Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


2 học sinh tử vong do bạch hầu: Bộ Y tế ra khuyến cáo khẩn cấp

2 học sinh tử vong do bạch hầu: Bộ Y tế ra khuyến cáo khẩn cấp
Sau khi hai học sinh tử vong vì bệnh bạch hầu tại Quảng Nam, Bộ Y tế đã ra khuyến cáo khẩn cấp để phòng tránh dịch bệnh trong thời điểm giáp Tết Nguyên đán.

Tiêm vắc xin là biện pháp duy nhất phòng bệnh bạch hầu 

Sở Y tế Quảng Nam cho biết, ngày 17/1, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang tiêm vắc-xin cho toàn bộ học sinh và giáo viên Trường THPT Tây Giang, nơi có hai học sinh tử vong vì bệnh bạch hầu trước đó.

Theo đó, 2 ca đã tử vong là em Bhling Boong (17 tuổi, trú tại thôn Aur, xã A Vương, học sinh lớp 11C4) và em Zơrâm Sáo (17 tuổi, trú thôn Agrầng, xã A Xan, học sinh lớp 11C3), cả hai đang cùng học tại trường THPT Tây Giang.

Trong đó, em Bhling Boong khởi bệnh từ ngày 24/12/2016, đến ngày 4/1/2017 bệnh trở nặng, được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Tây Giang trong tình trạng khó thở, phải đặt nội khí quản và chuyển viện nhưng bệnh nhân tử vong trên đường chuyển viện.

Còn em Zơrâm Sáo khởi bệnh từ ngày 2/1/2017, đến ngày 7/1/2017 được chuyển xuống Bệnh viện Hoàn Mỹ, sau đó chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng và tử vong ngày 9/1/2017.

Qua lấy mẫu xét nghiệm, hai em có kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn bạch hầu.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, qua giám sát, phát hiện, theo dõi tại thực địa đã ghi nhận thêm 11 bệnh nhân nghi mắc bệnh bạch hầu và tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân bạch hầu; 20 người khác đang được cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Tây Giang.

Đến chiều 17/1, số ca mắc/nghi ngờ mắc bệnh sức khỏe đã ổn định và chưa phát hiện thêm ca mắc/nghi mắc bệnh bạch hầu mới.

Trước tình hình này, tối 17/1, Bộ Y tế ra khuyến cáo cảnh báo, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. 

Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Quinvaxem hoặc DTP, Td đầy đủ, đúng lịch; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Lịch tiêm chủng vắc-xin phòng bạch hầu

Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi

Mũi 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng

Mũi 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng

Mũi 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây