Con lệch lạc giới tính – lỗi tại bố mẹ?
- Thứ hai - 03/10/2016 21:58
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Con bỗng dưng buồn bã, chán học
Trả lời nhiều thắc mắc của các bố mẹ về tình trạng con bỗng dưng chán nản, buồn bã, lơ là việc học hành, TS Vũ Thu Hương - giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ: Con trẻ, nhất là các bé gái khi bước vào tuổi dậy thì thường hay có tâm trạng chán nản, không thoải mái. Có bé gái khi phát hiện ra là mình đang dậy thì đã rất lo sợ, khủng hoảng, thiếu kiến thức, thậm chí có nhiều cháu còn nghĩ mình bị bệnh ung thư khi lần đầu tiên có kinh nguyệt.
TS Hương tư vấn cho một ông bố “gà trống nuôi con”: “Anh nên biết là con gái tuổi 13 thì thường gặp rất nhiều vấn đề với bạn trai, anh có thể khuyên con dưới góc độ là một người đi tán các bạn gái. Anh có thể nói với con rằng ngày xưa bố cũng rất thích những cô như thế này, khi đó con sẽ lắng nghe và cũng sẽ tiếp thu được chứ không nhất định phải là mẹ, vì mẹ cũng chưa chắc nói hay bằng bố”.
Con chểnh mảng việc học hành dẫn đến kết quả học tập sa sút đã khiến nhiều bố mẹ “nổi điên”. TS Hương bật mí cách bố mẹ xoay chuyển tình thế. Điều đầu tiên bố mẹ cần nói với con khi con làm bài kiểm tra không được tốt là điểm không phải là vấn đề. Vấn đề là phải cho con biết rằng con vẫn đang thiếu một số thứ và con cần phải bổ sung những thứ đó. Bố mẹ sẽ không quan tâm lắm đến điểm nếu như điểm số hàng ngày con cải thiện dần dần. Như vậy đầu tiên con sẽ không cảm thấy áp lực khi bị điểm kém. Bố mẹ cần biết là bây giờ con học rất nhiều môn, nên bố mẹ cần cùng với con sắp xếp thời gian biểu hợp lý.
Vấn đề giới tính của trẻ là đề tài mà nhiều ông bố, bà mẹ lo lắng. Có mẹ có cô con gái 15 tuổi phát hiện con thay đổi cách ăn mặc giống con trai, cắt tóc ngắn... đã nghĩ con mình bị lệch lạc giới tính. Nói về chuyện này, TS Vũ Thu Hương cho rằng: Các bố mẹ cần quan tâm đến giới tính của con từ lúc con còn rất bé, nếu đợi đến lúc con có một chút biểu hiện gì đấy thì đã là hơi muộn rồi.
Ngay cả khi đang mang thai, nếu bà mẹ mặc định đó là con trai thì khi em bé sinh ra nếu là con gái thì đã có một chút nam tính rồi, tức là tâm lý của người mẹ lúc mang bầu cũng làm ảnh hưởng chứ không chỉ trong quá trình nuôi dưỡng con. Tâm lý của người mẹ rất quan trọng, chỉ cần chúng ta lơ là vấn đề giới tính của con thì con dễ có thể có những xu hướng không tốt.
TS Hương lấy dẫn chứng từ chính mình: “Ngay chính bản thân tôi thời điểm mang bầu là con gái thì lúc đó tôi cũng khao khát có con trai vì bố cháu là con trưởng, và khi sinh ra thì con gái tôi rất giống một cậu con trai và sau đó tôi nhận ra sai lầm của mình ngay lập tức. Và lúc đó mặc dù mọi người phản đối nhưng tôi vẫn buộc tóc và cho cháu mặc váy suốt ngày, cư xử với cháu hoàn toàn là một cô bé gái, chỉ cần thấy con thích một chút với những đồ chơi nam tính thì tôi cũng cố gắng để đồ chơi nam tính đó có tính gì đó của nữ, ví dụ cháu thích súng thì tôi sẽ mua súng màu hồng, cố gắng kéo con về đúng giới tính của mình.
Suốt một thời gian dài như vậy thì con sẽ có những điều chỉnh về đúng giới tính của mình và ngay khi nói chuyện với con thì cũng lựa chọn cách nói ví dụ như “con gái con đứa mà như thế à”, “đàn ông thì phải thế này”... đấy là những câu điều chỉnh để cho đứa trẻ về đúng giới tính của mình.
Với tuổi teen, bố mẹ phải gần gũi con, phải làm bạn với con, chia sẻ với con, tìm hiểu cặn kẽ từng vấn đề của con vì các cháu nhiều khi chỉ thích một bạn trai mà bạn ấy không thích thì cảm thấy chán thế giới đàn ông và quay sang thích phụ nữ. Nếu chúng ta không biết con có những chấn động tâm lý như thế thì con dễ rơi vào trạng thái khủng hoảng. Vì thế cha mẹ phải nắm rõ những vấn đề tâm lý của con, đừng để khi có hậu quả rồi mới xử lý thì sẽ không kịp nữa.
Rất nhiều bố mẹ thấy con có biểu hiện lệch lạc giới tính vội đưa con đến cơ sở y tế để kiểm tra đã khiến con bị sang chấn tâm lý, thậm chí có thể nổi loạn. Chỉ khi chúng ta thấy con có những vấn đề lệch lạc thực sự thì hãy nên tham vấn y tế vì đây là vấn đề hết sức nhạy cảm.
Bố mẹ bao bọc, con thiếu kỹ năng sống
Câu chuyện đau lòng xảy ra với cháu bé bị tấm tôn cứa vào cổ tử vong là điển hình của việc trẻ thiếu kỹ năng sống. TS Vũ Thu Hương phân tích: Thứ nhất em bé này cũng có một phần lỗi là đã đùa nghịch trên đường, từ đây chúng ta cần dạy con là trên đường phố không được phép đùa nghịch. Thứ hai là chúng ta cần xem tại sao đứa bé lại đùa nghịch, đó là bởi thời gian các con được tập thể thao quá ít trong khi các con tích trữ năng lượng do được bố mẹ nhồi ăn quá nhiều. Ngồi học thì ngồi tĩnh nên các con không xả hết năng lượng ra được, con phải tìm mọi cách để xả năng lượng đó ra.
Các con vận động quá ít thì chắc chắn sẽ đến lúc các con nghịch dại, cho dù bố mẹ có dặn bao nhiêu nhưng đứa trẻ sẽ vẫn nghịch dại khi thừa năng lượng. Bố mẹ cần theo dõi thời gian biểu của các con, cho con vận động để xả bớt năng lượng.
Một điều nữa là bố mẹ và nhà trường cần phải dạy con các nguyên tắc an toàn. Đây là những kỹ năng đầu tiên mà các phụ huynh cần phải dạy con là các con có thể chơi ở bất cứ đâu nhưng phải tránh những chỗ hiểm nguy. Bố mẹ cũng cần dạy con cách ứng xử khi gặp tình huống nguy hiểm.
Khi xe mất phanh thì trước tiên phải nhảy ngay sang bên đường và khi nhảy phải quan sát phía ta nhảy có vướng cái gì hay không. Hoặc khi gặp đám cháy thì các con phải quan sát xem cháy ở đâu, lửa ở chỗ nào, khói ở chỗ nào để chúng ta tránh.
Các bậc cha mẹ không quá lo lắng vì chính sự lo lắng đó sẽ tạo cảm giác rụt rè cho con và chính điều này có thể gây tai nạn cho con. Tốt nhất hãy trang bị cho con những kiến thức để con thoải mái hơn khi ở trường học và chủ động ứng phó khi xảy ra những tình huống nguy hiểm. Trái lại với suy nghĩ của rất nhiều phụ huynh là mình cần bao bọc con thì con không xảy ra tai nạn, chúng ta không thể bao bọc con cả đời được và chúng ta bỏ con ra lúc nào là con gặp tai nạn lúc đó nếu như chúng ta không trang bị cho con những kỹ năng.
Chính vì vậy tôi rất muốn kiến nghị với Bộ Giáo dục – Đào tạo, khi chúng ta cho con vào lớp 1, thay vì kiểm tra kiến thức thì chúng ta cần kiểm tra kỹ năng của các con mà kỹ năng quan trọng nhất là kỹ năng thoát hiểm và phòng tránh tai họa.
PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng bộ môn Nhi trường Đại học Y Hà Nội cảnh báo: Cứ vào năm học mới, vấn đề dịch bệnh lại nổi trội lên. Các bệnh viện nhi, các phòng khám nhi thời điểm này rất đông bệnh nhân. Đây là vấn đề đã xảy ra hàng năm nay. Chúng ta biết rằng tháng khai giảng là vào tháng 9 hàng năm, thời điểm thời tiết chuyển sang mùa thu, nhiệt độ thay đổi trong ngày, sáng thì mát lạnh, trưa lại nắng nóng... khiến các mầm bệnh, các đường lây nhiễm bệnh phát triển.
Bên cạnh đó, khi quay lại trường học, các em nhỏ, thay vì chỉ tiếp xúc với gia đình với quy mô vài người, thì nay phải tiếp xúc với rất đông trẻ em khác, tiếp xúc qua đường không khí, tay chân... khiến đường lây nhiễm gia tăng. Ngày nay, do cuộc sống bận rộn nên bố mẹ thường để các con đi học theo hình thức bán trú, trong khi đó trường học của chúng ta hiện nay có mật độ khá đông đúc, do đó các đường lây nhiễm dễ hình thành, cộng thêm yếu tố thời tiết, dẫn tới tình trạng tỉ lệ trẻ em mắc bệnh có chiều hướng gia tăng vào năm học mới.
Theo Ngọc Anh
Sức khỏe & Đời sống