Con viêm phổi vì mẹ rửa mũi nhầm nước cồn
- Thứ ba - 23/08/2016 15:49
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngay khi phát hiện sự nhầm lẫn này, mẹ cháu Đ.G.P (1 tuổi, Hà Nội) đã lập tức rửa mũi bằng nước sạch nhiều lần cho con. Nhưng sau thấy con quấy khóc nhiều, ho nhiều, gia đình đã đưa vào khoa Nhi (BV Bạch Mai) hôm 17/8.
Bác sĩ điều trị cho biết, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng ho sặc sụa, mũi chảy nhầy trắng, quấy khóc liên tục, hai niêm mạc mũi đỏ. Bệnh nhi cũng được xác định viêm phổi phải nhập viện điều trị.
Mẹ bệnh nhi cho biết, xảy ra nhầm lẫn đáng tiếc vì chị vội rửa mũi cho con trước giờ đi ngủ. Hơn nữa, bình thường chai cồn không bao giờ xuất hiện ở trên bàn cạnh chai nước muối nên chị chủ quan, lấy khoảng 20ml bơm vào mũi con.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, việc rửa mũi bằng cồn có thể gây bỏng, kích thích niêm mạc mũi làm nước mũi chảy nhiều hơn. Nặng hơn, nếu hít phải nhiều có thể dẫn đến ngộ độc cồn, viêm phổi. Bởi cồn 90 độ rất nóng, trong khi niêm mạc mũi của trẻ rất mỏng.
Trung bình mỗi năm khoa Nhi tiếp nhận khoảng 10 trường hợp bị nhỏ nhầm cồn nhầm lẫn đáng tiếc như trường hợp trên.
BS Nguyễn Thành Nam, phụ trách khoa Nhi (BV Bạch Mai) cũng khuyến cáo các bà mẹ thận trọng khi rửa mũi cho trẻ, bởi cồn, nước ép tỏi đặc đều có thể gây nóng rát, bỏng niêm mạc mũi hay nhiệt độ dung dịch nhỏ quá nóng hay lạnh sẽ gây co thắt niêm mạc, mạch máu, thậm chí gây bỏng niêm mạc mũi nếu quá nóng.
Và chỉ nên rửa mũi, nhỏ mũi khi trẻ bị ngạt mũi, viêm mũi, có nước mũi trong... và nên kiểm tra, ngâm 1-2 phút trong nước ấm 35 - 40 độ để làm tan giá (mùa đông) và chỉ nhỏ 1/3 -1 lọ nước muối ấm vào mỗi bên mũi theo độ tuổi. Sau đó dùng dụng cụ hút mũi hút sạch nước muối ra. Lặp lại lần nữa rồi mới nên nhỏ các loại thuốc trị sổ mũi, ngạt mũi theo chỉ định của bác sĩ.
Không rửa mũi thường xuyên khi mũi bình thường không viêm vì sẽ làm mất đi lớp thảm nhầy bảo vệ mũi vốn có, gây tổn thương niêm mạc mũi, khiến mũi dễ viêm hơn.
Hồng Hải