90% nguy hiểm do đái tháo đường thai kỳ có thể phòng ngừa
- Thứ sáu - 11/11/2016 13:19
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Việt Nam dẫn đầu khu vực về tỷ lệ người mắc bệnh
Thông tin trên được PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng khoa Sản bệnh viện Hùng Vương cho biết nhân kỷ niệm ngày đái tháo đường thế giới 14/11. Theo BS Khánh Trang, đái tháo đường là bệnh lý không phân biệt nam nữ, bệnh đang gia tăng nhanh trên toàn cầu đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
Sau bệnh lý tim mạch, ung thư thì đái tháo đường là được xem là kẻ giết người thầm lặng. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2015 toàn cầu có 371 triệu bị đái tháo đường, dự báo đến năm 2030 số người mắc bệnh sẽ lên tới khoảng 550 triệu người.
Riêng tại Việt Nam, thống kê của Hiệp hội Đái tháo đường cho thấy, trong 10 năm qua số người mắc bệnh đã tăng lên 211%. Cả nước hiện có hơn 5 triệu người bị đái tháo đường, tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng của Việt Nam cao nhất trong khu vực Đông Nam Á (khoảng 5.8%) đây là vấn đề y tế công cộng rất đáng lo ngại, gây ra gánh nặng bệnh tật, làm phát sinh chi phí cho y tế, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội và sức khỏe cộng đồng.
Ngoài những trường hợp đái tháo đường mạn tính thì đái tháo đường thai kỳ đang là vấn đề rất đáng lo ngại, đe dọa đến sức khỏe của thai phụ và thai nhi. Tính riêng tại Đơn vị quản lý đái tháo đường thuộc bệnh viện Hùng Vương chỉ ra, mỗi tháng trung bình có tới gần 15.000 thai phụ đến khám bệnh lý đái tháo đường, trong đó có tới khoảng gần 10.000 trường hợp phải làm test nhanh. Tổng số bệnh nhân được chẩn đoán mắc đái tháo đường lên tới 55,7%; khoảng 9,3% thai phụ bệnh nặng phải đến khám và theo dõi thai kỳ liên tục.
Khống chế đái tháo đường thai kỳ trong 3-7 tuần
Nếu không có các giải pháp kiểm soát tốt, nguy cơ xảy ra trong thai kỳ như gia tăng bệnh suất tử vong ở thai phụ và thai nhi. Cụ thể ở người mẹ sẽ tăng tỷ lệ mổ sinh do con to; tăng tỷ lệ tiền sản giật và sản giật; tăng tỷ lệ băng huyết sau sinh do sinh khó dẫn đến những tai biến sản khoa gây tử vong mẹ. Mặt khác, nguy cơ đái tháo đường tuýp 2 sau sinh cũng tăng cao ở các thai phụ bị đái tháo đường trong thai kỳ.
Với thai nhi, đái tháo đường thai kỳ là một trong những nguyên nhân gây đột tử cho bé; tỷ lệ sang chấn sản khoa như kẹt vai, gãy xương đòn do con to hoặc thai suy trong chuyển dạ, suy hô hấp sau sinh do phổi thiếu surfactant góp phần gia tăng tỷ lệ tử vong và bệnh tật chu sinh. Ngoài ra, các bé chào đời từ những bà mẹ bị đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ mắc bệnh lý đái tháo đường về sau, gia tăng tỷ lệ béo phì, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ.
Để tránh những nguy hiểm có thể xảy đến trong thai kỳ, PGS Khánh Trang khuyến cáo thai phụ phải đi khám và theo dõi các chỉ số sức khỏe định kỳ, nếu phát hiện dấu hiệu nghi ngờ, bác sĩ sẽ có giải pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời.
Ngoài ra, 90% nguy cơ của bệnh có thể phòng ngừa hiệu quả bằng chế độ ăn uống hợp lý và vận động, thể dục đều đặn, tình trạng đái tháo đường sẽ từng bước được khống chế, đẩy lùi hiệu quả trong 3 - 7 tuần.
Bác sĩ khuyến cáo, những trường hợp đang mang thai được chẩn đoán bị đái tháo đường cần tuân thủ nguyên tắc của chế độ ăn tiết chế gồm: ăn nhiều bữa trong ngày để không làm tăng đường huyết máu cũng như bị hạ đường huyết quá nhanh lúc xa bữa ăn (2 đến 3 bữa chính và 2 đến 3 bữa phụ); tránh ăn ngọt, khẩu phần ăn cần giàu chất xơ, ít chất béo bão hòa; dùng hỗ trợ đa sinh tố theo chỉ định của bác sĩ. Thực hiện nguyên tắc 1 phần 4 trong khẩu phần ăn với 1 phần tinh bột, 1 phần đạm, 2 phần rau củ.
Bên cạnh đó, thai phụ cần vận động đều đặn như đi bơi 3 lần mỗi tuần (mỗi lần 30 phút); tập yoga, đi bộ vận động nhẹ nhàng.
Với những trường hợp bệnh nặng, ngoài tuân thủ khẩu phần ăn theo chế độ trên, thai phụ phải tuân thủ chỉ định điều trị, chích thuốc hỗ trợ của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Vân Sơn