Báo động 30% bệnh nhi nhiễm khuẩn kháng thuốc
- Thứ sáu - 22/09/2017 11:26
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Phụ huynh đưa trẻ đi khám tại Viện Nhi T.Ư - Ảnh: Ngọc Ánh
30% trẻ nhập viện Nhi T.Ư có vi khuẩn kháng thuốc
Trao đổi bên lề Hội thảo Sơ kết giai đoạn 1 thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng sinh được Bộ Y tế tổ chức sáng 21/9, PGS.TS. Trần Minh Điển, Phó giám đốc BV Nhi T.Ư cho biết: “Trong nghiên cứu sàng lọc các bệnh nhân nhập viện tại BV Nhi T.Ư, có đến 30% trẻ có vi khuẩn kháng thuốc trong phân khi nhập viện. Ngoài các lý do liên quan đến vấn đề môi trường, thức ăn, nước uống có tồn tại dư lượng kháng sinh thì còn có một thực tế là rất nhiều trẻ được các ông bố bà mẹ tự ra hiệu thuốc mua thuốc điều trị với liều lượng kháng sinh không hợp lý. Do vậy, đây cũng là nguyên nhân gây tình trạng kháng thuốc cho trẻ”.
"Từ năm 2020, sẽ tăng tỷ lệ tuân thủ việc thực hiện đúng quy định của pháp luật về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú. Theo đó, 100% đơn thuốc đủ nội dung theo quy định của Bộ Y tế về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện tư nhân và 80% đối với cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân khác. Đồng thời, kê đơn thuốc tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về quản lý và sử dụng kháng sinh trong các bệnh lý nhiễm trùng đạt 90% đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện tư nhân và 70% đối với cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân khác." Ông Lương Ngọc KhuêCục trưởng Cục Khám chữa bệnh Bộ Y tế |
Nhận định tương tự, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, sau gần 10 năm theo dõi kháng thuốc, hiện gia tăng tỷ lệ kháng thuốc, đặc biệt là xuất hiện tình trạng đa kháng thuốc của một số loại vi khuẩn. Theo ông Kính, hậu quả của kháng thuốc sẽ dẫn đến thời gian điều trị kéo dài, kéo theo sử dụng nhiều kháng sinh, sẽ lại ảnh hưởng đến kinh tế, giá thành điều trị tăng cao. Chưa kể nhiều khuẩn kháng thuốc còn khiến nguy cơ tử vong tăng cao, nhất là với nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn.
“Hiện nay, mới chỉ có một số đơn vị bệnh viện tỉnh hoặc một số viện ở tuyến T.Ư có labo vi sinh lâm sàng có thể giúp bác sĩ sử dụng thuốc kháng sinh một cách hợp lý. Các bệnh viện tuyến dưới chưa đầu tư thiết bị thì rõ ràng việc sử dụng kháng sinh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của bác sĩ, từ đó dẫn tới việc nhiều loại kháng sinh sử dụng chưa hợp lý. Đó là chưa kể trong cộng đồng với tâm lý ngại đến bệnh viện khám bệnh, cứ nghi ngờ sốt, nhiễm khuẩn là ra hiệu thuốc tự mua thuốc, thậm chí, chưa hỏi mua thì người bán đã tư vấn dùng thuốc kháng sinh… Điều này càng khiến việc lạm dụng kháng sinh gia tăng”, ông Kính nói. Được biết, Bộ Y tế đã có quy định phải bán thuốc kháng sinh theo đơn, tuy nhiên theo các chuyên gia, việc giám sát, thực hiện còn bỏ ngỏ, chưa làm triệt để và điều đó là khó khăn của ngành y tế trong việc giám sát. “Nếu không phòng chống kháng thuốc kháng sinh thì 10-20 năm nữa sẽ không còn loại kháng sinh nào phù hợp để nhận các vi sinh vật gây bệnh nữa. Rõ ràng hậu quả nếu không được dùng thuốc kháng sinh đặc hiệu nữa, tỷ lệ tử vong sẽ gia tăng”, ông Kính khuyến cáo.
Kiểm soát chặt việc kê đơn thuốc
Trước con số thống kê, khoảng 90% thuốc kháng sinh được bán không cần kê đơn, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhìn nhận: “Hiện tình trạng lạm dụng kháng sinh, thuốc tiêm, vitamin được kê quá nhiều trong một đơn thuốc. Bên cạnh đó là việc các nhà thuốc tùy tiện bán kháng sinh không cần đơn thuốc của bác sĩ. Đây là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng kháng kháng sinh”. Ông Khuê cũng cho hay, vấn đề kháng kháng sinh ở Việt Nam đang ngày càng trầm trọng còn bởi các nguyên nhân khác như việc sử dụng kháng sinh rộng rãi, kéo dài, lạm dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt...
Trước câu hỏi đặt ra về việc còn tồn tại kê đơn thuốc lạm dụng kháng sinh trong điều trị, Bộ Y tế sẽ quản lý ra sao, ông Khuê cho biết: Các bệnh viện thực hiện kê đơn thuốc theo đúng chỉ định, quy định, quy chế kê đơn thuốc nội trú và ngoại trú do Bộ Y tế ban hành. Hàng tuần, Hội đồng dược, thuốc của mỗi bệnh viện đều xem xét bệnh án, đơn thuốc của bác sĩ kê cho bệnh nhân xem có hợp lý hay không. Bên cạnh đó, các bệnh viện cũng tiến hành củng cố hệ thống vi sinh, xem xét loại vi khuẩn và loại kháng sinh sử dụng đó có phù hợp hay không, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh trong bệnh viện, bảo đảm yếu tố vệ sinh và vô trùng. Với kê đơn ngoại trú, theo ông Khuê, tới đây, các quầy thuốc, nhà thuốc sẽ phải thực hiện quản lý mua bán, sử dụng thuốc qua hệ thống công nghệ thông tin để vừa bảo đảm bán thuốc khi có đơn vừa bảo đảm nguồn thuốc chất lượng để người tiêu dùng được sử dụng thuốc có chất lượng, không quá hạn, công khai minh bạch về giá cả.
“Khi quản lý được việc bán thuốc theo đơn, cơ quan quản lý sẽ biết đơn thuốc đó được kê ở bệnh viện nào, thuốc gì để xem xét và xử lý theo Nghị định 176 Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Thực hiện theo đề án vừa phê duyệt, đến năm 2020, Việt Nam phải đạt 100% bán thuốc kháng sinh có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc”, ông Khuê cho biết.
Việc Alexander Fleming tìm ra penicillin đã mở ra kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp kháng sinh.