng nề hơn”.

Kiến ba khoang chứa chất cực độc

TS-BS Lê Hữu Doanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: “Hiện đang vào mùa kiến ba khoang nên lượng bệnh nhân nhập viện vì độc tăng mạnh. Có ngày chúng tôi tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân. Người lớn nhập viện nhiều, do họ chưa hiểu biết về loài kiến này. Họ thường lỡ tay đập chết, chà xát hoặc dí chết con kiến nên mới bị trúng phải chất độc của con kiến. Trẻ em dính độc kiến ba khoang là do các cháu nghịch, có cháu nhỏ vào viện còn khoe cháu giết được mấy con kiến. Sau đó, các cháu quệt tay linh tinh khắp cơ thể, có khi lên cả mắt. Tay quệt đến đâu thì tổn thương lan tới đó. Nhẹ thì phồng rộp cực kỳ khó chịu, nặng thì máu mủ, loét, phù nề, gây sốt, thậm chí hoại tử”.

Theo BS Doanh, hiện nay hiểu biết của người dân về kiến ba khoang vẫn còn rất hạn chế. “Chúng tôi đã từng tiếp nhận 1 bệnh nhân suýt bị hoại tử cơ quan sinh dục. Anh này bị mụn rộp ở cơ quan sinh dục, cứ nghĩ là “lấy độc trị độc” nên đã nghiền nát con kiến ba khoang ra rồi bôi vào chỗ mụn rộp. Ngay sau đó, toàn bộ cơ quan sinh dục bị tổn thương nặng nề, nếu không nhập viện kịp thời thì hậu quả khó lường”- BS Doanh chia sẻ.

Các chuyên gia tư vấn, những trường hợp bị kiến ba khoang cắn, lỡ tay đập chết, chà xát trên da thì cần nhanh chóng rửa ngay bằng nước sạch với xàphòng tại phần da nghi ngờ bị độc chất pederin xâm nhập; có thể rửa bằng thuốc tím sát trùng. Nếu chỗ da bị viêm chuyển sang tổn thương loét, cần đắp gạc sạch, ướt, mát, vô trùng; có thể xoa thêm dung dịch calamin totion hay kem xoa corticoides ở vết loét. Khi có bội nhiễm với các bọng nước dưới da, có thể dùng phối hợp với kháng sinh. Triệu chứng viêm da sẽ khỏi trong vòng từ 2 - 3 tuần. Trong những trường hợp cần thiết, nên đi khám chuyên khoa da liễu và sử dụng thuốc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Cũng theo các chuyên gia, trong cơ thể của kiến ba khoang có chứa pederin, có độc tính gấp 12-15 lần nọc rắn hổ… Nhưng may mắn là tuy độc tính cao, nhưng với lượng tiếp xúc nhỏ và ngoài da nên không đủ để gây chết người như nọc rắn.

Nếu biết rõ các đặc điểm sinh lý, sinh thái của loại kiến ba khoang, người dân khoan lo sợ, đừng hoang mang để chủ động áp dụng các biện pháp phòng tránh hiệu quả như dùng cửa lưới chống muỗi và các loại côn trùng. “Trong mùa kiến ba khoang và các loại côn trùng khác phát triển vào thời điểm cuối mùa hè, trong mùa thu; sinh hoạt gia đình nên hạn chế bớt ánh đèn điện thắp sáng, tắt bớt đèn điện; thường xuyên vệ sinh, quét dọn nhà cửa, đồ dùng sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp. Khuyên trẻ em chơi buổi tối tránh xa chỗ có nhiều ánh sáng đèn điện. Nếu phát hiện thấy kiến ba khoang đậu bám trên người nên thổi nhẹ cho chúng bay đi, không nên đập chết và chà xát mạnh trên da vì độc tố pederin trên cơ thể kiến có thể xuyên thấm, xâm nhập qua da gây bệnh”- BS Doanh khuyến cáo.

Theo Thùy Linh

Lao động

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây