Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Zara có đủ sức đánh bật nhà thiết kế Việt?

Zara có đủ sức đánh bật nhà thiết kế Việt?
Zara đang tạo nên cơn sốt tại Việt Nam, tuy nhiên theo nhận định của một số nhà thiết kế, còn quá sớm để khẳng định thương hiệu này có thể chiếm lĩnh thị trường.

Những ngày qua, hãng thời trang Zara tạo nên cơn sốt khi khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Khách hàng ra vào nườm nượp và phải đứng xếp hàng dài chờ thanh toán hóa đơn. Không phủ nhận Zara là thương hiệu bình dân được nhiều người ưa chuộng, trong đó có những sao Việt như Hồ Ngọc Hà, Thanh Hằng, Tóc Tiên, Angela Phương Trinh, stylist Hoàng Ku...

Một câu hỏi được đặt ra là liệu thương hiệu thời trang Tây Ban Nha có đủ sức chiếm lĩnh thị trường Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến các thương hiệu Việt? 

Theo nhận định của những người trong cuộc - các nhà thiết kế Việt, việc Zara tạo được hiệu ứng như vậy là điều dễ hiểu. Nhưng còn quá sớm để khẳng định Zara có thể chiếm lĩnh thị trường thời trang trong nước. 

Zara gây chú ý khi khai trương của hàng đầu tiên tại TP.HCM. Ảnh: Zara.

'Zara không phải mối lo của nhà thiết kế Việt'

Trước sự kiện một thương hiệu quốc tế tấn công thị trường và tạo nên cơn sốt, NTK Đỗ Mạnh Cường cho rằng: "Đối tượng của tôi là khách hàng cao cấp, có thu nhập cao, khác với đối tượng khách hàng của Zara. Nếu đối tượng khách hàng đã khác rồi thì đâu có gì phải lo ngại. Khách hàng của tôi là những người dùng đồ Dior, Chanel, Hermes... Việc Zara về Việt Nam sẽ làm cho thị trường thời trang thêm sôi động và ảnh hưởng đến những thương hiệu có cùng thị phần khách hàng, cùng giá bán. Zara không phải là mối quan tâm và lo ngại của tôi". 

Chung Thanh Phong có cùng quan điểm khi nhận định Zara sẽ làm thay đổi cục diện thời trang trong nước, nhưng chỉ có thể đánh bật những nhà thiết kế hoặc shop thời trang Việt đầu tư không bài bản. NTK 8X tự tin mỗi sản phẩm của anh đều có dấu ấn riêng, mà khách hàng khó có thể tìm mua được ở bất cứ nơi nào khác.

"Chuyện Zara có mặt tại thị trường Việt Nam chỉ là vấn đề sớm hay muộn. Tôi cho rằng đây là điều tốt vì nó thúc đẩy ngành công nghiệp thời trang nước nhà, giúp mọi người mặc đẹp hơn, cập nhật xu hướng nhanh nhạy hơn. Tuy nhiên, ai có hướng đi tốt, chiến lược rõ ràng và khẳng định được mình thì vẫn sẽ tồn tại lâu dài. Bản thân tôi không cảm thấy lo lắng hay phải dè chừng gì cả, bởi thương hiệu Chung Thanh Phong sở hữu hai dòng sản phẩm - váy cưới và trang phục ứng dụng - với lượng khách hàng ổn định".

Đỗ Mạnh Cường (ảnh trái) và Chung Thanh Phong đều không lo bị ảnh hưởng bởi Zara. Ảnh: NVCC.

Chung Thanh Phong chia sẻ thêm cửa hàng của Zara khai trương vào ngày 8/9, thì ngay hôm sau, anh cũng ra mắt dòng thời trang dành cho nam giới MEUW - Menswear: "Nhiều người nói tôi liều lĩnh, nhưng thực ra dự án này tôi chuẩn bị từ cách đây 2 năm. Giờ là lúc tôi cần chứng minh mình làm được gì". 

Về ý kiến cho rằng một số thương hiệu Việt có giá thành khá cao nên dễ bị ảnh hưởng, Chung Thanh Phong khẳng định mỗi thương hiệu "đánh" vào một đối tượng khách hàng nhất định, chứ không đại trà.

Với nhà thiết kế Adrian Anh Tuấn, Zara là thương hiệu toàn cầu được nhiều người ưa chuộng, vì thế không có gì lạ khi họ tạo được hiệu ứng tốt như vậy. Bản thân anh cũng là fan của thương hiệu này nên rất vui mừng chào đón Zara.

"Tôi nghĩ các thương hiệu với mức giá tương đương Zara sẽ lo ngại nhiều hơn vì chắc chắn cạnh tranh không qua khỏi 'ông lớn' này. Tuy nhiên, tôi không lo vì thiết kế của tôi và Zara không có điểm gì tương đồng - cả về chất liệu cũng như giá cả" - Adrian Anh Tuấn bày tỏ. 

NTK Adrian Anh Tuấn. Ảnh: NVCC.

Quá sớm để khẳng định Zara có thể chiếm lĩnh thị trường

Theo đánh giá của Đỗ Mạnh Cường, Zara là thương hiệu bình dân với giá cả phải chăng, việc thương hiệu đến từ Tây Ban Nha sẽ chiếm lĩnh thị trường là điều dễ hiểu: "Zara đã chiếm lĩnh thị trường thời trang thế giới bao lâu nay rồi, nên cũng không khó để có thể làm được việc đó ở Việt Nam". 

Trong khi đó, Chung Thanh Phong, Vincent Đoàn lại có ý kiến trái ngược. 

Chung Thanh Phong nhận xét: "Zara có thành công ở thị trường Việt hay không, còn cả chặng đường dài phía trước. Bởi văn hóa mua sắm của người Việt là chạy theo những cái mới, theo trào lưu. Hơn nữa, khi đồ Zara trở nên phổ biến, sức hút của nó chắc chắn không còn được như lúc đầu".

Theo Vincent Đoàn, còn quá sớm để nói một thương hiệu nào đó chiếm lĩnh thị trường khi họ chỉ mới có mặt ở đây khoảng 1 tuần.

"Zara đã rất thành công ở nhiều nước. Tuy nhiên, vẫn cần thêm thời gian để đánh giá về sự thành công của thương hiệu này, vì không loại trừ tính tò mò và hiệu ứng đám đông của rất nhiều người. Sự thu hút của Zara cho thấy người Việt cần những sản phẩm của thương hiệu nổi tiếng, uy tín, bắt kịp xu hướng thế giới với mức giá trung bình" - Vincent Đoàn chia sẻ. 

Vincent Đoàn thử trang phục cho người đẹp Dương Trương Thiên Lý. Ảnh: NVCC.

Anh cũng khẳng định mỗi thương hiệu có một thế mạnh riêng. Nếu nói Zara có thể làm ảnh hưởng đến các nhà thiết kế Việt Nam, thì trước đó họ đã làm ảnh hưởng đến các NTK trên khắp thế giới: "Ở đây, Zara là thương hiệu cho số đông. Trong khi đặc tính của các nhà thiết kế là không sản xuất hàng loạt, thiết kế riêng theo từng cá nhân đặt hàng". 

Cũng là một tín đồ của Zara, nhà thiết kế Thủy Nguyễn bày tỏ: "Việc Zara xâm nhập thị trường Việt Nam cho chúng ta nhiều bài học về cạnh tranh, thiết kế, cách trưng bày, cách tiếp thu và sự hưởng ứng của khách hàng. Nó cho chúng ta thấy sự đổ bộ của quốc tế, chúng ta không còn đơn thương độc mã, cho chúng ta biết nhìn nhận về sự chăm chỉ, sáng tạo và nắm bắt thị trường. Thiết kế và thị trường của Thuy Design House và Zara khác nhau. Do đó, Zara cho tôi nhìn thấy nhiều hơn là sự lo ngại".

 

 

 

 

 

 

"Điều khiến tôi thích thú ở Zara chính là mẫu mã đa dạng và cập nhật thời trang. Vì theo dòng chảy 'fast fashion' (thời trang mỳ ăn liền), nên Zara bắt kịp xu hướng sàn diễn cực nhanh, giá thành lại hợp lý.

Khi Zara vào Việt Nam, tôi nghĩ ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến các thương hiệu Việt. Thêm một nhân tố mới, là thêm sự cạnh tranh, không chỉ riêng Zara mà bất cứ thương hiệu nước ngoài nào cũng đều sẽ như vậy. Tuy nhiên, thời trang Việt vẫn sẽ có chỗ đứng, bởi màu sắc riêng và những thiết kế được đo ni đóng giày cho người Việt.

Zara là thương hiệu đến từ châu Âu, size tiêu chuẩn châu Âu, vì vậy sẽ không hoàn toàn vừa vặn với cơ thể của người châu Á. Phần hạ eo, hay hạ gấu váy, chiều dài quần, chiều dài tay, thân áo... không thể nào 'hoàn hảo' bằng những mẫu mã của các thương hiệu thời trang Việt. Ngoài ra, thị trường Việt Nam cũng rất khác biệt, tính đào thải nhanh. Bằng chứng là nhiều nhãn hiệu vào Việt Nam rồi lại lặng lẽ ra đi. Nhưng với một thương hiệu lớn mạnh như Zara - hot trên toàn cầu, nguồn hàng phong phú về kiểu dáng và mẫu mã - tôi nghĩ nó không thể nguội lạnh trong một thời gian nhất định được" - stylist Hoàng Ku.

Nguồn tin: news.zing.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây