7 biến chứng thường gặp khi không điều trị tiểu đường "đến nơi đến chốn"
- Thứ năm - 06/10/2016 20:13
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cholesterol và huyết áp tăng
Với bệnh tiểu đường týp 1, cơ thể bạn ngừng sản sinh insulin, một loại hoóc môn điều chỉnh đường huyết, với bệnh tiểu đường týp 2, cơ thể bạn không sử dụng insulin một cách thích hợp. HDL (cholesterol tốt) giảm và hàm lượng chất béo trong máu gây hại triglycerid tăng. Kháng insulin cũng góp phần gây cứng, hẹp động mạch, từ đó làm tăng huyết áp. Kết quả là khoảng 70% những người bị một trong hai loại tiểu đường này bị huyết áp cao, một yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, bệnh tim và các rối loạn về tư duy và trí nhớ.
Thất bại trong việc kiểm soát huyết áp cao và cholesterol cao qua chế độ ăn và tập luyện hoặc bổ sung thêm thuốc khiến cho các biến chứng tiến triển nhanh hơn.
Mất dần thị lực
Hơn 4 triệu người bệnh tiểu đường bị bệnh lý võng mạc ở mức độ nào đó hoặc tổn thương mô nhạy cảm với ánh sáng ở sau mắt. Điều này xảy ra vì mức đường huyết cao gây tổn hại cho các mạch máu mỏng manh trong mắt, quá trình này có thể xảy ra 7 năm trước khi được chẩn đoán.
Giai đoạn sớm không có triệu chứng, nhưng dần dần triệu chứng càng rõ rệt. Một nghiên cứu trên những người bị tiểu đường týp 2 chỉ ra rằng khi hàm lượng HbA1c (chỉ số đường huyết qua thời gian) tăng một điểm phần trăm, nguy cơ mắc hoặc phát triển các rối loạn thị lực tăng khoảng 1/3. Trong 20 năm, khoảng 80% người bệnh tiểu đường bị bệnh võng mạc và khoảng 10.000 người bị mù mỗi năm.
Suy thận
Theo thời gian, đường huyết cao làm dày lên và sẹo hóa các nephron, những cấu trúc nhỏ trong thận có tác dụng lọc máu. Khoảng 7% thời gian bạn sẽ bị rò protein trong nước tiểu, một dấu hiệu sớm của các rối loạn về thận khi bạn được chẩn đoán tiểu đường týp 2.
Khoảng một nửa trong số những người không thực hiện các biện pháp kiểm soát bệnh tiểu đường sẽ bị tổn thương thận trong vòng 10 năm và 40% những người này có nguy cơ bị suy thận, một tình trạng đòi hỏi phải chạy thận hoặc ghép thận.
Tổn thương dây thần kinh
Khoảng 7,5% những người đã có bệnh thần kinh hoặc tổn thương thần kinh gây ra bởi đường huyết cao, khi họ được chẩn đoán bị tiểu đường. Cuối cùng, khoảng ½ những người bị tiểu đường týp 1 hoặc týp 2 sẽ bị tổn thương này.
Lúc đầu, bạn có thể không có triệu chứng hoặc cảm thấy ngứa ran nhẹ hoặc tê ở bàn tay và bàn chân. Nhưng cuối cùng, bệnh thần kinh có thể gây đau, yếu và rối loạn tiêu hóa khi nó tấn công các dây thần kinh kiểm soát đường tiêu hóa của bạn.
Tổn thương chân
Khi tổn thương các dây thần kinh dài giữa não bộ và chi dưới trở nên tồi tệ, cơ chân của bạn sẽ bị chùng, hình dạng của bàn chân thay đổi, gây viêm tấy ở kẽ ngón chân cái, bàn chân phẳng và các dị tật khác. Một bước sai hoặc có sỏi trong giày của bạn có thể gây vết loét nhỏ và tê chân mà bạn không nhận thấy và tuần hoàn máu kém do mạch máu bị tổn thương chậm lành.
Kết quả là nhiễm trùng có thể lây lan tới xương. Hàng năm có khoảng 73.000 ca cắt cụt chi dưới do bệnh tiểu đường và khoảng 60% trong số đó là cắt cụt hoàn toàn.
Tim mạch
Bên cạnh việc tăng huyết áp và cholesterol, đường huyết cao có thể gây tổn thương trực tiếp tới tĩnh mạch, động mạch và cơ tim. Những người bị tiểu đường có nguy cơ bị đau tim tăng gấp đôi và nguy cơ đột quỵ tăng gấp 4. Đau tim được coi là kẻ giết người số 1 trong bệnh tiểu đường. Bên cạnh nguy cơ gây tử vong, đột quỵ cũng có thể gây liệt và tàn tật.
Rút ngắn tuổi thọ
Tất cả những vấn đề sức khỏe này cuối cùng có thể khiến cho cuộc sống của bạn bị rút ngắn. Một nghiên cứu gần đây đăng trên JAMA chỉ ra rằng phụ nữ bị tiểu đường tý p 1 có thể chết sớm hơn 13 năm so với những người không bị bệnh. Tiểu đường được xếp là nguyên nhân gây tử vong thứ 7 nhưng thứ hạng này thực tế có thể cao hơn.
Hà Ngân
Theo Prevention