Cảnh giác với viêm gan do nước tăng lực
- Thứ hai - 07/11/2016 14:55
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tại Mỹ, đối tượng sử dụng nước tăng lực nhiều nhất là nam thanh niên từ 18-34 tuổi. Gần 1/3 số thiếu niên từ 12-17 tuổi thường xuyên uống nước tăng lực, theo Trung tâm Quốc gia về Chế phẩm bổ sung và Sức khỏe lồng ghép Mỹ (NCCIH).
TỪ 2007-2011, số ca cấp cứu liên quan đến nước tăng lực đã tăng gấp đôi ở Mỹ. Mối lo ngại chủ yếu là uống nước tăng lực cùng với rượu bia, dẫn đến quá say.
Trong thành phần của nước tăng lực, caffein và đường bị coi là mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe người dùng. Tuy nhiên, theo một báo cáo mới đây, có thể còn có một thành phần khác trong nước tăng lực gây tổn thương gan.
Người đàn ông uống 4-5 lon nước tăng lực một ngày trong 3 tuần
Trường hợp mới nhất - theo báo cáo của TS Jennifer Nicole Harb, Đại học Y Florida - được công bố trên tạp chí BMJ Case Reports.
Bệnh nhân trước đó hoàn toàn khỏe mạnh, không có thay đổi gì trong chế độ ăn hoặc uống rượu, cũng không dùng bất cứ thuốc có hoặc không kê đơn nào. Bệnh nhân không sử dụng ma túy và không có tiền sử bệnh gan trong gia đình.
Tuy nhiên, trong 3 tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân đã bắt đầu uống nước tăng lực để theo kịp khối lượng công việc nặng nề của mình là một công nhân xây dựng.
Sau 3 tuần, bệnh nhân bắt đầu phát triển các triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn, đau bụng cấp tính, buồn nôn và nôn. Tình trạng trở nên báo động khi các triệu chứng kèm theo với vàng da và nước tiểu sẫm màu.
Thừa niacin là thủ phạm gây viêm gan cấp
Sau khi kiểm tra, các bác sĩ thấy số lượng các enzym transaminase tăng lên, chỉ ra tổn thương gan. Sinh thiết gan cho thấy viêm gan cấp, và các bác sĩ cũng tìm thấy bằng chứng của nhiễm viêm gan C mạn tính.
"Mặc dù bệnh nhân có nhiễm HCV, chúng tôi đã không nghĩ rằng HCV là nguyên nhân gây viêm gan cấp ở bệnh nhân", báo cáo cho biết.
Các bác sĩ giải thích tiếp rằng viêm gan cấp tính trong trường hợp này rất có thể là do thừa vitamin B3, còn gọi là niacin.
Bệnh nhân đã tiêu thụ khoảng 160-200 mg niacin mỗi ngày, gấp đôi liều khuyến cáo hàng ngày.
Mặc dù lẽ ra liều niacin này không gây độc, song nó giống với báo cáo về một trường hợp khác duy nhất mà nước tăng lực liên quan đến viêm gan. Trong đó, bệnh nhân nữ đã tiêu thụ 300 mg niacin/ngày, liều thấp nhất gây ngộ độc niacin vào thời điểm ấy.
Trong trường hợp của bệnh nhân nam mới đây, các triệu chứng đã hết sau 3 ngày nằm viện được theo dõi và điều trị cẩn thận.
Bệnh nhân đã thôi không uống nước tăng lực và được khuyên là nên tránh bất kỳ sản phẩm tương tự nào có chứa vitamin B3.
Trước đó, có một trường hợp khác là một người phụ nữ 22 tuổi bị viêm gan cấp do uống quá nhiều nước tăng lực.
Các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng và nhiễm độc gan
Gần 50% số trường hợp suy gan tại Mỹ là tổn thương gan do thuốc (DILI).
Các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng và thảo dược có thể gây hại cho gan, cho dù chúng có thành phần tự nhiên. Khoảng 23.000 lượt khám cấp cứu mỗi năm tại Mỹ có liên quan đến chế phẩm bổ sung dinh dưỡng.
Mặc dù nhiều vitamin và chế phẩm bổ sung dinh dưỡng đã được thừa nhận là độc cho gan, song điều này vẫn chưa được bệnh nhân và cả các bác sĩ quan tâm. Nguyên nhân là do quan niệm sai lầm phổ biến cho rằng vì chúng có "thành phần tự nhiên" nên ắt hẳn chúng vô hại.
Điều trị cơ bản ban đầu cho DILI chỉ đơn giản là dừng sử dụng chất gây tổn thương và đợi gan bình thường trở lại. Sự phục hồi thường diễn ra trong một vài ngày.
Trường hợp như được nói ở trên có thể báo động cho bác sĩ về tác hại của nước tăng lực và giúp họ loại trừ nguyên nhân gây viêm gan nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Hy vọng rằng, các bác sĩ sẽ điều trị những trường hợp như vậy một cách kịp thời hơn và không còn thờ ơ với những tác động tiêu cực mà vitamin, chế phẩm bổ sung và các sản phẩm liên quan có thể gây ra cho gan.
Bệnh nhân cần tìm hiểu về nguy cơ nhiễm độc gan liên quan đến việc tiêu thụ nước tăng lực
"Vì thị trường nước tăng lực tiếp tục mở rộng nhanh chóng, người tiêu dùng cần nhận thức được những nguy cơ tiềm tàng của các thành phần khác nhau trong loại đồ uống này. Vitamin và các chất dinh dưỡng, chẳng hạn như niacin, có mặt với số lượng vượt quá lượng khuyến cáo hàng ngày, khiến chúng có nguy cơ cao tích lũy có hại và gây độc", các tác giả kết luận.
Cẩm Tú
Theo MNT