Chuyên gia chỉ cách “cai nghiện” Facebook để không... nhập viện tâm thần
- Thứ hai - 09/10/2017 15:15
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ảnh minh họa
Nguy hiểm khi bồn chồn, khó chịu nếu không vào được Facebook
Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) vừa công bố hiện tượng nhiều bạn trẻ phải vào đây để chữa trị bệnh “nghiện” Facebook. Tình trạng nghiện mạng xã hội đã phát triển trong một bộ phận của giới trẻ, thường ở lứa tuổi như học sinh, sinh viên. Nhiều người coi Facebook là một thế giới mê hoặc hơn cả cuộc đời thực, là thói quen không thể từ bỏ và chiếm hữu rất nhiều thời gian trong ngày.
Hội chứng “nghiện” Facebook đang trở thành thực trạng đáng báo động, nhưng ít người đủ tỉnh táo để phát hiện tác hại của nó. Các dấu hiệu nghiện Facebook hay gặp là:
Chờ “like” trên Facebook: Nhiều người cảm thấy bị thua cuộc, bị lãng quên, tự ti… dần dần sinh ra trầm cảm, mất ăn, mất ngủ vì ít like trên Facebook.
Câu like bằng những trò sốc trên Facebook: Đưa những thông tin, hình ảnh riêng tư, gây sốc lên Facebook nên bị “ném đá”, trêu chọc, hậu quả khôn lường. Thậm chí muốn “nổi tiếng” trong thế giới ảo đã có phát ngôn gây sốc, chụp ảnh nude, mặc đồ mát mẻ… để “câu like”.
Nghiện “chụp ảnh tự sướng” và đăng tải quá nhiều: Sở thích chụp ảnh “tự sướng” có thể dẫn đến rối loạn trí óc.
Nếu thấy người thân trở nên lầm lỳ, hay cáu gắt, không thích giao tiếp với mọi người, mắt hay nhìn xuống, bàn tay bị chai thì nên đến các cơ sở về sức khỏe tâm thần để điều trị sớm, cắt nghiện Facebook.
Khi nào cần đưa đến viện?
Theo TS.BS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), hiện nay chưa có mã bệnh nghiện Facebook, chưa có thuốc “đặc trị” hiệu quả. Bác sĩ chỉ dùng thuốc khi bệnh nhân có các dấu hiệu nghiêm trọng của nghiện Facebook, gây mất ngủ, trầm cảm…
Cũng chưa có mốc thời gian cụ thể về tần suất sử dụng Facebook, nhưng đã có các chỉ báo nên ngừng lại là: Khi không có mạng để vào Facebook hoặc bị cấm mà cảm thấy bồn chồn, khó chịu: Hoặc vào Facebook mọi lúc, mọi nơi kể cả khi đang làm việc, đang học… làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc, học tập…
Nếu thấy người thân có các dấu hiệu sau thì nên đưa đến bệnh viện tâm thần để kiểm tra.
1. Cố gắng cắt giảm việc sử dụng Facebook mà không thành công, cảm thấy sự thúc giục ngày càng nhiều.
2. Hay bồn chồn, hoặc gặp rắc rối nếu không có mạng hoặc bị ngăn cản, cấm sử dụng Facebook.
3. Dùng Facebook rất nhiều, như có một tác động tiêu cực đến chất lượng công việc/học tập.
4. Mất ngủ, buồn chán, lầm lì, hay cáu gắt, không thích giao tiếp với mọi người, luôn cảm thấy cô đơn, mắt hay nhìn xuống, bàn tay chai…
Theo hướng dẫn của Tổng đài tư vấn của Công ty Tư vấn tâm lý Thành Đạt (19006222), nếu đã trót là “con nghiện” muốn “cắt cơn” cần:
- Tự liệt kê xem “nghiện” Facebook gây hậu quả gì? Nếu không bị “nghiện” sẽ đạt được những kết quả gì trong học hành, cuộc sống?
- Khóa tài khoản tạm thời: Hãy đặt một mật mã thật khó nhớ, ghi ra giấy để vào phong bì dán kín, nhờ người thân giữ hộ. 1 tháng sau mới hãy lấy lại pass đó.
- Công bố ngừng dùng facebook. Bạn bè sẽ giám sát để vi phạm là bị nhắc nhở.
- Điều chỉnh giờ giấc: Mỗi ngày chỉ vào facebook một giờ với thời lượng cố định và luôn “đăng xuất” tự kiểm soát mình.
- Xóa ứng dụng truy cập mạng xã hội trên các thiết bị riêng, kể cả điện thoại di động cũng không cho phép truy cập Internet.
- Tham gia các hoạt động xã hội ngoài đời nhiều hơn.
Chống nghiện Face
Để chống nghiện Face, gia đình cần chú ý đến việc chơi - sử dụng điện thoại, máy tính của người thân, nhất là con trẻ. Theo tư vấn của Tổng đài 1900636070, hãy làm Facebook trở thành một công cụ hữu ích, chứ không phải là một cỗ máy tàn phá thời gian, sức khỏe và tiền bạc của con người. Khi cai nghiện face hãy luôn nghĩ tới các lợi ích như sau:
- Bù đắp cái “thiếu thiếu” không có face bằng hoạt động đời thực như thể thao, đọc sách, học kỹ năng, chăm sóc gia đình, gặp gỡ bạn bè… để cảm nhận những thú vị cuộc sống mà không phải thường xuyên vào facebook.
- Có thêm thời gian để ngủ thay vì lướt Facebook vào buổi tối; Đọc sách thay vì kiểm tra Instagram;
Ngoài ra các sinh viên còn truyền nhau cách cai Facebook như sau:
Tắt máy tính: Ra ngoài đời gặp gỡ trực tiếp mọi người, tập thể dục, tìm sở thích riêng, học thứ mình thích… sẽ thấy thế giới có nhiều điều thú vị để khám phá hơn Facebook.
Gián tiếp ngắt kết nối: Xóa trình duyệt trên điện thoại, sử dụng dịch vụ mạng (Internet và di động) chặn Facebook… sẽ hạn chế đăng nhập thường xuyên (không hữu hiệu với “nghiện nặng”).
Hạn chế tương tác: Không “like”, hoặc comment khi không cần thiết. Giảm trò chuyện, tham gia hội thoại, bình luận tán gẫu, phán xét các bức ảnh để không “canh” phản hồi. Như thế bạn bè sẽ “bỏ quên” FB của bạn và “cai FB” dễ hơn.
Dùng các phần mềm ứng dụng khác như xem “bói vui”, trắc nghiệm, đọc báo điện tử, tìm web hay để khám phá cuộc sống.
Tuyệt đối không tham gia “Hội những người cai nghiện FB nhưng thất bại”.
Dùng Facebook đúng cách sẽ là thế giới vô cùng thú vị. Hãy dùng nó như một quán trà chanh online, một môi trường học tập. Chính bản thân phải nỗ lực, kiên quyết từ bỏ nghiện Facebook, vì nếu không kiểm soát được việc dùng facebook thì làm sao kiểm soát cả cuộc đời mình.
Tác hại của nghiện Facebook: - Dành quá nhiều thời gian sống với Facebook, làm ảnh hưởng đến các hoạt động khác trong cuộc sống (như làm việc, học hành, các quan hệ với gia đình, bạn bè, xã hội trong cuộc sống thật… - Việc “cắm mặt” vào điện thoại, máy tính với những giao tiếp ảo làm cho thế giới của nhiều người thu hẹp, thời gian dành cho thế giới ảo càng nhiều bao nhiêu, thì thời gian giao tiếp cho thế giới thật bị cắt xén bấy nhiêu. - Người nghiện Facebook nếu không được chơi sẽ bồn chồn, bứt rứt và tìm mọi cách để chơi mới cảm thấy an tâm. Càng tốn thời gian với Facebook và các mạng xã hội thì nguy cơ trầm cảm càng cao. - Nghiện Facebook dẫn đến mất ngủ, nghèo nàn các kỹ năng xã hội, giảm sút các mối quan hệ thật, hiệu suất công việc/học tập giảm; có thể dẫn đến sử dụng ma túy… Ở mức độ nặng, nghiện Facebook có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh (bệnh nhân tự sát) hoặc những người xung quanh (gây hại người khác trước khi tự sát). Nếu mọi người cứ say sưa với Facebook chẳng mấy chốc phải nhờ can thiệp của y tế và buộc phải vào viện tâm thần điều trị. Hiện Viện Tâm thần Trung ương có rất nhiều người tới khám và điều trị tâm thần do nghiện Internet, Facebook… (Nguồn: Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) |
TS.BS.Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần chia sẻ ca bệnh nhập viện tâm thần do nghiện facebook.