Bác sĩ khổ vì sửa sai cho thầy lang
- Thứ bảy - 12/11/2016 06:18
- In ra
- Đóng cửa sổ này
“Có bệnh thì vái tứ phương”, tuy nhiên, nhiều người chỉ vì nhẹ dạ đã nghe lời đồn đại, rỉ tai chữa bệnh theo những lời quảng cáo chắc như đinh đóng cột và cách chữa bệnh “chẳng giống ai” như chữa bướu cổ bằng lá cây của thầy lang hay chữa ung thư vú bằng gạo lứt, uống nước lã... để “tiền mất tật mang” rồi sau đó bệnh quá nặng mới tìm đến bệnh viện để mong được bác sĩ “sửa sai”.
Cấp cứu vì chữa bướu cổ bằng đắp lá cây
Mới đây, BVĐK tỉnh Sơn La đã tiếp nhận bệnh nhân Lò Thị D., (51 tuổi ở xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu, Sơn La) nhập viện trong tình trạng nhiễm khuẩn vùng cổ. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, bà D. bị bướu cổ, được người quen giới thiệu đi khám thầy lang chữa bằng lá cây và tiêm thuốc vào vùng cổ.
Sau khoảng 5 ngày bệnh nhân xuất hiện sốt, đau, tấy đỏ vùng cổ, khoảng vài ngày tiếp theo bệnh nhân sốt cao, khó thở. Bà D. được gia đình đưa xuống BV huyện Thuận Châu khám sau đó được chuyển tới BV tỉnh.
BS. Nguyễn Quốc Việt, Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK tỉnh Sơn La cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nhiễm khuẩn nặng, sốt cao, khó thở, viêm tấy lan tỏa toàn bộ vùng cổ do chèn ép của ổ viêm tấy, cổ bạnh to ra. Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng cấp cứu. Trên xét nghiệm công thức máu bạch cầu tăng cao, siêu âm có vùng tăng giảm tỉ trọng, kèm khí toàn bộ phía trước, hai bên cổ, do đang giai đoạn áp-xe hóa, khí vùng cổ... Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng nặng, viêm tấy lan tỏa vùng cổ sau đắp lá cây, tiêm vùng cổ (không rõ loại thuốc, lá cây).
Xác định đây là trường hợp biến chứng nặng, áp-xe lan tỏa vùng cổ sau tiêm thuốc, đắp thuốc điều trị bướu cổ. Bệnh nhân được hội chẩn Ban giám đốc và được hồi sức tích cực, thở ôxy, phối hợp dùng kháng sinh liều cao... Sau đó, qua kiểm tra toàn diện đánh giá lâm sàng, cận lâm sàng chức năng gan, thận... diễn biến ổn định hơn về toàn trạng, viêm tấy lan tỏa được khống chế, ổ áp-xe khu trú hơn, bệnh nhân đã được đưa lên nhà mổ, rạch, tháo mủ, làm sạch ổ áp-xe lớn vùng cổ...
Sức tàn, lực kiệt vì chữa ung thư bằng ăn gạo lứt, uống nước lã
Khoa Cấp cứu hồi sức, BV K cơ sở 3 tiếp nhận bệnh nhân N. bị ung thư vú nhưng đã di căn toàn thân. Theo lời kể của người nhà, chị N. được phát hiện ung thư vú cách đây 10 tháng, lúc ấy khối u rất nhỏ. Các bác sĩ khuyên nhưng chị N. không mổ mà về nhà điều trị. Suốt 10 tháng chị N. chỉ ngồi thiền, uống nước lã và ăn gạo lứt. Tuy nhiên, trong 10 tháng ở nhà tự điều trị, căn bệnh của chị N. ngày càng tiến triển, sức khỏe suy kiệt. Mặc dù vậy, gia đình vẫn tin vào cách chữa này và chỉ đến khi da xanh, chân phù, cơn đau hành hạ chị mới đến bệnh viện.
Các bác sĩ cho biết, tình trạng bệnh của chị rất đáng thương không thể giúp được gì ngoài tiêm giảm đau vì bệnh đã ở giai đoạn quá muộn, khối u to không thể mổ được, bệnh lại di căn xa.
Một bệnh nhân ở Hoàn Kiếm (Hà Nội) phát hiện ung thư vú, nhưng lại sợ đụng dao kéo nên không muốn phẫu thuật, bác sĩ cũng đến tận nhà thuyết phục chị vẫn không nghe. Đến khi vào viện với thân tàn, lực kiệt và cầu cứu bác sĩ “bây giờ bác sĩ nói gì tôi cũng nghe theo”.
Tuy nhiên, lúc này bác sĩ cũng chỉ động viên bệnh nhân vì đã quá muộn, vượt quá sự phát triển và can thiệp của y học. “Đây thực sự là điều đáng tiếc cho bệnh nhân, vì nếu bệnh nhân tin tưởng vào các bác sĩ từ đầu thì thêm cơ hội sống. Bởi hiện nay bệnh nhân ung thư vú vẫn là bệnh ung thư có tiên lượng tốt nhất nếu được điều trị đúng.
Vì đâu nên nỗi?
Trao đổi với phóng viên, BS. Nguyễn Quốc Việt, Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK tỉnh Sơn La cho biết, bướu cổ luôn là nỗi lo của mọi người, ở các vùng miền khác nhau, nhất là vùng sâu, vùng xa, miền núi, trình độ dân trí còn thấp, hiểu biết về bệnh tật còn nhiều hạn chế. Hơn nữa nhiều người chưa nhận thức hết, nghĩ rằng mổ sẽ đau. Hoặc nhiều người lại sợ là u ác tính, ung thư. BS. Việt chia sẻ thêm, biết rằng không phải tất cả bướu cổ đều phải mổ, nhưng nếu bệnh nhân được khám, tư vấn đúng cơ sở thì phát hiện bệnh sớm, với từng trường hợp bệnh cụ thể như nang giáp, bướu cổ đơn thuần, bướu cổ địa phương, thiếu iod, Basedow... sẽ được tư vấn dùng thuốc nội tiết, dùng iod, phẫu thuật hay các biện pháp điều trị khác.
Điều trị qua một số thầy lang, các thuốc, phương pháp chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt, cấp phép của cơ quan có thẩm quyền có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí gây tử vong.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, ThS. Nguyễn Minh Nghĩa, Khoa Hồi sức cấp cứu, BV K cơ sở 3 cũng cho biết, anh thường xuyên gặp bệnh nhân bị suy đa phủ tạng do ung thư uống thuốc Nam trong quá trình điều trị. Cũng theo ThS. Nghĩa, bệnh nhân tìm đến các bài thuốc này, thuốc kia cũng là do chưa được tư vấn tâm lý nhiều khi được chẩn đoán ung thư. Hầu như khi phát hiện ung thư ai cũng rất hoang mang, nếu được bác sĩ chuyên ngành ung bướu tư vấn kỹ, giúp họ tin tưởng vào y học hiện đại sẽ rất tốt.
Mặt khác, theo ThS. Nghĩa, việc uống thuốc Nam cũng được nhưng chỉ dành cho những bệnh nhân đã ở giai đoạn quá muộn, y học hiện đại không giúp được gì cho họ thì họ có thể uống thuốc Nam, thuốc Bắc như một cách động viên tinh thần, giúp người bệnh nghĩ rằng họ vẫn đang được điều trị bệnh mà không phải nằm chờ cái chết. Cảm giác nằm chờ cái chết của bệnh nhân ung thư thực sự kinh khủng, lúc đó bác sĩ sẽ tư vấn cho họ. Còn trường hợp của đại đa số bệnh nhân mà y học còn can thiệp được thì không nên điều trị thêm thuốc lá, thuốc Nam mà chỉ cần họ có niềm tin vào bác sĩ sẽ tốt hơn.
Theo Nguyễn Hồng – Phương Linh
Sức khỏe & Đời sống