Ăn uống thế nào tốt cho bệnh nhân ung thư?
- Thứ hai - 11/09/2017 11:59
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bệnh nhân ung thư cần chế độ ăn đa dạng, không hạn chế tối đa thịt, cá, trứng...
Ăn bổ có phải nuôi tế bào ung thư ?
Từ khi phát hiện mình mắc ung thư vú, bà Nguyễn Thị H. (Hai Bà Trưng, Hà Nội) thực hiện chế độ ăn hoàn toàn nói không với thịt, cá và các thực phẩm được làm từ đậu nành. “Mọi người vẫn khuyên tôi kiêng được là tốt nhất vì càng ăn bổ thì càng nuôi tế bào ung thư”, bà H. cho biết. Cũng chính vì vậy, bữa ăn của bà H. chỉ loanh quanh với lạc, đỗ, muối vừng. Từ 60kg, sau gần 1 năm giờ cân nặng của bà H. xuống còn 48kg.
Tương tự, ông Trần Văn K. (Từ Sơn, Bắc Ninh) mắc ung thư gan, cũng kiêng cữ tuyệt đối với các thực phẩm như thịt bò, trứng, sữa và thức ăn chủ yếu là rau và hoa quả. Vì ông K. cũng như gia đình cho rằng, ăn như vậy sẽ hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư.
"80% nguyên nhân gây ung thư đến từ bên ngoài, trong đó một trong những yếu tố chính đó là chế độ dinh dưỡng, các nhà khoa học đã chứng minh chế độ ăn uống nhiều mỡ động vật, ít chất xơ là nguyên nhân làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng và ung thư vú, còn với chế độ ăn ít chất béo, nhiều hoa quả, nhiều ngũ cốc dạng hạt sẽ là các yếu tố làm giảm mắc ung thư." PGS. TS. Trần Thanh Hương Phó viện trưởng Viện Ung thư quốc gia |
Tại tọa đàm về dinh dưỡng cho người bệnh ung thư sáng 7/9, PGS. TS. Lê Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Bệnh viện K Trung ương cho rằng: “Quan điểm về chế độ ăn nghèo nàn không thịt động vật sẽ giúp hạn chế sự phát triển của các khối u là hoàn toàn sai lầm. Bởi dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư hết sức quan trọng, nó đóng góp rất nhiều vào tiến trình điều trị và thành công trong điều trị. Thậm chí, nếu kiêng quá, người bệnh có thể sẽ chết vì đói, vì suy kiệt sức khỏe trước khi chết vì ung thư. Theo các nghiên cứu đối với bệnh nhân ung thư, có đến 50% người bệnh bị suy dinh dưỡng và trong đó có 20% chết do suy kiệt trước khi chết do căn bệnh ung thư”.
Cũng theo giải thích của BS. Hương, khi mắc ung thư là có sự giáng hóa các protein trong cơ thể nên nếu không được bổ sung kịp thời sẽ dẫn đến suy kiệt sức khoẻ. Và trên cơ thể người bệnh thiếu dinh dưỡng, nhất là trong điều trị cần phẫu thuật sẽ không thể điều trị được. Riêng với quan điểm hạn chế hai loại thực phẩm trứng và sữa của nhiều người bệnh, BS Hương cũng nhận định đó là sai lầm, vì đây là loại thực phẩm rất tốt cho người bệnh và người già bởi trong đó có chứa các acid amin dễ tiêu hoá và hấp thu. Ngay với các loại thịt đỏ, có thể hạn chế chút ít do gây khó trong hấp thu chuyển hóa, nhưng không hạn chế tuyệt đối. Bởi trong thịt đỏ có chứa nhiều sắt phù hợp với người bệnh ung thư thường có nguy cơ thiếu máu, do vậy, người bệnh cần duy trì việc sử dụng hàm lượng khoảng 500g thịt đỏ/tuần, chia nhiều bữa và chế biến với các loại rau quả khác cho dễ tiêu hoá và hấp thu. “Với người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân ung thư cần có chế độ ăn đầy đủ, cân đối về calo, protein, các vitamin, khoáng chất và các chất xơ. Trong đó, vitamin, khoáng chất… góp phần giảm bớt các độc tố trong cơ thể khi người bệnh phải sử dụng đến các hoá chất trong quá trình trị liệu điều trị”, bà Hương khuyến cáo.
Ngộ nhận trong thực dưỡng điều trị ung thư
Theo TS. Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, hiện nay có rất nhiều trường phái ăn khác nhau và đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định đối với bệnh nhân ung thư. Điển hình là “thực dưỡng” bản chất là ăn muối mè (vừng) và gạo lứt. Ăn thực dưỡng có 10 chế độ ăn khác nhau từ 1 - 7 và từ -1 đến -3. “Thực dưỡng cũng như các chế độ ăn khác (ăn chay, lowcarb…) chỉ tốt cho một số người về mặt sức khỏe hay có thể hỗ trợ điều trị một số bệnh, chứ không như truyền miệng là chữa bách bệnh, trong đó có ung thư”, ông Ngữ cho hay.
Theo đánh giá của TS Từ Ngữ, hiện nay, mọi người nhắc nhiều tới thực đơn số 7 nghĩa là chỉ ăn các loại ngũ cốc nguyên vỏ mềm. Các loại hạt này có chứa các chất đạm, chất béo, nhiều omega… nhưng là một chế độ ăn không đa dạng dễ gây ra tình trạng thiếu chất. Người chỉ ăn muối mè, gạo lứt theo thực dưỡng thường dễ dẫn tới tình trạng mệt mỏi, da xanh nhợt nhạt do thiếu sắt và vi khoáng.
Trao đổi về quan điểm có thể điều trị ung thư bằng phương pháp thực dưỡng, PGS. TS. Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho rằng, phương pháp thực dưỡng cũng như một hình thức ăn chay. Nhìn tổng thể những người ăn chay do không ăn thịt nên sẽ ăn nhiều rau xanh, trái cây và ngũ cốc hơn những người ăn bình thường. Nếu đảm bảo đầy đủ năng lượng đây cũng là chế độ ăn tốt vì ăn nhiều rau, hoa quả, từ lâu đã được khoa học y học thừa nhận dự phòng một số một số loại ung thư, đặc biệt ung thư đại trực tràng. “Tuy nhiên, chế độ ăn chưa bao giờ được thiết kế nghiên cứu như một phương pháp điều trị đặc hiệu ung thư. Do vậy, lựa chọn chế độ ăn nào đó và coi là phương pháp điều trị ung thư là chưa đủ cơ sở khoa học và dĩ nhiên sẽ khó mang lại hiệu quả”, ông Thuấn nhận định.
Công nghệ mới này có thể chẩn đoán ung thư nhanh và chính xác đến 96%, được kỳ vọng sẽ giúp việc phẫu trị ung thư...