Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Ngẩn ngơ vì 10 đại mỹ nhân đẹp nhất “Tây Du Ký” 1986

Ngẩn ngơ vì 10 đại mỹ nhân đẹp nhất “Tây Du Ký” 1986
Đây là bảng xếp hạng do trang China Daily của Trung Quốc công bố qua sự bình chọn của hàng triệu fan.

Bộ phim Tây Du Ký phiên bản 1986 của nữ đạo diễn Dương Khiết dù trải qua hơn 30 năm nhưng vẫn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người hâm mộ ở nhiều nước châu Á.

Phim bám sát với nguyên tác, bối cảnh được quay tại hàng trăm địa điểm trên khắp đất nước Trung Quốc và một số quốc gia láng giếng, dàn diễn viên trẻ đẹp có kỹ năng diễn xuất điêu luyện, trang phục, hóa trang, đạo cụ, kỹ xảo... được dàn dựng kỳ công giúp làm nên thành công của bộ phim.

 

Những người đẹp làm nên tên tuổi Tây Du Ký.

Chính nhờ dàn diễn viên trẻ đẹp trong phim giúp nhiều tên tuổi trở thành kinh điển. Bên cạnh đó cũng không thể thiếu sự xuất hiện của dàn mỹ nhân trong các vai nữ hoàng, tiên nữ, yêu tinh, thần tiên...

Mới đây trang China Daily của Trung Quốc bình chọn danh sách 10 đại mỹ nhân có nhan sắc nổi bật nhất trong Tây Du Ký qua sự yêu mến của người hâm mộ.

10. Chuột tinh

 
 

Tên đầy đủ của chuột tinh là chuột tinh mũi vàng lông trắng, là con gái nuôi của Thác Tháp Lý Thiên Vương trốn xuống hạ giới thành tinh, ép Đường Tăng phải thành thân với ả. Sau đó bị Ngộ Không mời Lý Thiên Vương xuống tận nơi thu phục, nhốt vào bảo tháp.

Trong Tây Du Ký 1986, nữ diễn Thường Thanh đảm nhận vai chuột tinh. Ở cô có vẻ đẹp cùng sự ma mị hết sức gần gũi với nhân vật.

 

Từ trang điểm cho đến y phục đều toát lên thần thái kiều diễm lẫn tính cách của chuột tinh, vừa mềm mại vừa duyên dáng, thủ đoạn và nham hiểm. 

9. Cao Thúy Lan

 

Cô còn được gọi với tên Cao tiểu tỷ, con của Cao Thái Công, một đại địa chủ giàu có ở Cao gia trang. Cao Thái Công không có con trai nên muốn kén con rể nhưng không ngờ bị Trư Bát Giới quấy nhiễu.

Sau nhờ thầy trò Đường Tăng thỉnh kinh ngang qua giúp đỡ, cứu Cao Thúy Lan và thu phục Trư Bát Giới.

 
 

Cao Thúy Lan trên phim do nữ diễn viên Ngụy Tuệ Lệ đóng. Ngoại hình của cô rất phù hợp với một tiểu thư khuê các. Ngoài ra theo kịch bản còn có cảnh Ngộ Không giả danh Cao Thúy Lan, giúp Tuệ Lệ thể hiện tài diễn xuất phi thường và để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả. 

8. Ân tiểu tỷ

 

Nhân vật này chính là mẹ đẻ của Đường Tăng, có tên đầy đủ là Ân Vân Kiều. Nhân ngày tung cầu kén rể, Vân Kiều vừa mắt tân khoa trạng nguyên Trần Quang Nhụy liền trao cầu cho chàng.

Trần Quang Nhụy và Ân Vân Kiều kết duyên được 100 ngày và đi hưởng trăng mật trên sông, bị tên lái đò hãm hại, Vân Kiều nhẫn nhục sinh con là Đường Tam Tạng. Về sau Tam Tạng dùng luật pháp trừng trị kẻ giết hại cha của ông.

 

Ân tiểu tỷ trong phim do nữ diễn viên nổi tiếng dòng kịch Hoàng Mai là Mã Lan thể hiện. Từ dung mạo cho đến thần thái, khí chất xinh đẹp của Mã Lan đều nhận được sự tán thành của đông đảo khán giả.

7. Hạnh Tiên

 

Hạnh Tiên vốn là yêu nữ tu luyện từ cây hạnh gai trên đỉnh núi cao mà thành. Nhờ vẻ đẹp duyên dáng, có tài ca hát và muốn kết duyên cùng với Đường Tăng bèn tìm cách cản ở ông đi lấy kinh.

Hành động này của Hạnh Tiên khiến Ngộ Không và các huynh đệ nổi giận, sau đó nàng bị Bát Giới đánh chết.

 

Trên màn ảnh nhỏ, Hạnh Tiên do nữ diễn viên Vương Linh Hoa diễn. Từ dung mạo tuyệt sắc cho đến thân hình kiều diễm, thướt tha của cô phù hợp với hình tượng nhân vật trong nguyên tác. 

6. Cáo mặt ngọc

 

Yêu nữ này còn có tên Ngọc diện hồ ly, chính là viên minh châu của cáo vương nghìn tuổi. Trước khi chết, cáo vương nôn ra cáo mặt ngọc, yêu cầu ả gấp rút đi tìm người có đủ năng lực và trung thành để dựa dẫm. Cuối cùng ả tình nguyện làm thiếp cho Ngưu Ma Vương, sau bị Bát Giới đánh chết.

 

Trong Tây Du Ký 1986, nhân vật này do nữ diễn viên Trịnh Ích Bình đóng. Trên phim, từ dung mạo đến trang phục của cô đều hoàn toàn phù hợp với định hình nhân vật.

5. Linh Linh

 

Nhân vật này vốn do Linh Cát bồ tát hóa thân, kết hợp cùng ba vị bồ tát khác nhằm thử lòng thầy trò Đường Tăng. Tuổi đời nhân vật này được giới thiệu vừa tròn 16.

Trên phim, Linh Linh do nữ diễn viên Hà Tình thể hiện. Hà Tình được biết đến là nữ diễn viên duy nhất xuất hiện trong cả 4 bộ phim chuyển thể từ 4 tác phẩm văn học kinh điển – Tứ đại kỳ thư.

 

Nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành của Hà Tình đã được người hâm mộ công nhận. Vai diễn của Hà Tình vẫn còn nhiều nét trẻ con và ngây thơ, chủ yếu lột tả được nét hồn nhiên và hoạt bát của nhân vật Linh Linh chứ không có nhiều đất diễn đặc sắc. 

4. Ngọc thố tinh

 
 

Đây chính là con thỏ ngọc hằng ngày xay thuốc trên cung Quảng Hàn của Hằng Nga, sau trốn xuống hạ giới và giả làm công chúa Thiên Trúc, đòi kết hôn với Đường Tăng nhằm hút nguyên dương của người. Đáng tiếc ngọc thố bị Ngộ Không phát hiện, sau bị Hằng Nga đích thân xuống thu phục.

 

Nhân vật này trên phim do  nữ diễn viên kiêm ca sĩ Lý Linh Ngọc thể hiện. Cô vốn được biết đến là nữ hoàng tình ca thập niên 80 ở Trung Quốc. Ở cô vừa có giọng hát ngọt ngào lẫn vẻ đẹp hoàn mỹ, kiêu sa, hoàn toàn phù hợp với phong cách và vẻ đẹp của một công chúa ngoại quốc. Trang phục và hóa trang của Linh Ngọc cũng thành công ngoài mong đợi.

3. Vạn Thánh công chúa

 

Nhân vật này chính là con gái của Vạn Thánh long vương, cô kết hợp với Cửu đầu trùng phò mã đánh cắp bảo vật trên bảo tháp, sau bị Bát Giới đánh chết. Trong Tây Du Ký sáng tác thêm chuyện tình giữa nàng với Bạch Long Mã.

 
 

Trên màn ảnh, Vạn Thánh công chúa do nữ diễn viên Trương Thanh đảm nhận. Từ gương mặt tuyệt sắc, làn da hồng hào, hàm răng trắng bóng của cô gây ấn tượng với đông đảo khán giả.

Trong đoàn phim, nét đẹp và sự lanh lợi, kiều diễm của Trương Thanh được nhiều người hâm mộ coi là đệ nhất mỹ nữ trong giới thần tiên. 

2. Quốc vương Nữ Nhi quốc

 
 

Cô chính là người đứng đầu Tây Lương Nữ Nhi quốc. Khi thầy trò Đường Tăng thỉnh kinh qua đây, quốc vương bị vẻ khôi ngô tuấn tú của Đường Tăng mê hoặc, bèn nảy ý định muốn kết phu thê, gọi ông là Ngự đệ ca ca.

Thế nhưng cho dù vẻ đẹp dịu dàng cùng sự si tình của nữ quốc vương cũng không đủ níu kéo được Đường Tăng một lòng một dạ hướng về đức Phật.

Nữ diễn viên thủ vai quốc vương Nữ Nhi quốc là Chu Lâm. Vẻ đẹp đoan trang và phóng khoáng, sự dịu dàng hết sức ngọt ngào của Chu Lâm khiến vai diễn này của cô trở thành kinh điển. Ngay đến chuyện tình trên phim cũng khiến nhiều khán giả xúc động. Cô được coi là đệ nhất mỹ nữ chốn nhân gian trong Tây Du Ký.

1. Hằng Nga

 

Đây là một nhân vật trong truyền thuyết thần thoại cổ đại của Trung Quốc, xuất hiện trong nhiều câu chuyện thần thoại. Hằng Nga sở hữu vẻ đẹp phi phàm, sống ở cung Quảng Hàm trên mặt trăng.

Trong tác phẩm Tây Du Ký, nhân vật này xuất hiện không nhiều, chủ yếu trong một vài đại lễ của thiên đình hay khi Bát Giới bị phạt, cũng như lần giáng trần thu phục thỏ ngọc.

 

Trong Tây Du Ký 1986, Hằng Nga do nữ diễn viên múa Khâu Bội Ninh đóng. Phiên bản này quá thành công đến nỗi được coi là Hằng Nga kinh điển nhất. Từ nhan sắc đến thần thái của Bội Ninh đều thể hiện đầy đủ khí chất thần tiên của một tiên nữ trong thần thoại.

Diễn xuất của Bội Ninh siêu phàm thoát tục, duyên dáng và nhẹ nhàng tựa khói sương, đạt đến sự hoàn mỹ. Thành công từ vai diễn cũng giúp nhân vật Hằng Nga của Khâu Bội Ninh được bình chọn vị trí số 1 trong danh sách 10 đại mỹ nhân Tây Du Ký.

Nguồn tin: eva.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây